Tạ Nhị ·
2 năm trước
 5311

Bình Định: Nhiều giải pháp nhằm giảm thiểu ô nhiễm đại dương

Nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý chất thải rắn và nhựa, hướng đến giảm thiểu ô nhiễm nhựa đại dương, tỉnh Bình Định đã tiến hành ký kết ghi nhớ hợp tác với Chương trình phát triển LHQ tại Việt Nam trong nhiều lĩnh vực quan trọng.

Mối nguy từ rác thải đại dương!

Vừa qua, UBND tỉnh Bình Định đã phối hợp với Chương trình phát triển LHQ tại Việt Nam (UNDP Việt Nam) tổ chức Hội thảo “Các giải pháp tổng hợp nâng cao hiệu quả công tác quản lý chất thải rắn và nhựa tại Bình Định, hướng đến giảm thiểu ô nhiễm nhựa đại dương”.

Tham dự Hội thảo, các đại biểu nghe các báo cáo tham luận về: Hiện trạng quản lý chất thải sinh hoạt và chất thải nhựa ngành Thủy sản tại TP. Quy Nhơn; Hiện trạng và các giải pháp quản lý nhằm giảm thiểu ô nhiễm rác thải nhựa đại dương; Một số đề xuất dự án cụ thể trong thời gian tới nhằm thúc đẩy quản lý chất thải rắn và giảm thiểu ô nhiễm rác thải nhựa đại dương.

Việt Nam đang phải đối mặt với vấn đề về suy giảm tài nguyên và gia tăng chất thải, đặc biệt là chất nhựa đại dương.  (Ảnh Báo Lao động).

Theo một số chuyên gia tại Hội thảo thông tin, Việt Nam là một trong số những nước phát sinh lượng lớn chất thải nhựa ra đại dương. Các nguồn thải rác nhựa đến từ đất liền được xem là nguồn thải chính và ở quy mô rộng hơn các nguồn thải ngoài đại dương. Có đến 80% chất thải nhựa xuất phát từ đất liền, nghĩa là từ những hoạt động sản xuất, sinh hoạt của con người, 20% còn lại xuất phát từ hoạt động nghề cá, nuôi trồng thủy sản, tàu bè trên biển…

Sự phát triển mạnh mẽ của ngành du lịch cùng với gia tăng dân số làm lượng chất thải hàng ngày không được xử lý và xả ra môi trường ngày một nhiều thêm, gây tác hại nghiêm trọng tới môi trường các khu vực ven biển và hải đảo, đặc biệt là làm suy giảm các hệ sinh thái biển và san hô trong các khu bảo tồn. Việt Nam đang phải đối mặt với vấn đề về suy giảm tài nguyên và gia tăng chất thải, đặc biệt là chất nhựa đại dương.

Riêng tỉnh Bình Định, tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt khoảng 900 tấn/ngày. Tỷ lệ thu gom khoảng từ 47-90% ở khu vực thành thị (thành phố Quy Nhơn chiếm 94%), 30% tại khu vực nông thôn. Theo khảo sát sơ bộ của UNDP năm 2022 tại Quy Nhơn, 17% chất thải rắn sinh hoạt được tái chế, chất thải nhựa chiếm 20% chất thải rắn sinh hoạt.

Theo bà Caitlin Wiesen - Trưởng đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam cho biết, UNDP đang làm việc với UBND TP. Quy Nhơn và Sở Tài nguyên môi trường tỉnh Bình Định để triển khai xây dựng Cơ sở Thu hồi vật liệu nhằm nâng cao giá trị của chất thải nhựa và vật liệu tái chế với sự tham gia của khu vực tư nhân và lao động thu gom rác phi chính thức.

Dự án sẽ thí điểm và thiết lập mô hình quản lý tổng hợp chất thải cho ngành thủy sản, trong đó khuyến khích ngư dân mang chất thải trở lại bờ sau mỗi chuyến đi biển; mô hình này dự kiến sẽ thu gom và ngăn chặn khoảng 5 tấn nhựa thải ra biển mỗi tháng; Thành lập một cơ sở thu hồi vật liệu nhằm cải thiện chuỗi giá trị vật liệu tại địa phương, hỗ trợ công tác nhân rộng, mở rộng, đảm bảo tính bền vững của các mô hình quản lý chất thải rắn tổng hợp.

“Giải quyết vấn đề chất thải nhựa đại dương rất quan trọng đối với sức khỏe của đại dương, con người và hành tinh của chúng ta. Điều này yêu cầu một cách tiếp cận tích hợp thay đổi hành vi giảm sử dụng nhựa tại nguồn, đồng thời thu hút tất cả các bên tham gia vào chuỗi giá trị để đảm bảo rằng chất nhựa đã qua sử dụng được tái sử dụng lại...

Chúng tôi kỳ vọng Cơ sở thu hồi vật liệu này sẽ có thể xử lý 2-4 tấn nhựa mỗi ngày để tái sử dụng tại các thị trường thứ cấp, điều này sẽ giúp thành phố Quy Nhơn ngăn chặn việc nhựa bị chôn lấp hoặc rò rỉ ra biển. Chúng tôi cũng sẽ làm việc với thành phố Quy Nhơn để đẩy nhanh việc phân loại chất sinh hoạt, thu gom, đồng thời đưa ra các giải pháp thay thế, sáng tạo nhằm giảm thiểu chất thải nhựa" - bà Caitlin Wiesen chia sẻ.

