Duy Thật ·
3 năm trước
 4285

Bình Dương đề xuất nhiều kế hoạch cải thiện môi trường nhằm thu hút nhà đầu tư nước ngoài

Tính từ đầu năm 2021 đến nay, để tiếp tục thu hút đầu tư, tỉnh Bình Dương đã thu hút được trên 400 triệu USD vốn đầu tư nước ngoài và đã đề ra nhiều kế hoạch nhằm khắc phục môi trường, cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư.

Trong những năm qua, Bình Dương luôn nằm trong số những địa phương dẫn đầu của cả nước về thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Đến nay, tỉnh Bình Dương có 48 Khu công nghiệp (KCN), cụm công nghiệp với tổng diện tích lên đến hơn 10.000 ha, chiếm 1/4 diện tích KCN toàn miền Nam.

Theo báo cáo từ Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) tỉnh Bình Dương, từ đầu năm 2021 đến nay, toàn tỉnh đã thu hút được trên 400 triệu USD vốn đầu tư nước ngoài, đạt 28% kế hoạch cả năm. Trong số đó, tỉnh thu hút 15 dự án đầu tư mới với số vốn 257 triệu USD; 6 sự án điều chỉnh tăng vốn thêm 15 triệu USD và 26 dự án góp vốn hơn 124 triệu USD.

Lãnh đạo tỉnh Bình Dương tặng hoa, chụp ảnh lưu niệm và trao giấy chứng nhận với các nhà đầu tư được vinh danh.

Lãnh đạo tỉnh Bình Dương tặng hoa, chụp ảnh lưu niệm và trao giấy chứng nhận với các nhà đầu tư được vinh danh.

Hiện tại, tỉnh Bình Dương đứng vững ở vị trí thứ 3 cả nước về thu hút vốn đầu tư nước ngoài (sau TP.HCM và TP.Hà Nội) với 3.974 dự án, có tổng số vốn đăng ký đầu tư đạt 36,5 tỉ đô la Mỹ, chiếm khoảng 9% tổng vốn đầu tư cả nước.

Đến thời điểm này, các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 17 ngành, lĩnh vực sản xuất kinh doanh với đa ngành nghề, trong đó lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm ưu thế, phù hợp với chủ trương khuyến khích thu hút đầu tư của tỉnh. Bên cạnh đó, tỉnh Bình Dương chú trọng đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin, khoa học công nghệ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Tỉnh Bình Dương cũng lần thứ 3 liên tiếp được Diễn đàn Cộng đồng thông minh thế giới (ICF) vinh danh là một trong 21 khu vực, thành phố có chiến lược phát triển thành phố thông minh tiêu biểu trên thế giới.

Việc thu hút được vốn đầu tư nước ngoài tang cao đóng góp vai trò thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, đầu tư theo hình thức FDI cũng dẫn đến những hạn chế trong vấn đề môi trường.

Trung bình tổng lượng chất thải rắn ở Bình Dương mỗi ngày là 3.500 tấn, môi trường đang bị ô nhiễm do sự gia tăng đột biến về khối lượng và thành phần các loại chất thải rắn. Ở các khu công nghiệp, chất thải rắn không được qua phân loại nên quá trình xử lý còn thụ động chưa có hiệu quả.

Tuyến kênh bị ô nhiễm do nước xả thải.

Tuyến kênh bị ô nhiễm do nước xả thải của các doanh nghiệp trong khu công nghiệp.

Trong các nghiên cứu về mối liên hệ giữa tăng trưởng kinh tế và ô nhiễm môi trường, các nhà kinh tế cho rằng tốc độ tăng trưởng kinh tế tỷ lệ thuận với tốc độ gây ô nhiễm môi trường. Để khắc phục điều này, cơ quan chức năng tỉnh Bình Dương xác định, đặt môi trường làm tiêu chí cấp phép.

Để khắc phục về vẫn đề môi trường, mới đây tỉnh Bình Dương đã triền khai đề án “Điều tra, khảo sát xây dựng cơ sở dữ liệu để đánh giá sức chịu thải và dự báo chất lượng  nước các kênh, rạch, sông, suối trên địa bản tỉnh”. Việc khảo sát đánh giá này là nhiệm vụ cấp thiết phục vu cho yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội.

Mặt khác, tỉnh Bình Dương tiếp tục cải cách thủ tục hành chính và triển khai ứng dụng thông tin trong cung cấp dịch vụ công để giảm thời gian và chi phí cho doanh nghiệp. Không ngừng cải thiện môi trường đầu tư, tăng sự hấp dẫn cho các nhà đầu tư nước ngoài để có thể cạnh tranh được với các khu vực khác. Cùng với đó, các sở, ngành, địa phương nỗ lực hỗ trợ, cung cấp thông tin; giải quyết khó khăn vướng mắc trong quá trình đầu tư kinh doanh và hướng dẫn thủ tục đầu tư, thúc đẩy mở rộng đầu tư kinh doanh, nâng cao tỷ lệ vốn đầu tư thực hiện của các dự án đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư.

Dù tình hình dịch bệnh đang tái diễn bùng phát nhưng các nhà đầu tư vẫn tìm đến tỉnh Bình Dương vì tin tưởng vào thành công của nhiều doanh nghiệp đi trước, cùng với tinh thần “chống dịch đi đôi với phát triển kinh tế” của Chính phủ Việt Nam.

Thông tin từ Tạp chí Kinh tế Môi trường Việt Nam