Thiệt hại kinh tế tăng dần theo đà tăng của nhiệt độ Trái Đất
Tình trạng ấm lên toàn cầu đã làm trầm trọng thêm tình trạng tuyệt chủng của các loài. Theo các chuyên gia, số người thiệt hại do biến đổi khí hậu có thể nhiều hơn gấp nhiều lần đại dịch Covid-19.
Biến đổi khí hậu sẽ gây ra những tác động đáng kể đến nhiều lĩnh vực khác nhau của Việt Nam. Thiệt hại kinh tế trực tiếp tích lũy trung bình hàng năm có thể rơi vào khoảng 4,5 % GDP khi nhiệt độ tăng lên 1,5 độ C so với nhiệt độ của thời kỳ tiền công nghiệp (1851–1900); 6,7% khi nhiệt độ tăng 2 độ C và lên đến 10,8% khi nhiệt độ tăng 3 độ C.
Thống kê này do Chương trình GEMMES Việt Nam (GEMMES) đưa ra trong báo cáo “Biến đổi khí hậu tại Việt Nam: Tác động và thích ứng”. Báo cáo từng được trình bày tại Hội nghị COP26 và trong năm 2022, AFD sẽ tổ chức chuỗi Hội thảo trực tuyến, nghiên cứu chuyên đề nhằm thảo luận về những đánh giá trong báo cáo này.
Theo đó, các nhà nghiên cứu của GEMMES đã sử dụng bộ dữ liệu mới nhất từ Chương trình Nghiên cứu Khí hậu Thế giới để thiết lập mô hình khí hậu Việt Nam theo một số kịch bản chính sách khí hậu. Kịch bản giả định rằng các nỗ lực toàn cầu hiện nay về giảm phát thải khí nhà kính không được đáp ứng, biến đổi khí hậu không được ngăn chặn, nhiệt độ tại Việt Nam có thể tăng lên đến 6 độ C vào cuối thế kỉ 21, gây ra những hậu quả trầm trọng cho con người và môi trường. Nếu các cam kết của Thỏa thuận Khí hậu Paris đạt mục tiêu, Việt Nam vẫn sẽ trải qua mức tăng nhiệt tối thiểu là 1,3 độ C.
Bên cạnh đó, trong bản báo cáo mới nhất này, các nhà khoa học của GEMMES cũng cảnh báo rằng mức nhiệt tăng cực đoan này có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản lượng nông nghiệp, phá huỷ nhiều thành phố và làng mạc. Nhiều khu vực đứng trước nguy cơ phải hứng chịu thảm họa thiên nhiên ngày một tăng về cả số lượng và mức độ nghiêm trọng.
Theo đánh giá mới nhất của Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi khí hậu (IPCC), sự nóng lên trong giai đoạn 2021-2040 rất có khả năng vượt quá 1,5°C. Nếu thế giới tiếp tục không làm gì hoặc hành động chậm như hiện nay, sự nóng lên toàn cầu có thể tăng lên 3,3 - 5,7°C vào cuối thế kỷ 21. IPCC kêu gọi, những việc các quốc gia cần làm ngay lúc này là lập tức thực hiện cắt giảm khí nhà kính, thúc đẩy nhanh việc áp dụng các công nghệ loại bỏ carbon để hạn chế sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu ở giới hạn tối thiểu 1,5 độ C.
Thảm họa thiên nhiên ngày càng tăng ở nhiều khu vực Việt Nam
Theo PGS.TS Ngô Đức Thành, Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội, một trong những nhà khoa học tham gia xây dựng báo cáo GEMMES: “Khi nhiệt độ trung bình tăng nhanh, chúng ta sẽ sớm chứng kiến những hiện tượng cực đoan mới gây ra bởi thời tiết nắng nóng.
Nếu trước đây, 35 độ C được coi là một mức nhiệt độ cao, thì trong tương lai, nó sẽ trở thành mức bình thường với sự xuất hiện của các mức nhiệt mới cao hơn là 40 hoặc 45 độ C. Điều này có thể dẫn đến những hậu quả nguy hiểm đối với cuộc sống và môi trường sống của con người nếu chúng ta không tìm cách thích ứng đủ nhanh với những thay đổi của khí hậu”.
