Ngọc Lan ·
4 tuần trước
 9817

Nước sông ở Alaska bất ngờ chuyển màu cam lạ thường, nguyên nhân là do biến đổi khí hậu

Được biết, hiện tượng nước sông ở Alaska, Mỹ chuyển sang màu cam đã xuất hiện trước đó. Tuy nhiên, hậu quả của màu nước sông lạ thường này có thể ảnh hưởng tới hệ sinh vật và kinh tế của người dân.

Hàng chục con sông và suối ở bang Alaska, Mỹ đang bất ngờ chuyển màu từ xanh sang sắc cam rực rỡ. Màu nước sông bất thường được nhìn thấy rõ ngay cả khi chụp lại từ vệ tinh. Một nghiên cứu mới đây cho biết, nguyên nhân nước sông chuyển màu cam có thể là hậu quả sau khi lớp băng vĩnh cửu tan chảy. Bàn về băng tan, nguyên nhân sâu sa chính là do biến đổi khí hậu do con người gây ra.

Một dòng sông gần dãy núi Brooks Range, phía Bắc bang Alaska chuyển màu cam.

Lớp băng vĩnh cửu là tầng đất đóng băng dưới 0 độ C trong khoảng thời gian trên 2 năm. Hầu hết các lớp băng vĩnh cửu nằm ở vĩ độ cao gần Bắc Cực và Nam Cực. Thông thường, các khoáng chất được giữ lại ở tầng đất đóng băng. Nhưng do hiện tượng băng tan trên toàn cầu, các khoáng chất đang thấm dần và hòa vào mạch nước.

Lớp băng vĩnh cửu tan chảy làm cho các khoáng chất tiếp xúc với oxy trong quá trình phong hóa. Quá trình này sẽ làm tăng tính axit của nước và hòa tan các kim loại như kẽm, đồng, cadmium và sắt. Chính những kim loại này đã khiến cho nước sông có màu gỉ sắt.

Trong bối cảnh Trái đất ngày càng nóng lên do con người thải ra nhiều khí nhà kính, Bắc Cực là khu vực nóng lên nhanh nhất thế giới. Ông Brett Poulin, tác giả của nghiên cứu, đồng thời là chuyên gia về chất độc môi trường tại Đại học California Davis, Mỹ cho biết, hiện tượng sông đổi màu hàng loạt ở Alaska là hậu quả do biến đổi khí hậu mà con người không thể lường trước được.

Nghiên cứu còn cho thấy nguy cơ suy thoái nguồn nước uống và rủi ro với nghề đánh bắt cá ở Bắc Cực. Ông Poulin lý giải, các kim loại khi hòa tan vào hệ thống sông ngòi sẽ gây ảnh hưởng tới hệ thủy sinh. Theo dữ liệu của dự án nghiên cứu, kể từ khi nước sông chuyển màu cam, số lượng động vật không xương sống cỡ lớn và màng sinh học đóng vai trò mạng lưới thức ăn ở đáy sông đã giảm đáng kể.

Hiện tượng rỉ sét thường xảy ra vào mùa hè, thời điểm từ tháng 7 đến tháng 8. Đây là lúc lớp đất băng tan lâu nhất. Các nhà nghiên cứu tại Mỹ hiện đang tiến hành các khảo sát để tìm hiểu kỹ hơn về hậu quả của lớp băng vĩnh cửu tan sẽ gây biến đổi thành phần hóa học của nước như thế nào.

Sông ở Alaska cứ đến tháng 7, 8 lại chuyển màu cam.

Góc nhìn từ trên vệ tinh.