Hoàng Lâm ·
3 năm trước
 1506

Bí thư Thành ủy Bắc Ninh tuyên bố đóng cửa bất kì doanh nghiệp nào gây ô nhiễm ở làng giấy Phong Khê

Đúng là "lò đã nóng thì củi tươi cũng cháy", đã ô nhiễm đến mức này rồi, không thể nhân nhượng hơn được nữa. Tất cả những doanh nghiệp vi phạm về nguồn xả thải gây ô nhiễm tại làng giấy Phong Khê sẽ phải dừng hoạt động. Mình đọc được loạt phỏng vấn này, ủng hộ và tin tưởng vào Bí thư Thành ủy Bắc Ninh! Hy vọng sau hành động quyết liệt này, chúng ta sẽ tìm lại được một Phong Khê khác hẳn với Phong Khê ô nhiễm hôm nay.

Ngay trong lúc đang tiến hành kiểm tra thực trạng ô nhiễm môi trường trên sông Ngũ Huyện Khê do các khu, cụm công nghiệp sản xuất giấy ở Phong Khê và Phú Lâm (Tiên Du) gây ra, ông Tạ Đăng Đoan - Bí thư Thành ủy Bắc Ninh cũng phải thừa nhận rằng: Tình trạng ô nhiễm môi trường ở đây đã đến mức báo động đỏ, ở ngưỡng rất nguy hiểm. 

Dưới đây là phần phỏng vấn ông Tạ Đăng Đoan - Bí thư Thành ủy Bắc Ninh do các phóng viên ghi nhận. Trước thực trạng ô nhiễm môi trường khủng khiếp này, ông Đoan đã tuyên bố thẳng: TP sẽ đóng cửa tất cả, đóng cửa bất kỳ doanh nghiệp nào có vi phạm về xả thải ra môi trường.

Ông Tạ Đăng Đoan- Bí thư Thành ủy Bắc Ninh trả lời phỏng vấn báo chí

Trong thời gian gần đây, báo chí và dư luận liên tục phản ánh về tình trạng ô nhiễm môi trường ở sông Ngũ Huyện Khê và khu vực xung quang các cơ sở, khu, cụm công nghiệp do làng nghề giấy Phong Khê, Phú Lâm gây ra, ông có thể cho biết đánh giá về hiện trạng ô nhiễm môi trường tại đây và thành phố đã có biện pháp gì để giải quyết chưa?

Có thể thấy, tình trạng ô nhiễm ở sông Ngũ Huyện Khê đã diễn ra từ nhiều năm nay và đang ở tình trạng rất nguy hiểm. Việc ô nhiễm này ảnh hưởng trực tiếp đến người dân, người lao động, cũng như môi trường xung quanh.

Biện pháp xử lý bây giờ có thể đưa vào luật trong vấn đề môi trường, đặc biệt là vấn đề xử lý nước thải. Hiện tại, từ Tỉnh ủy, UBND tỉnh đến thành phố Bắc Ninh cũng vào cuộc xử lý, đã có công văn, văn bản chỉ đạo. Đồng thời, chúng tôi cũng đã tiến hành kiểm tra thực tế để xử phạt các cơ sở vi phạm, thành phố rồi công an môi trường đều đã có các quyết định xử phạt rất nhiều doanh nghiệp.

Tuy nhiên, đến bây giờ tình trạng ô nhiễm vẫn còn nghiêm trọng, do đó chúng tôi phải giải quyết từng nút thắt, tháo gỡ từng vướng mắc, từ vấn đề xử lý khí thải, rác thải, nước thải. Đồng thời, tiến hành quy hoạch các cơ sở sản xuất theo lộ trình đếm 2030 về quy hoạch phát triển khu, cụm công nghiệp của UBND tỉnh Bắc Ninh. Song chúng tôi không đợi đến lộ trình đó, mà sẽ xử lý nghiêm ngay từ bây giờ. Theo đó, những doanh nghiệp nào không tuân thủ theo quy định sẽ tiến hành xử phạt, cưỡng chế, bắt đóng cửa cơ sở sản xuất gây ô nhiễm.

Vừa qua, chúng tôi đã kiểm tra được 7 doanh nghiệp và tiến hành xử phạt 6 doanh nghiệp với số tiền hơn 2,2 tỉ đồng. Đồng thời, chúng tôi sẽ phối hợp với công an, công ty thủy lợi để cắt bỏ, dỡ bỏ những đường ống xả thải bắc qua đê sông Ngũ Huyện Khê và lấp lại. Chúng tôi sẽ đóng cửa một số nhà máy gây ô nhiễm.

Việc ô nhiễm ở Phong Khê diễn ra đã nhiều năm, qua nhiều thời kỳ, vì sao đến bây giờ khi báo chí phản ánh, thành phố, tỉnh mới vào cuộc xử lý?

- Có thể thấy, làng nghề giấy Phong Khê đã tồn tại từ rất lâu trong quá trình vận hành kinh tế- xã hội của tỉnh và thành phố. Trước đây, khi đời sống còn khó khăn, người dân đã làm và bất chấp môi trường để có thu nhập, nuôi sống bản thân mình. Trong những năm qua, do tốc độ phát triển không ngừng của các doanh nghiệp, xí nghiệp, nhà máy sản xuất giấy trên địa bàn, chuyển từ sản xuất thủ công sang sản xuất công nghiệp, nên việc quy hoạch mặt bằng phát triển phát triển sản xuất và hạ tầng kỹ thuật tại phường Phong Khê chưa đám ứng được với sự phát triển sản xuất của các doanh nghiệp, cơ sở.

