Thanh Tùng ·
3 năm trước
 2537

Bình Thuận: Thu hồi, loại bỏ phương tiện cơ giới cũ nát không đảm bảo môi trường

Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận vừa ký ban hành văn bản yêu cầu các Sở, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường không khí trên địa bàn tỉnh. Theo đó, Sở Giao thông Vận tải nhanh chóng thực hiện kế hoạch thu hồi, loại bỏ phương tiện cơ giới cũ nát, lạc hậu, không đảm bảo tiêu chuẩn lưu hành gây ô nhiễm môi trường;...

Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Lê Tuấn Phong vừa ký ban hành văn bản yêu cầu các Sở, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường không khí trên địa bàn tỉnh.

Trong đó, Sở Tài nguyên và Môi trường phải thực hiện các biện pháp ứng phó trường hợp không khí bị ô nhiễm nghiêm trọng; Triển khai công tác kiểm kê nguồn khí thải, quan trắc, đánh giá về ô nhiễm bụi… Tăng cường kiểm tra các cơ sở sản xuất công nghiệp thực hiện các biện pháp kiểm soát, xử lý khí thải; Tuyên truyền, khuyến khích các cơ sở sản xuất thay thế các loại máy móc, dây chuyền công nghệ lạc hậu bằng dây chuyền công nghệ hiện đại ít gây ô nhiễm môi trường; Tiến hành giám sát các cơ sở sản xuất thuộc đối tượng phải lắp đặt quan trắc khí thải tự động và truyền dữ liệu về Sở theo quy định. Xử lý nghiêm các cơ sở hoạt động gây ô nhiễm không khí trên địa bàn tỉnh.

thu hồi xe cũ nát

Phương tiện tham gia giao thông đang là mối nguy hại với môi trường

Sở Giao thông Vận tải nhanh chóng thực hiện kế hoạch phát triển hệ thống giao thông công cộng, chú ý ưu tiên các phương tiện sử dụng năng lượng sạch, không phát thải; Thu hồi, loại bỏ phương tiện cơ giới cũ nát, lạc hậu, không đảm bảo tiêu chuẩn lưu hành gây ô nhiễm môi trường; Khuyến khích người dân sử dụng phương tiện giao thông công cộng, giảm phương tiện cá nhân; Đẩy mạnh tuyên truyền sử dụng phương tiện giao thông thân thiện với môi trường. Phối hợp với Công an tỉnh thực hiện điều tiết, phân luồng giao thông hợp lý để hạn chế tình trạng ùn tắc kéo dài gây ô nhiễm môi trường.

UBND các huyện, thị xã, thành phố tuyên truyền, vận động các hộ gia đình, hộ kinh doanh nhỏ hạn chế sử dụng than tổ ong gây ô nhiễm môi trường trong sinh hoạt. Hướng dẫn các hộ dân sử dụng hiệu quả rơm rạ, phụ phẩm nông nghiệp sau thu hoạch thay cho việc đốt; Xử lý nghiêm các trường hợp đốt chất thải không đúng quy định gây ô nhiễm môi trường. Chỉ đạo các phòng, ban, đơn vị liên quan tổ chức và duy trì thường xuyên hoạt động vệ sinh, phun nước rửa đường tại các trục, tuyến đường giao thông chính của các đô thị, thành phố để hạn chế bụi phát tán; thu gom triệt để rác, bụi bẩn trên các trục, tuyến, giải phân cách đường giao thông.

Trước đó, vào đầu năm 2020 UBND tỉnh Bình Thuận cũng đã ban hành văn bản 383/QĐ-UBND về việc tăng cường công tác kiểm soát ô nhiễm không khí và xử lý triệt để các điểm nóng về ô nhiễm bụi, khí thải trên địa bàn toàn tỉnh.

Đầu năm 2021, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà vừa ban hành Kế hoạch của Bộ thực hiện Chỉ thị số 03/CT-TTg ngày 18/1/2021 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường không khí.

Theo kế hoạch, các đơn vị tăng cường quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình quan trắc chất lượng không khí bảo đảm hiệu quả, thực hiện kiểm soát chặt chẽ về chất lượng trong quan trắc môi trường không khí, công bố kết quả quan trắc và kịp thời cảnh báo ô nhiễm không khí cho cộng đồng…

Công tác quản lý về quan trắc môi trường được thực hiện thông qua việc xây dựng, trình ban hành các văn bản quy phạm pháp luật và hướng dẫn kỹ thuật về quan trắc môi trường thực hiện Luật Bảo vệ môi trường năm 2020. Xây dựng và trình ban hành các quy định về quan trắc môi trường trong Nghị định của Chính phủ hướng dẫn thi hành Luật Bảo vệ môi trường năm 2020; Thực hiện và hoàn thành trong năm 2021.

Theo Tạp chí Kinh tế Môi trường