Mặc dù đây chỉ là nhà máy có công suất nhỏ nhất trong sáu cơ sở tại Việt Nam, tuy nhiên động thái lần này của Heineken vẫn phản ánh những khó khăn của ngành bia đang đối mặt.
Trước đó, tại báo cáo tài chính của Tập đoàn Heineken (Hà Lan) cho thấy, sản lượng bia toàn cầu của hãng này đã giảm 4,7% chủ yếu do thị trường Việt Nam và Nigeria.
Ảnh minh họa. Nguồn ảnh: Internet.
Bên cạnh thị trường phân phối, bán lẻ truyền thống, theo ghi nhận của nền tảng số liệu thị trường thương mại điện tử Metric.vn, kênh bán hàng trực tuyến của các nhãn hiệu bia thuộc Heineken sản xuất, cũng có xu hướng sụt giảm mạnh mẽ.
Được biết, phần lớn trên các sàn TMĐT, Heineken Việt Nam đều đăng ký gian hàng chính thức và bán các nhãn hiệu bia của hãng, trong đó có cả thức uống đại mạch Heineken 0.0 (bia không độ).
Tại báo cáo quý I năm 2024 của Metric cho thấy, bất chấp doanh số bia có độ giảm thì doanh số bán dòng bia không độ của các hãng này lại tăng gần 142% so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo đó, chỉ với 44 shop bán thế nhưng bia không độ lại mang về cho nhà bán hơn 168 triệu đồng, với 1,3 ngàn sản phẩm được bán ra trên các sàn TMĐT Shopee, Lazada, Tiki, Sendo.
Dòng bia không độ của Heineken là thương hiệu dẫn đầu về doanh số bán hàng, tiếp đến là các hãng như Bavaria, Sagota...
Ông Alexander Koch - Giám đốc Thương mại Cấp cao của Heineken Việt Nam đã từng kỳ vọng nhiều về dòng bia này khi nhận định thị trường bia không độ toàn cầu được dự báo vượt 25 tỉ USD vào năm nay.
Động lực thúc đẩy sự tăng trưởng này chính là nhóm người tiêu dùng quan tâm đến sức khỏe cũng như quy định pháp luật mới nhất của Việt Nam chính thức cấm nồng độ cồn trong điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ.
Các chuyên gia cho rằng, rất có thể trong thời gian tới ngành bia vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn về sức tiêu thụ.
Sáng ngày 27/6, Quốc hội chính thức thông qua dự Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ với 388/450 đại biểu tham gia tán thành, trong đó có quy định cấm tuyệt đối nồng độ cồn với tài xế khi lái xe.
Tại khoản 2, điều 9 của Luật quy định về các hành vi bị nghiêm cấm, trong đó cấm điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn.
Luật giao Bộ Y tế thực hiện quản lý nhà nước về điều kiện sức khỏe của người lái xe, người điều khiển xe máy chuyên dùng tham gia giao thông đường bộ; quy định về xác định nồng độ cồn và nồng độ cồn nội sinh trong máu.
Trước khi biểu quyết thông qua toàn bộ luật, quy định về phương án cấm nồng độ cồn cũng đã được các đại biểu biểu quyết riêng.
Theo đó, có 357/448 đại biểu có mặt biểu quyết tán thành với quy định cấm này.
Trước khi được Quốc hội thông qua, trình bày giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới cho biết, nhiều ý kiến nhất trí quy định này, tuy nhiên một số ý kiến đề nghị cân nhắc quy định có ngưỡng tối thiểu. Một số ý kiến khác đề nghị đưa 2 phương án để xin ý kiến Đại biểu Quốc hội.
Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, quy định trên không phải là nội dung mới, mà được kế thừa quy định của Luật Giao thông đường bộ năm 2008, thống nhất với quy định của Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia năm 2019 và quy định cụ thể cho lĩnh vực giao thông đường bộ.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng việc tiếp tục cấm triệt để nồng độ cồn nhằm bảo vệ tốt nhất tính mạng, sức khỏe, tài sản cho người dân, bảo vệ nguồn lực cho xã hội, bảo vệ tuổi thọ của giống nòi. Để hình thành nếp văn hóa tham gia giao thông "đã uống rượu, bia thì không lái xe". Sau đó sẽ tiến hành tổng kết, đề xuất quy định hoặc sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với tình hình thực tiễn.
Theo Tạ Ngọc/ Diễn đàn sự thật
https://www.facebook.com/groups/4054824701243922/posts/8012523025474050