Thanh Tâm ·
1 năm trước
 7262

Bảo vệ thiên nhiên nhìn từ tư tưởng Hồ Chí Minh

Với tầm nhìn đi trước thời đại, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhận thấy vai trò to lớn của môi trường và ý nghĩa đặc biệt quan trọng của việc bảo vệ môi trường, tài nguyên thiên nhiên trong cuộc sống của toàn nhân loại.

Trồng cây, giữ gìn cân bằng sinh thái tự nhiên

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh thường xuyên quan tâm đến vấn đề trồng cây và bảo vệ môi trường sinh thái. Đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh, muốn cải thiện môi trường sinh thái thì phải trồng cây, “vì lợi ích mười năm phải trồng cây”.

Theo quan điểm, tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, vấn đề môi trường và bảo vệ thiên nhiên luôn được đặc biệt quan tâm. “Việt Nam ta có hai tiếng Tổ quốc, ta cũng gọi Tổ quốc là đất nước; có đất và có nước, thì mới thành Tổ quốc”. Người đã lên án, phê phán hành vi tàn phá tài nguyên thiên nhiên ảnh hưởng đến đời sống con người.

Người quan niệm rằng, trồng cây không chỉ là công việc nông lâm đơn thuần, mà lấy việc trồng, bảo vệ cây xanh là đòn bẩy cho hoạt động bảo vệ môi trường, giáo dục đạo đức lao động, đặc biệt là nâng cao ý thức trách nhiệm của nhân dân trong việc bảo vệ môi trường sinh thái.

Đặc biệt, quan tâm đến môi trường thiên nhiên và hiểu được ý nghĩa sâu sắc, giá trị thiết thực của môi trường sống, ngày 28/11/1959, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phát động ngày “Tết trồng cây”, kêu gọi nhân dân ta tích cực trồng cây, trồng và bảo vệ rừng để giữ lấy màu xanh của đất nước. Người mong muốn rằng: “Trong mười năm, đất nước ta phong cảnh sẽ ngày càng tươi đẹp hơn, khí hậu điều hòa hơn, cây gỗ đầy đủ hơn”.

Bác Hồ về thăm thôn Lạc Trung, xã Bình Dương, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc - Đơn vị có phong trào trồng cây dẫn đầu miền Bắc. (Ảnh tư liệu Bảo tàng Hồ Chí Minh)

Mùa xuân Canh Tý 1960, Bác đến Công viên Thống Nhất tham gia cùng nhân dân Thủ đô trồng cây chính thức khởi xướng và phát động Phong trào “Tết trồng cây”, tạo thành một mỹ tục đẹp của dân tộc ta.

Để có được một phong trào, truyền thống tốt đẹp ấy, Bác đã phải dày công tổ chức, chỉ đạo, gây dựng, trở thành bài học rất quý báu đáng suy nghĩ với hoạt động cách mạng. Lời kêu gọi “Tết trồng cây” của Bác đã được sự hưởng ứng nhiệt tình của nhân dân cả nước, trở thành một phong trào quần chúng sâu rộng từ hơn nửa thế kỷ qua, tôn thêm một nét đẹp trong văn hóa truyền thống Việt Nam thời hiện đại.

Phong trào “Tết trồng cây” do Bác Hồ phát động đã trải qua trên 60 mùa xuân và ngày nay đã trở thành một phong tục, một nét đẹp của văn hóa dân tộc Việt Nam. Người ủng hộ sự cần thiết phải chống thiên tai, duy trì và bảo vệ tài nguyên thiên nhiên cùng môi trường sinh thái.

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh trồng cây là ích nước, lợi nhà, là sự kết nối xanh tươi giữa các vùng miền, giữa các giai cấp, giữa các dân tộc, giữa các thế hệ, giữa các lực lượng xã hội, giữa các tôn giáo – Đó chính là góp phần xây dựng môi trường xã hội bền vững.