Đề cập đến các tác động kinh tế - xã hội của biến đổi khí hậu lên một số ngành chính của nền kinh tế Việt Nam (nông nghiệp và năng lượng) và một số vấn đề chính của xã hội (sức khỏe và chất lượng lao động), GEMMES nhận định, biến đổi khí hậu sẽ làm giảm tốc độ tăng trưởng dài hạn của Việt Nam trong những thập kỷ tới và cần được nghiên cứu cẩn trọng hơn.
Mặc dù, Chính phủ đã có những nỗ lực đáng kể trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu trong 10 năm qua, nhưng kết quả vẫn còn hạn chế. Nguyên nhân đến từ các thách thức về việc thiếu nguồn lực kỹ thuật và tài chính cho thích ứng, nhu cầu tăng cường các hỗ trợ nhằm nâng cao năng lực cho các địa phương, sự cần thiết phải tập trung giải quyết những nguyên nhân sâu xa của tình trạng dễ bị tổn thương và việc lồng ghép biến đổi khí hậu vào hệ thống thể chế một cách toàn diện.
Trong những năm qua, Việt Nam đã và đang phải chịu những tác động nghiêm trọng của biến đổi khí hậu và các thảm họa thiên tai do khí hậu gây ra, điều này yêu cầu quốc gia cần phải thực hiện các hành động cấp bách để duy trì các thành tựu phát triển mà Việt Nam đã nỗ lực đạt được, phục hồi tốt hơn sau tác động của Covid-19 và đạt mức thu nhập trung bình cao bền vững và không để ai bị bỏ lại phía sau.
Chính vì vậy, để hành động hiệu quả nhằm bảo vệ môi trường, Việt Nam cũng đã chuẩn bị rất kỹ lưỡng để đóng góp vào nỗ lực toàn cầu, trong đó có việc đưa vấn đề ứng phó với biến đổi khí hậu cũng như các cam kết thực hiện Hiệp định Paris vào Luật Bảo vệ Môi trường năm 2020 và Nghị định quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ozone; xây dựng các quy định thực hiện giảm nhẹ, thích ứng với biến đổi khí hậu đáp ứng yêu cầu minh bạch…
Sau COP26, Việt Nam đã triển khai rà soát lại các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch đã và đang được xây dựng để điều chỉnh phù hợp với lộ trình đưa phát thải ròng của Việt Nam về “0” vào năm 2050, thực hiện lộ trình tiến tới loại bỏ các dự án điện than, nâng tỷ trọng “điện sạch” vào hệ thống; tích cực, chủ động tăng cường hợp tác quốc tế để tranh thủ nguồn lực tài chính, công nghệ, tăng cường năng lực triển khai các cam kết....
Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, vấn đề ứng phó biến đổi khí hậu, giảm phát thải carbon, phát triển bền vững là xu thế không thể đảo ngược với quyết tâm cao và mục tiêu lớn của cộng đồng quốc tế. Đây là vấn đề toàn cầu nên phải có cách tiếp cận toàn cầu, cần sự tham gia của tất cả các quốc gia. Vấn đề ảnh hưởng đến mọi người dân nên phải có cách tiếp cận toàn dân, lấy người dân là mục tiêu, là động lực, là trung tâm, là chủ thể để thực hiện.
"Đã cam kết rồi thì phải làm mà đã làm rồi phải có hiệu quả mang lại cho nhân dân, cho đất nước. Làm việc với tinh thần, khí thế như vậy thì chúng ta mới có thể thành công được. Còn nhận thức không đúng, làm hời hợt hoặc là làm mang tính chất hình thức thì không làm được. Đây là vấn đề khó, còn có cả những vấn đề nhạy cảm. Chúng ta không quyết tâm, không có sự lãnh đạo, chỉ đạo xuyên suốt, không làm bằng tất cả tấm lòng, bằng trái tim, cảm xúc của mình thì cũng không thành công" – Thủ tướng nhấn mạnh.
Lan Anh
Nguồn: Kinh tế Môi trường