Tuy nhiên, nói gì thì nói đến bây giờ, các doanh nghiệp phải có ý thức, phải nhìn nhận lại. Không thể đánh đổi kinh tế để lấy môi trường, vì nếu không giải quyết vấn đề này, thì không chỉ những người xung quanh, mà chính họ, con cái họ cũng chịu hậu quả về ô nhiễm môi trường. Qua trao đổi, chúng tôi thấy một số doanh nghiệp đã có ý thức để xây dựng hệ thống nước thải, cũng như mua hơi nước để sản xuất ra giấy.

Qua ghi nhận thực tế của phóng viên, cũng như đánh giá của một số ngành chức năng, thực trạng ô nhiễm môi trường ở Phong Khê là không thể khắc phục nếu không di dời các cơ sở sản xuất ra khỏi dân cư. Hơn nữa, không thể chấp nhận một cơ sở sản xuất gây ô nhiễm như vậy tồn tại giữa lòng thành phố. Vậy, thành phố Bắc Ninh có tính đến phương án di dời toàn bộ cơ sở sản xuất giấy ra khỏi địa bàn?

- Như tôi đã nói, UBND tỉnh Bắc Ninh đã ban hành quyết định về "Quy hoạch phát triển khu, cụm công nghiệp đến 2030" và theo lộ trình đó, tất cả các cơ sở sản xuất giấy ở đây sẽ phải di dời ra khỏi địa bàn, đồng thời chúng tôi sẽ quy hoạch Phong Khê trở thành trung tâm thương mại, dịch vụ, nhà ở, logictics. Song ngay từ bây giờ, chúng ta cũng phải có những giải pháp để giải quyết đủ mạnh để họ không xả thải ra nữa và họ phải tự cứ lấy mình bằng cách xây dựng hệ thống xử lý, thu gom nước thải, khí thải.

Trên tinh thần đó, chúng tôi sẽ xử phạt nghiêm theo luật định. Cụ thể, với những nhà máy nào sản xuất không đảm bảo về môi trường như không có hệ thống xử lý nước thải hoặc có nhưng không hoạt động hoặc hoạt động nhưng không đạt hiệu quả, sẽ kiên quyết đóng cửa đến khi nào khắc phục được mới cho hoạt động trở lại. Chúng tôi cũng sẽ áp dụng các biện pháp "rắn" khác như cưỡng chế dừng sản xuất đối với các cơ sở vi phạm về môi trường bằng cách cắt điện, cắt nguồn cung cấp nước đầu vào, kiên quyết không cho sản xuất nữa.

Bộ NNPTNT, cũng như các tỉnh Hải Dương, Bắc Giang đã có rất nhiều lần, nhiều văn bản đề nghị tỉnh Bắc Ninh xử lý triệt để việc xả thải của các làng nghề giấy sang sông Ngũ Huyện Khê dẫn đến làm ô nhiễm sông Cầu, gây chết cá trên lồng bè và sản xuất nông nghiệp. Theo ông, để xử lý triệt để tình trạng ô nhiễm ở Phong Khê, tỉnh Bắc Ninh cần có sự phối hợp với các cơ quan trung ương như thế nào?

Chúng tôi kiến nghị Bộ Tài nguyên Môi trường làm sao phải phân cấp triệt để và mạnh hơn nữa cho chúng tôi để chúng tôi có đủ căn cứ, thẩm quyền xử lý. Chẳng hạn như việc thẩm định đánh giá tác động môi trường đối với các cơ sở sản xuất, việc cấp phép về việc xử lý nước thải, khí thải theo quy chuẩn. Việc này, Bộ TNMT cần giao bớt, thậm chí giao hẳn cho địa phương để xử lý.

Clip: Nước thải từ các cơ sở sản xuất thải ra gây ô nhiễm kinh khủng, ngập úng ở Phong Khê, tràn cả vào trường Tiểu học trên địa bàn.

UBND tỉnh Bắc Ninh vừa có quyết định phê duyệt kinh phí điều tra, đánh giá phân loại ô nhiễm môi trường làng nghề, cụm công nghiệp với số tiền gần 3,9 tỷ đồng với thời gian thực hiện trong năm 2021. Mục tiêu chung của dự án, đó là tăng cường công tác quản lý môi trường tại làng nghề, các cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh. 

Cụ thể, gồm: Đánh giá hiện trạng môi trường đặc trưng tại các làng nghề, CCN; Phân loại làng nghề, CCN theo các mức độ ô nhiễm môi trường; Đánh giá thực trạng, những tồn tại trong công tác quản lý môi trường tại các làng nghề, CCN và những vấn đề môi trường bức xúc; Kiến nghị, đề xuất các biện pháp quản lý, xử lý phù hợp với đặc thù của các loại hình làng nghề, CCN.

Ông Nguyễn Đại Đồng - Chủ tịch UBND huyện Tiên Du (Bắc Ninh) cho biết, tại cụm công nghiệp Phú Lâm có khoảng 30 doanh nghiệp và hộ kinh doanh cá thể đang hoạt động sản xuất, tái chế giấy các loại với tổng lượng nước thải phát sinh khoảng 4.000m3/ngày đêm. Do chưa có hệ thống nước tải tập trung nên xảy ra tình trạng gây ô nhiễm môi trường đối với khu vực xung quanh.