Việt Nam hiện cũng đang phải đối diện với nhiều vấn đề môi trường gay gắt: Thiên nhiên nước ta vốn bị tàn phá bởi chiến tranh trước đây, nay còn bị tác động bởi việc khai thác và sử dụng các nguồn tài nguyên thiên nhiên; tình trạng ô nhiễm môi trường sinh thái gia tăng…

Hơn nữa, Việt Nam được đánh giá là một trong năm nước chịu tác động mạnh nhất của biến đổi khí hậu. Đó là những vấn đề nóng bỏng, thách thức đối với mục tiêu phát triển nhanh và bền vững của Việt Nam trong thời gian tới.

Bảo vệ môi trường trong kháng chiến, xây dựng đất nước

Bảo vệ môi trường là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, của toàn xã hội và nghĩa vụ của mọi công dân.

Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, muốn bảo vệ môi trường thiên nhiên, trước hết phải bảo vệ rừng: “Rừng là vàng nếu mình biết bảo vệ, xây dựng thì rừng rất quý”. Chỉ với 14 chữ, câu nói của Người đã thể hiện rõ quan điểm về tầm quan trọng của rừng.

Lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam đã chỉ rõ, rừng là nơi khởi nguồn của các dân tộc Việt, rừng là lá phổi xanh, rừng là tấm áo giáp chắn gió bão, chắn sóng, chắn cát xâm lấn, rừng là tấm thảm xanh phủ trên mặt đất; rừng là nơi lưu giữ sự đa dạng sinh học và là nơi nghiên cứu khảo cố để làm rõ lịch sử ra đời của dân tộc Việt Nam.

Bộ đội hành quân trong chiến dịch Tây Bắc, năm 1952. (Ảnh tư liệu Bảo tàng Lịch sử Quốc gia).

Rừng còn cung cấp các loại sản phẩm nuôi sống con người và phục vụ cho sự phát triển đất nước. Do đó, Người đã kêu gọi mọi người “trồng và bảo vệ rừng, như bảo vệ ngôi nhà của mình.

Rừng là thủ đô kháng chiến, rừng là chiến khu kháng chiến, rừng là “vũ khí” hữu hình “che bộ đội, vây quân thù”… Trong hoàn cảnh khắc nghiệt của cuộc chiến, Người vẫn chủ trương bảo vệ rừng, dựa vào địa hình thiên nhiên để xây dựng căn cứ bí mật, phục vụ công cuộc trường kỳ kháng chiến. Khi cán bộ tìm chỗ dựng nhà, Người căn dặn phải chọn những nơi bảo đảm các tiêu chí “Trên có núi, dưới có sông, có đất ta trồng, có bãi ta vui”.

Chính vì hiểu rõ tầm quan trọng không thể thay thế của rừng đối với sự phát triển bền vững đất nước nên Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định, đó là loại vàng đặc biệt mà Mẹ Thiên nhiên đã ban tặng cho dân tộc Việt Nam.

Bên cạnh những giá trị của việc trồng cây, gây rừng, Người còn chỉ rõ những hậu quả, thiệt hại khi chặt phá rừng bừa bãi, khai thác tài nguyên thiên nhiên không hợp lý.

Người xót xa trước cảnh rừng bị tàn phá, khai thác bừa bãi. Người coi tệ phá rừng là hành vi đem vàng đổ xuống biển, bởi “những cây gỗ to bị chặt để đốt hay để cho mục nát thì không khác gì đồng bào tự mình đem tiền bạc bỏ xuống sông”.

Người cảnh báo nhân dân ta về sự nguy hại của việc chặt phá, khai thác rừng bừa bãi, dẫn đến sự phá vỡ cân bằng môi trường sinh thái, ảnh hưởng đến khí hậu, đời sống sản xuất. Người thẳng thắn phê bình, nhắc nhở: “Bác đi qua nhiều nơi thấy rừng bị phá rất nhiều. Phải giữ gìn rừng cho tốt. 5 năm, 10 năm nữa, rừng là vàng, là bạc, là máy móc cả”.

Cho đến nay, Đảng ta luôn kiên định với lập trường và tư tưởng Hồ Chí Minh về môi trường, đã tiếp tục định hướng đúng đắn trong công tác bảo vệ môi trường; khắc phục ô nhiễm với khôi phục và bảo vệ môi trường sinh thái.