Đồng bộ nhiều giải pháp, hướng tới kinh tế xanh, tuần hoàn

Trong khuôn khổ Hội thảo, UBND tỉnh Bình Định và UNDP Việt Nam đã ký kết Biên bản Ghi nhớ nhằm thúc đẩy hợp tác giữa hai bên trên các lĩnh vực: Kinh tế tuần hoàn và quản lý chất thải; kinh tế biển xanh, bao gồm quy hoạch không gian biển và quản lý tổng hợp đới bờ; thích ứng biến đổi khí hậu và đa dạng sinh học; hành động bom mìn và phát triển nông thôn bền vững.

Cụ thể, Dự án Làng Hòa Bình Việt Nam - Hàn Quốc tại tỉnh Bình Định với mục tiêu hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội của các cộng đồng địa phương vùng dự án đang sinh sống tại và xung quanh đất đai mới được rà phá bom mìn. Tăng cường khả năng thích ứng của các cộng đồng địa phương vùng dự án đối với bom mìn, vật liệu nổ, thiên tai và các rủi ro khác. Dự án được triển khai trên địa bàn 20 xã tại 6 huyện, thị xã của tỉnh Bình Định gồm: An Lão, Hoài Nhơn, Hoài Ân, Tây Sơn, Tuy Phước, Vân Canh với tổng mức đầu tư: 4.215.713 USD (tương đương 97,7 tỷ đồng), thời gian dự kiến thực hiện 5 năm từ 2022-2026.

Trưởng đại diện UNDP tại Việt Nam và lãnh đạo UBND tỉnh Bình Định ký các biên bản hợp tác trong các lĩnh vực phát triển kinh tế và quản lý chất thải nhựa. (Ảnh Hương Giang).

Dự án “Thí điểm các mô hình quản lý chất thải rắn sinh hoạt và chất thải ngành thủy sản nhằm thúc đẩy kinh tế tuần hoàn tại thành phố Quy Nhơn” do UNDP tài trợ với mục tiêu hỗ trợ thực hiện các mô hình quản lý chất thải bền vững giúp cải thiện sinh kế cho đối tượng lao động về chất thải. Theo đó các mô hình trình diễn được thực hiện ở thành phố Quy Nhơn nhưng kết quả về chính sách, cơ chế quản lý sẽ được phổ biến toàn tỉnh Bình Định. Tăng cường năng lực, chia sẻ kiến thức đồng thời nhân rộng các mô hình quản lý chất thải rắn tổng hợp, có tổng vốn 795.000 USD, thời gian dự kiến thực hiện 2022-2024.

Dự án “Hỗ trợ thực hiện Kế hoạch hành động quốc gia về rác thải nhựa đại dương trong bối cảnh phục hồi xanh hậu COVID-19 tại Việt Nam” do Quỹ Môi trường toàn cầu tài trợ với mục tiêu tăng cường thực hiện Kế hoạch hành động quốc gia về rác thải nhựa biển (NAP) thông qua xây dựng khung giám sát, đánh giá và cơ chế tài trợ, triển khai các giải pháp quản lý chất thải cụ thể, hình thành quỹ phục hồi môi trường cho lĩnh vực thực phẩm và đồ uống tại Bình Định, có kinh phí thực hiện là 13 triệu đô la Mỹ (2 triệu đô la Mỹ do UNDP/GEF tài trợ và 11 triệu đô la Mỹ từ nguồn đối ứng của UBND tỉnh Bình Định và Bộ TN&MT), thời gian dự kiến thực hiện 4 năm từ 2023-2026.

Dự án “Cộng đồng ven biển thông minh khí hậu” do Chính phủ Canada tài trợ với mục tiêu hỗ trợ phát triển sinh kế như chuyển đổi nghề cho ngư dân quanh đầm, đảm bảo duy trì, bảo tồn đa dạng sinh thái trên vùng đầm. Xây dựng nhà tránh, trú bão, lũ kết hợp sinh hoạt cộng đồng tại các xã bị ảnh hưởng của thiên tai trong tỉnh nhằm làm tăng khả năng chống chịu và phục hồi, bảo vệ tính mạng của người dân trước các thảm họa thiên tai. Hỗ trợ nâng cao cơ sở hạ tầng tại các trạm khí tượng thủy văn, giám sát và cảnh báo bão, mưa lớn, lũ lụt, hạn hán (trạm đo mưa, đo mực nước trên các lưu vực sông theo kế hoạch của Bộ Tài nguyên và Môi trường trên địa bàn tỉnh).

Phát biểu tại Hội thảo, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Nguyễn Phi Long nhấn mạnh: Bình Định cũng như nhiều địa phương khác của khu vực miền Trung, Việt Nam chịu ảnh hưởng nặng nề của chiến tranh và thiên tai, bão lụt; hạ tầng KTXH còn thiếu; đời sống của một bộ phận người dân vẫn còn rất khó khăn. Vì vậy, để phát triển ổn định và bền vững, bảo đảm an sinh xã hội, bên cạnh phát huy nội lực, các cơ quan, đơn vị trong tỉnh đã tích cực liên hệ, tìm kiếm nguồn lực hỗ trợ từ các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước. Các nội dung ký kết trong Bản ghi nhớ hợp tác là những lĩnh vực có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển bền vững của tỉnh Bình Định.

Nguồn: Kinh tế môi trường