Theo dự báo của các cơ quan khí tượng thủy văn quốc tế (Windy, Ventusky), khoảng ngày 7 và 8/4 có khả năng xuất hiện áp thấp nhiệt đới trên vùng biển phía Nam Biển Đông và 2 cơn bão ở phía Đông Philippines có khả năng đi vào Biển Đông.
Theo Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai, đây là tình huống bất thường, có thể xuất hiện áp thấp nhiệt đới, bão sớm hơn so với quy luật hằng năm.
Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia cho biết do ảnh hưởng của đới gió Đông rìa áp cao cận nhiệt đới lấn về phía Tây nên từ nay đến ngày 6-4, khu vực từ Thừa Thiên - Huế đến Khánh Hòa có mưa vừa, mưa to và giông.
Vì vậy, để chủ động ứng phó, giảm thiệt hại do áp thấp nhiệt đới, bão có thể gây ra, tránh tâm lý chủ quan, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai đề nghị Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Ninh đến Kiên Giang theo dõi chặt chẽ thông tin dự báo, cảnh báo của các cơ quan dự báo khí tượng thủy văn trong nước và quốc tế về diễn biến của áp thấp nhiệt đới và bão có thể xuất hiện trong thời gian tới.
Đồng thời, cần thông báo cho thuyền trưởng, chủ các phương tiện, tàu thuyền đang hoạt động trên biển biết để chủ động phòng tránh và có kế hoạch sản xuất phù hợp, đảm bảo an toàn về người và tài sản; duy trì thông tin liên lạc nhằm xử lý kịp thời các tình huống xấu có thể xảy ra.
Liên quan đến đợt mưa lũ dị thường gây hậu quả nghiêm trọng những ngày qua, ngày 4/4, các tỉnh miền Trung khẩn trương khắc phục hậu quả. Theo Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) tỉnh Thừa Thiên - Huế, đợt mưa lũ đã làm địa phương này thiệt hại khoảng 1.103 tỷ đồng, trong đó ngành nông nghiệp thiệt hại nặng nề nhất với hơn 935 tỷ đồng. Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Thừa Thiên - Huế kiến nghị UBND tỉnh đề xuất trung ương hỗ trợ 1.500 tấn giống lúa ngắn ngày và cực ngắn; 2.000 tấn gạo để trợ giúp xã hội đột xuất đối với các hộ gia đình, cá nhân gặp khó khăn do thiên tai.
Cũng trong ngày, UBND TP.Đà Nẵng đã yêu cầu các quận, huyện vận động người dân khôi phục sản xuất nông nghiệp, tổ chức hỗ trợ các gia đình bị thiệt hại, nhất là những hộ nghèo, khó khăn. TP.Đà Nẵng cũng yêu cầu các địa phương chủ động ứng phó với gió mạnh trên biển, đợt mưa ngày 4 và 5-4. Trong đó, đặc biệt lưu ý xử lý ngập úng cục bộ tại các khu dân cư, vận hành các trạm bơm chống ngập có hiệu quả.
Theo báo cáo của Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Quảng Nam, đợt mưa lũ dị thường đã khiến 1 người chết do nước lũ cuốn trôi; 160 nhà bị ngập; 2.963 ha lúa bị thiệt hại hoàn toàn, 1.585 ha bị thiệt hại từ 50%-70%. Hiện còn hơn 8.400 ha bị ngập nước, lúa đang trổ bông nên khả năng hư hại rất cao.
Cũng lý giải về đợt mưa lớn vừa qua, ông Phạm Văn Chiến - Phó Giám đốc Đài KTTV Trung Trung Bộ cho biết: “Nguyên nhân của đợt mưa lớn nhiều ngày xảy ra trên diện rộng vừa rồi là do ảnh hưởng kết hợp giữa vùng rãnh thấp với vùng áp thấp và gió mùa đông bắc. Đợt mưa này bất thường so với quy luật nhiều năm với lượng mưa lớn nhất phổ biến từ 30/3-1/4 là 100-200 mm, có nơi đến 300 mm hoặc cao hơn, trải dài nhiều tỉnh khu vực Trung Trung Bộ như Quảng Ngãi, Đà Nẵng, Quảng Nam, Bình Định… Tuy nhiên, nhiều nhất là khu vực từ Huế đến Quảng Nam. Mưa lớn liên tục nhiều ngày đã gây ra tình trạng ngập úng đồng ruộng và vùng thấp, trũng”.
Chuyên gia khí tượng cũng khuyến nghị, với điều kiện thời tiết bất thường, trái quy luật nhiều năm, mưa trái mùa, diễn biến thiên tai ngày càng có nhiều diễn biến phức tạp, các địa phương cần theo dõi sát tình hình thời tiết qua các cơ quan dự báo, theo dõi cảnh báo sớm thời tiết nguy hiểm, xác định có khả năng bị ảnh ưởng dể có có phương án ứng phó. Người dân cần tuân thủ chỉ đạo, phương án của địa phương để ứng phó thời tiết nnuy hiểm bất thường, nhằm giảm thiểu thiệt hại về kinh tế, sản xuất.
Ông Hoàng Đức Cường - Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thủy văn (Bộ TN&MT) cho biết, biến đổi khí hậu đang tác động đến tất cả các hình thái thiên tai.
"Đối với bão có xu hướng mạnh hơn và hoạt động lệch về phía Nam nên khu vực Trung Bộ vẫn là nơi hứng nhiều bão nhất cả nước. Về mưa, cường độ mưa tập trung trong thời gian ngắn lớn hơn nên dễ gây ngập lụt, ngập úng ở khu vực miền Trung, Tây Nguyên", ông Cường nói.
Theo ông Cường, năm 2022, trạng thái Enso sẽ chuyển pha trung tính nên hoạt động bão/áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông ở mức trung bình nhiều năm, khoảng 10 - 12 cơn, trong đó có 4 - 6 cơn tác động trực tiếp đến đất liền nước ta và có khả năng bão xuất hiện sớm.
Lan Anh
Nguồn: Kinh tế Môi trường