Khang Nguyễn ·
2 năm trước
 3018

Bình Định: 5,26 ha rừng phòng hộ bị phá trắng do 'nhầm lẫn', vì sao Ban Quản lý rừng Phù Mỹ không ngăn chặn?

Tại sao sự việc phá trắng 5,26ha rừng phòng hộ của nhà thầu xây dựng Nhà máy Điện mặt trời Phù Mỹ không được phát hiện kịp thời trong khi đây là một diện tích rừng quá lớn và không thể phá trong 1, 2 ngày và đương nhiên cần nhiều phương tiện để thực hiện? Và nguyên nhân của sự chậm trễ khó hiểu từ phía Ban Quản lý rừng Phù Mỹ là gì?

Thời gian qua, người dân xã Mỹ An (huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định) vô cùng bức xúc bởi trong quá trình triển khai xây dựng Nhà máy Điện mặt trời Phù Mỹ, đơn vị thi công đã "xóa sổ" 5,26 ha rừng phòng hộ phi lao ven biển. Sự việc đã xảy ra từ nhiều ngày qua, dân trong vùng phát hiện và trình báo cơ quan chức năng.

rừng phòng hộ Bình Định bị phá

Hơn 5,2 ha cây dương liễu từ 10 đến 20 năm tuổi, thuộc rừng phòng hộ ven biển xã Mỹ An đã bị công ty xây dựng điện mặt trời san phẳng. Ảnh: Nguyên Linh-TTXVN

Dự án Nhà máy điện mặt trời Phù Mỹ do Công ty CP phát triển tầm nhìn Năng lượng sạch (Công ty thành viên trực thuộc Tập đoàn Bamboo Capital) làm chủ đầu tư. 

Được biết, phần diện tích bị phá trắng là 5,26 ha rừng phi lao nhiều năm tuổi, có chức năng chắn cát, chắn gió biển, nhất là vào mùa mưa bão, chống sa mạc hóa các khu dân cư ven biển và giữ mạch nước ngầm cho người dân trong vùng. Phần diện tích này thuộc địa bàn xã Mỹ An, do Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Phù Mỹ quản lý. 

Điều đáng nói là diện tích 5,26 ha rừng phòng hộ này hoàn toàn nằm ngoài diện tích được giao triển khai dự án Nhà máy Điện mặt trời Phù Mỹ. Dự án Nhà máy Điện mặt trời Phù Mỹ triển khai trên tổng diện tích khoảng 380 ha, đến nay chỉ còn lại khoảng 11,7ha chủ đầu tư không triển khai lắp đặt được vì vướng khâu giải phóng mặt bằng. 

Thế nhưng không hiểu vì lí do gì, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Phước Hưng (đơn vị thi công) đã thi công trên phần diện tích rừng không được giao cho dự án với diện tích lớn như trên. Và tệ hại hơn là sự việc đã không hề được ngăn chặn trong lúc tiến hành. Phải đến khi người dân phát hiện và đi trình báo thì 5,26 ha rừng đã bị phá trắng. 

5,26 ha rừng phòng hộ Bình Định bị phá trắng

Nhiều gốc phi lao ven biển bị đốn hạ không thương tiếc tại xã Mỹ An, do thi công nhà máy điện mặt trời. Ảnh: Dân Việt

Tìm hiểu về lí do này, PV Người Lao Động đã trao đổi với ông Huỳnh Tấn Huy - Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Phát triển tầm nhìn Năng lượng sạch, chủ đầu tư dự án Nhà máy Năng lượng mặt trời Phù Mỹ, ông Huy cho hay việc nhà thầu thi công dự án chặt phá 5,26 ha rừng phòng hộ là do nhầm lẫn.

Và yếu tố dẫn đến sự nhầm lẫn này là do người dân địa phương đã chuyển mốc chỉ giới tọa độ được cắm để phân chia ranh giới giữa khu đất được giao làm dự án và khu rừng phòng hộ nên sự việc đáng tiếc đã xảy ra. 

Thêm nữa, lãnh đạo Công ty này cho rằng do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên việc đi lại giữa TP HCM và Bình Định gặp khó khăn, chủ đầu tư chủ yếu quản lý qua điện thoại, việc thi công trực tiếp giai đoạn 2 của dự án Nhà máy điện mặt trời Phù Mỹ được giao cho các nhà thầu thực hiện.

