Dẫn số liệu về hiện trạng trồng cây ăn quả của Bộ Nông nghiệp, thực phẩm và nông thôn và Cục Thống kê quốc gia Hàn Quốc công bố ngày 23/6 cho biết trong 30 năm qua (1993 - 2023), diện tích trồng táo của nước này đã giảm 35,4% từ 52.297 ha xuống còn 33.789 ha, diện tích trồng nho và lê cũng giảm nhanh, với số liệu giảm lần lượt là 34,3% và 12,7%.
Ngược lại, trong 3 năm (2019 - 2022), sản lượng cây trồng cận nhiệt đới đã tăng gấp 3 lần. Diện tích 18 loại cây trồng cận nhiệt đới, bao gồm xoài, đu đủ, chuối và cà phê, tăng 9,9% từ 303 ha năm 2019 lên 333 ha vào năm 2022. Sản lượng cây trồng cận nhiệt đới cũng tăng 2,6 lần lên 14.600 tấn. Tuy nhiên, diện tích trồng cây cận nhiệt đới chỉ chiếm 0,6% diện tích táo, lê, nho nên không đủ để thay thế các loại trái cây chính vốn đang bị sụt giảm nghiêm trọng này.
Cây hồng tại Hàn Quốc. Ảnh: IT
Theo Cơ quan Khí tượng Hàn Quốc, thế giới đều phải hứng chịu thời tiết bất thường nhưng tốc độ ấm lên trên Bán đảo Triều Tiên dường như nhanh hơn nhiều. Cứ sau 10 năm, từ năm 1912 - 2020, nhiệt độ trung bình hằng năm ở Hàn Quốc tăng 0,2 độ C, nhanh gấp 3 lần so với mức trung bình toàn cầu. Tốc độ tăng nhiệt độ mặt nước cao gấp 2,6 lần mức trung bình toàn cầu.
Nhiệt độ trung bình ở Hàn Quốc là 12,1 độ C vào những năm 1970 đã tăng lên 13,1 độ C vào những năm 2020 và nhiệt độ trung bình tối đa cũng tăng từ 17,7 độ C lên 18,6 độ C. Năm nay, trong tháng 6 này, nhiệt độ ban ngày cao nhất ở nhiều nơi trên toàn Hàn Quốc đã vượt quá 35 độ, phá vỡ mức nhiệt độ cao nhất vào tháng 6 từ trước đến nay, báo hiệu một đợt nắng nóng trong mùa hè này.
Hiện tượng khí hậu bất thường, bao gồm nắng nóng cực độ, mưa lớn, bão thường xuyên xảy ra khiến Bán đảo Triều Tiên đang nhanh chóng trở thành vùng cận nhiệt đới và các vùng sản xuất trái cây trồng ở vùng khí hậu ôn đới đang nhanh chóng “bốc hơi”. Trong 30 năm qua, diện tích trồng cây ăn trái đã biến mất tương đương kích thước trung bình của 1.226 sân bóng đá, gây thiệt hại nặng nề cho nông sản của Hàn Quốc. Cục Phát triển Nông thôn Hàn Quốc dự báo nếu tiếp tục mức độ biến đổi khí hậu như hiện nay, diện tích trồng táo ở Hàn Quốc sẽ giảm 60% vào năm 2030.
Theo Cục Khí tượng Hàn Quốc, ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đối với sản xuất nông nghiệp dự kiến sẽ ngày càng gia tăng trong tương lai. Ngân hàng Hàn Quốc ước tính rằng nếu nhiệt độ trung bình tăng 1 độ so với mức trung bình dài hạn (1973 - 2023), giá nông sản sẽ tăng 2% và mức giá tiêu dùng chung sẽ tăng 0,7% trong một năm. Giá nông sản ở Hàn Quốc chiếm tỷ trọng thấp ở mức 3,8% trong tổng giá tiêu dùng, nhưng tác động của chúng lên giá cả được cảm nhận là rất đáng kể.