Diệu Huyền ·
2 năm trước
 3517

Bình Định: Nhiều diện tích rừng trồng, rừng phòng hộ bị chết khô do nắng nóng kéo dài

Theo dự báo của Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia và Trung tâm Khí tượng Thủy văn tỉnh Bình Định, trong thời gian tới, thời tiết ngày càng diễn biến phức tạp, nhiều diện tích rừng trồng, rừng phòng hộ ở Bình Định bị chết khô do nắng nóng kéo dài.

Theo dự báo của Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia và Trung tâm Khí tượng Thủy văn tỉnh Bình Định, trong thời gian tới, thời tiết ngày càng diễn biến phức tạp. Bình Định sẽ tiếp tục đối mặt với nhiệt độ thường xuyên ở mức cao, nắng nóng và hạn hán có xu hướng kéo dài, cấp dự báo cháy rừng luôn ở cấp IV (cấp nguy hiểm) và cấp V (cấp cực kỳ nguy hiểm), dẫn đến nguy cơ cháy rừng luôn ở mức cao.

diện tích rừng bị chết do khô nắng

Trong thời gian gần đây, nhiều diện tích rừng trồng và rừng phòng hộ ở Bình Định bị chết khô do nắng nóng kéo dài. (Ảnh: Báo Nông Nghiệp)

Trước nắng nóng khắc nghiệt, trong thời gian gần đây, nhiều diện tích rừng trồng và rừng phòng hộ ở các huyện Tây Sơn, Vĩnh Thạnh và thị xã An Nhơn bị chết khô. Nguyên nhân do trong thời gian qua trên địa bàn vắng mưa, nắng nóng kéo dài dẫn tới nhiều diện tích rừng bị thiếu nước.

Ngoài ra, người dân ngày càng mở rộng diện tích rừng trồng, nên những cánh rừng non bị chết trong mùa khô hạn là không thể tránh khỏi. Tình trạng rừng chết khô không chỉ gây thiệt hại cho người dân, mà còn dẫn tới nguy cơ cháy rừng là rất cao. Bởi, những cánh rừng chết khô sẽ là mồi lửa bất cứ lúc nào nếu gặp phải sự bất cẩn của người dân, hệ lụy là sẽ gây cháy lan diện rộng sang những cánh rừng bên cạnh.

Từ đầu năm đến nay, tỉnh Bình Định đã xảy ra 2 vụ cháy rừng thiệt hại hơn 6 nghìn mét vuông rừng trồng và rừng cây bụi. Chính vì vậy, để chủ động phòng cháy chữa cháy rừng, Chi cục Kiểm lâm Bình Định đã chỉ đạo các Hạt kiểm lâm tăng cường tuần tra bảo vệ rừng và liên tục cập nhật dữ liệu cảnh báo nguy cơ cháy rừng, kịp thời phát hiện khi có sự cố xảy ra.

Nguyên nhân các vụ cháy rừng chủ yếu là do người dân bất cẩn trong việc sử dụng lửa như: Đốt ong, đốt nương, xử lý thực bì sau khai thác, đốt nhang, đốt vàng mã...

Với thời tiết nắng nóng kéo dài, ngành chức năng địa phương xác định, trên địa bàn có nhiều vùng trọng điểm nguy cơ cháy rừng cao với diện tích gần 87.000 ha, chủ yếu là rừng trồng.

Theo dự báo, mùa nắng nóng năm nay sẽ đến sớm và diễn ra gay gắt hơn mọi năm. Ngay từ đầu năm, UBND tỉnh đã ban hành quyết định về việc triển khai kế hoạch bảo vệ rừng và phòng chống cháy rừng năm 2021, chỉ đạo các Sở, ngành liên quan, chính quyền các địa phương tăng cường biện pháp phòng ngừa, xử lý kịp thời.

Nắng nóng trên diện rộng từ tháng 4 - 8/2021

Ông Lương Ngọc Luỹ - Phó Giám đốc Ðài Khí tượng Thủy văn tỉnh cho biết: Từ tháng 3 đến tháng 8/2021, khu vực tỉnh Bình Ðịnh có nhiệt độ trung bình nhiều năm từ 27,2 - 28,2 độ C. Các đợt nắng nóng diện rộng tập trung từ tháng 4 đến hết tháng 8/2021, với nhiệt độ cao nhất từ 39 - 41 độ C, khả năng mưa ít, bốc hơi lớn. Do đó, cần chú ý các biện pháp PCCCR, sử dụng nguồn nước hợp lý, tiết kiệm trong sản xuất, sinh hoạt.

Chi cục Kiểm lâm đã chỉ đạo các Hạt kiểm lâm tăng cường tuần tra bảo vệ rừng, trực theo dõi phần mềm cảnh báo cháy rừng của Cục Kiểm lâm và cập nhật liên tục dữ liệu cảnh báo nguy cơ cháy rừng để kịp thời triển khai các giải pháp PCCCR. Đồng thời, tu sửa các pa nô tuyên truyền, chòi canh lửa, đường ranh cản lửa…

rừng bị cháy do khô nóng

Hạt Kiểm lâm huyện Phù Cát phối hợp với Ban quản lý rừng phòng hộ huyện, người dân khoán bảo vệ rừng, phát dọn thực bì rừng phòng hộ. (Ảnh: Báo Bình Định)

Tuy nhiên, công tác PCCCR ở Bình Định vẫn còn nhiều mối lo. Hiện nay, vùng trọng điểm có nguy cơ xảy ra cháy rừng có tới gần 87.000 ha. Thế nhưng, với lực lượng chuyên trách mà Bình Định hiện có thì không đủ khả năng để kiểm soát cháy rừng với diện tích nói trên. Riêng ngành kiểm lâm được giao nhiệm vụ nòng cốt trong công tác PCCCR, nhưng lực lượng này rất mỏng và phân tán. Thêm vào đó, hiện nay trên địa bàn Bình Định các công trình PCCCR có rất ít, chủ yếu là dựa vào các đường mòn, sông suối, chưa xây dựng được các công trình PCCCR như đường băng cản lửa, hồ chứa nước phục vụ chữa cháy đúng và các công trình PCCCR khác theo đúng quy định của pháp luật.

Theo ông Trần Văn Phúc, Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Định: “Các phương tiện, trang thiết bị phục vụ công tác PCCCR trên địa bàn còn rất thiếu, chưa thể đáp ứng với yêu cầu thực tế. Hiện các máy thổi gió, máy bơm nước đeo vai, máy cưa xăng, rựa, vỉ dập lửa, can đựng nước... những thiệt bị thô sơ nói trên được trang bị cách đây hàng chục năm, hiện đã hư hỏng và xuống cấp, số lượng không đủ đáp ứng nhu cầu cho lực lượng tham gia chữa cháy rừng. Do đó, khi cháy rừng xảy ra diện rộng và diễn biến phức tạp thì rất khó khăn trong việc khống chế đám cháy”.

Nguồn