Mạnh Quân ·
2 năm trước
 1590

Bất ngờ: Tỷ trọng điện năng lượng tái tạo tăng cao, điện than, điện khí giảm mạnh

(CLO) Trong hội thảo về tình hình cung ứng điện chiều nay (4/5), ông Nguyễn Đức Ninh, Giám đốc Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia (A0) cho biết, tỷ trọng điện năng lượng tái tạo (điện mặt trời, điện gió...) đang ngày càng lớn trong tổng nguồn cung điện. Nhưng nguồn điện từ điện than, thủy điện có xu hướng giảm.

Hội thảo có sự tham dự của nhiều chuyên gia kinh tế.

Theo ông Nguyễn Đức Ninh, Giám đốc Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia (A0) cho biết: "Vừa qua có sự bùng nổ quá lớn của năng lượng điện tái tạo (NLTT)".

Cụ thể, theo ông Ninh, năm 2020, sản lượng điện NLTT lên tới 21 tỷ kWh nhưng năm nay sẽ còn lên tới 32 tỷ kWh. Tính đến tháng 4/2021, trong tổng công suất nguồn điện, Việt Nam hiện có 9583 MW điện mặt trời (ĐMT) áp mái, nguồn điện từ ĐMT trang trại khoảng 9.200 MW.

Công suất các dự án điện gió hiện mới có 612 MW, nhưng dự kiến từ nay đến cuối năm tăng nhanh do số dự án chuẩn bị đi vào hoạt động có nhiều dự án có công suất lớn. Dự kiến có 4500-5.400 MW dự án điện gió đưa vào tháng 9-10/2021.

Tiến độ các nguồn điện gió dự kiến vào vận hành từ nay đến cuối năm 2021. Nguồn: EVN

"Hiện nay, do khai thác điện từ NLTT tăng lên nên việc khai thác điện từ các nguồn điện than và điện khí sẽ suy giảm. Chúng tôi sẽ khai thác thấp hơn kế hoạch 18 tỷ kWh, giảm đến 7-8%, phần suy giảm sẽ bù lại từ nguồn điện tái tạo tăng cao", ông Ninh cho biết.

Tuy nhiên, ông Ninh cũng nói, mặc dù nguồn phát từ NLTT tăng cao như vậy nhưng năm 2021, tổng công suất NLTT sẽ ở mức trên dưới 20.000 MW, chiếm tỷ trọng công suất trên 30% nhưng sản lượng lại chỉ chiếm 12%.

Đáng chú ý, theo ông Ninh, mặc dù NLTT tăng nhanh nhưng việc cung ứng điện trong giai đoạn này vẫn phải dựa trên nguồn truyền thống. Trong tổng công suất nguồn, nhiệt điện than vẫn chiếm tỷ lệ tới 40%, khai thác khoảng 120-125 tỷ kWh/năm, nhưng cũng chỉ khai thác thực tế đến 80%.

Biểu đồ tăng trưởng các nguồn điện tái tạo. Nguồn: Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia (A0)

Giám đốc A0 cho biết, hiện tượng thừa nguồn NLTT đang ảnh hưởng rất lớn đến việc điều hành hệ thống điện hiện nay. Tác động lớn dễ thấy là gây quá tải đường dây nội miền; phụ tải chênh lệch giữa giờ cao điểm và giờ thấp điểm lớn... Trong khi đó, A0 vẫn phải cân đối để đảm bảo vận hành thị trường điện hoạt động bình thường; phải duy trì một lượng tổ máy truyền tống nhất định để đảm bảo dự phòng quay, công suất lúc cao điểm, quán tính hệ thống, ổn định điện áp ...

Nhận xét về các thông tin do ông Nguyễn Đức Ninh đưa ra, chuyên gia kinh tế (CGKT) Phạm Chi Lan nói, hiện nay có mối lo ngại về việc một số dự án điện NLTT được làm rất nhan, tranh thủ giá rẻ do Chính phủ quy định nhưng cũng bán rất nhanh giấy phép cho nhà đầu tư khác. "Thế có tin tưởng độ tin cậy các nhà đầu tư không? Các dự án điện tương đối lớn được hưởng ưu đãi mà rơi vào tay các nhà đầu tư không đáng tin cậy thì gây ra những vấn đề gì, nhất là các dự án ở các vị trí nhạy cảm về quốc phòng?", bà Chi Lan đặt câu hỏi.

Trả lời câu hỏi này, ông Nguyễn Minh Khoa, Trưởng ban Pháp chế EVN cho hay: Quy định hiện nay, UBND cấp tỉnh sẽ phê duyệt dự án, xem xét năng lực nhà đầu tư.

"Vừa qua, nhiều nhà đầu tư đa phần là nhà đầu tư tư nhân. Bên EVN chỉ là bên mua điện. Sau khi ký kết hợp đồng mua bán điện, có nhà đầu tư tiếp tục thực hiện dự án, nhưng có nhà đầu tư thay đổi, chuyển nhượng bằng cách bán cổ phần, bán bớt phần vốn chứ không bán lại cả dự án vì quy định hiện nay là yêu cầu thực hiện ít nhất 20 năm dự án. Thực chất là chuyển nhượng cổ phần, chuyển nhượng vốn", ông Khoa cho biết.

Nguồn