Bức xúc trước cây trả lời này, người dân phản ứng gay gắt và cho rằng phía nhà thầu đã đổ trách nhiệm cho người dân. "Vừa ngụy biện phá rừng do nhà thầu nhầm lẫn, giờ lại đổ lỗi cho dân di dời mốc giới, như thế là không thể chấp nhận được" - một người dân ở xã Mỹ An bức xúc.

rừng phòng hộ bị san phẳng

Hơn 5,2 ha cây dương liễu từ 10 đến 20 năm tuổi, thuộc rừng phòng hộ ven biển xã Mỹ An đã bị công ty xây dựng điện mặt trời san phẳng. Ảnh: Nguyên Linh-TTXVN

Tuy nhiên, cần nhớ rằng khu vực rừng phòng hộ bị phá trắng thuộc địa bàn xã Mỹ An, do Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Phù Mỹ quản lý. Theo TTXVN, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Phù Mỹ Phan Hữu Duy cho biết: "Để mất rừng trách nhiệm chính thuộc về chủ rừng, về mặt quản lý nhà nước là Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Phù Mỹ".

Người dân khi phát hiện sự việc có trách nhiệm trình báo. Việc nhà thầu đã phá rừng do "nhầm lẫn" nhà thầu phải chịu trách nhiệm. Nhưng để sự việc này xảy ra, trách nhiệm lớn nhất thuộc về chủ rừng, mà cụ thể là Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Phù Mỹ. 

Câu hỏi đặt ra là tại sao sự việc phá trắng 5,26ha rừng phòng hộ đã không được phát hiện kịp thời trong khi đây là một diện tích rừng quá lớn và không thể phá trong 1, 2 ngày và đương nhiên cần nhiều phương tiện để thực hiện? Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Phù Mỹ đã thực hiện hết chức trách của mình hay chưa, khi là chủ rừng nhưng rừng mất trắng lại không hề hay biết? 

UBND huyện đã yêu cầu Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Phù Mỹ khẩn trương làm báo cáo kiểm điểm về việc để mất diện tích rừng trên. Sau khi có báo cáo kiểm điểm, huyện sẽ xem xét để tổ chức kiểm điểm trách nhiệm cụ thể của chủ rừng và các bên liên quan. Tuy nhiên, với sự việc mức độ nghiêm trọng như trên, chỉ kiểm điểm liệu đã đủ sức răn đe? 

Được biết, theo lãnh đạo Công ty CP phát triển tầm nhìn Năng lượng sạch, trong phần đất được cấp của dự án còn 11,2ha chưa được doanh nghiệp đụng đến, vẫn còn nguyên. Nếu được lãnh đạo tỉnh Bình Định cho phép, doanh nghiệp xin trả lại 11,2ha này và hoán đổi phần đất 5,26ha vừa bị chặt phá cho phù hợp. 

"Sự việc đã xảy ra rồi, nếu để làm thủ tục hồ sơ pháp lý đối với 5,26ha đất rừng là rất lâu, chậm nhất cũng 6 tháng. Chúng tôi đang xin ý kiến của tỉnh, để doanh nghiệp thực hiện", đại diện Công ty CP phát triển tầm nhìn Năng lượng sạch cho hay. 

Chính điều này đã khiến người dân dấy lên suy nghĩ rằng 5,26 ha rừng phòng hộ ở xã Mỹ An bị phá là do cố tình để đổi khu đất đang vướng khâu giải phóng mặt bằng, chứ không phải "nhầm lẫn" như giải thích từ phía doanh nghiệp.

Người dân đặt ra câu hỏi rằng có hay không chuyện nhà thầu đã cố tình phá trắng cánh rừng để "gỡ khó" trong khâu giải phóng mặt bằng? Và nguyên nhân của sự chậm trễ khó hiểu từ phía Ban Quản lý rừng trong việc phát hiện và ngăn chặn sự việc này là gì?

Tuy nhiên, thực hư ra sao và giải quyết, khắc phục thế nào thuộc về quá trình điều tra và xử lý của cơ quan chức năng. Người dân vẫn đang chờ đợi thông tin từ UBND tỉnh Bình Định về sự việc này.