Hải Yến ·
1 năm trước
 2443

Bộ Công Thương cam kết thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng, không để đứt gãy nguồn cung xăng dầu

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, Bộ Công Thương cam kết sẽ làm hết mình để những chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc quản lý, điều hành mặt hàng xăng dầu được thực hiện sớm và nghiêm túc nhất.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 1039/CĐ-TTg ngày 2/11/2022 gửi Bộ trưởng các Bộ: Công Thương, Tài chính, Thông tin và Truyền thông; Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc quản lý, điều hành mặt hàng xăng dầu,  Bộ Công Thương sẽ cùng với Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp vào cuộc kiến nghị với các Bộ, ngành, các cơ quan chức năng theo sự phân công trong Công điện, đôn đốc, giám sát, kiến nghị cấp có thẩm quyền xử lý trách nhiệm nếu có những đơn vị không thực hiện đúng những chỉ đạo này.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhìn nhận: Năng lượng nói chung, xăng dầu nói riêng là vật tư chiến lược nên trong mọi tình huống, khó khăn đến đâu cũng không được phép để đứt gãy nguồn cung. Thời gian qua, Chính phủ và các Bộ, ngành các cấp cùng các doanh nghiệp đầu mối cũng đã nỗ lực, cố gắng rất lớn để đảm bảo được nguồn cung xăng dầu tại thị trường trong nước, phục vụ cho nhu cầu phát triển kinh tế đất nước, nhất là giai đoạn phục hồi hậu Covid-19.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã đề nghị các doanh nghiệp Nhà nước bao gồm: Tập đoàn Dầu khí quốc gia PVN, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam Petrolimex, Tổng công ty Xăng dầu Quân đội, Công ty Cổ phần thương mại dầu khí Đồng Tháp, Công ty TNHH một thành viên Dầu khí TP.HCM Saigon Petro, Tổng Công ty Thương mại xuất nhập khẩu Thanh Lễ và Công ty Cổ phần Xăng dầu Sài Gòn khẩn trương xem xét để xuất dự trữ thương mại, đáp ứng nhu cầu cho hệ thống của mình và ứng cứu cho những địa bàn đang thiếu hụt cục bộ trong thời điểm hiện tại.

Bộ trưởng cũng đề nghị Tập đoàn Dầu khí Việt Nam khuyến khích, động viên các doanh nghiệp sản xuất (Công ty lọc hóa dầu Bình Sơn và Nghi Sơn) tiếp tục tăng sản lượng sản xuất và tăng sản lượng cung ứng ra thị trường thông qua hệ thống phân phối của mình.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã đề nghị các doanh nghiệp Nhà nước khẩn trương xem xét để xuất dự trữ thương mại, đáp ứng nhu cầu cho hệ thống của mình và ứng cứu cho những địa bàn đang thiếu hụt cục bộ trong thời điểm hiện tại.

Bên cạnh đó, đề nghị tất cả các doanh nghiệp đầu mối, trong đó cả doanh nghiệp Nhà nước, doanh nghiệp tư nhân có điều kiện khẩn trương hoàn tất các thủ tục nhập khẩu xăng dầu theo kế hoạch phân giao (và vượt định mức) để sẵn sàng bù đắp sản lượng thiếu do các doanh nghiệp khác đã không và chưa thực hiện được theo cam kết.

"Trên thực tế, cho đến thời điểm này, trong số 36 doanh nghiệp đầu mối mới chỉ có 22 doanh nghiệp đã thực hiện đạt và vượt kế hoạch phân giao kể cả kế hoạch và đầu năm và bổ sung. Còn 14 doanh nghiệp (hầu hết là các doanh nghiệp đầu mối tư nhân) đã chưa hoặc không thực hiện đầy đủ kế hoạch phân giao", Bộ trưởng cho biết.

Bộ Công Thương và Ủy ban quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp tiếp tục ghi nhận, phản ánh và đề xuất với cấp có thẩm quyền để có sự can thiệp khi xem xét đến quyền lợi và nghĩa vụ của các doanh nghiệp này theo quy định của pháp luật.

Đặc biệt, Bộ trưởng nhấn mạnh: Quyền lợi chính đáng của các doanh nghiệp Nhà nước sẽ được bảo vệ nhưng nghĩa vụ của các doanh nghiệp này là phải thực hiện nhiệm vụ chính trị do Đảng, Nhà nước giao.

Bộ trưởng giao các đơn vị, gồm: Vụ Thị trường trong nước, Thanh tra Bộ, Tổng cục Quản lý thị trường phối hợp với các cơ quan chức năng, chính quyền các địa phương tiếp tục kiểm tra, giám sát và kiên quyết xử lý theo quy định của pháp luật đối với doanh nghiệp đầu mối, thương nhân phân phối, doanh nghiệp bán lẻ không thực hiện nghiêm quy định của pháp luật.

Ngoài ra, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cũng đề nghị các doanh nghiệp tiếp tục kiến nghị tháo gỡ vướng mắc về bảo lãnh, vốn, chi phí phát sinh để các doanh nghiệp có điều kiện “cưu mang” hệ thống phân phối, đại lý, cửa hàng bán lẻ.

"Việc đứt gãy nguồn cung, khủng hoảng năng lượng đang diễn ra gay gắt trên toàn thế giới. Tại Việt Nam tới thời điểm này, Bộ Công Thương cùng các Bộ, ngành đã đạt được những kết quả nỗ lực đáng ghi nhận. Trong thời gian tới, bối cảnh thị trường thế giới khó đoán định, dự báo ngày càng khó khăn nên chúng ta phải sẵn sàng tâm thế trong mọi hoàn cảnh. Đề nghị toàn hệ thống kinh doanh xăng dầu cùng nhau có tiếng nói khách quan, nỗ lực hơn nữa để thị trường xăng dầu được ổn định, góp phần vào sự phát triển của đất nước", Bộ trưởng nói.

Thực tế, trong những ngày qua, khi tình trạng gián đoạn nguồn cung, đứt gãy cục bộ diễn ra tại nhiều thành phố lớn, ngay các cửa hàng xăng dầu của những doanh nghiệp đầu mối kể trên cũng liên tục bị gián đoạn nguồn cung. Trong các ngày 31/10, 1 - 2/11, nhiều cửa hàng trực thuộc hoặc nhượng quyền của các "ông lớn" xăng dầu như Petrolimex, Thanh Lễ, Mipec... đều xảy ra tình trạng gián đoạn nguồn cung, có nơi bán đến giờ trưa là hết xăng.

Theo quy định tại Nghị định 83 và Nghị định 95 về kinh doanh xăng dầu, thương nhân đầu mối kinh doanh và thương nhân đầu mối sản xuất xăng dầu có tổ chức hệ thống phân phối xăng dầu phải bảo đảm ổn định mức dự trữ xăng dầu bắt buộc tối thiểu bằng 20 ngày cung ứng. Thế nhưng, trong thực tế, nhiều năm qua, dự trữ thương mại trung bình của các doanh nghiệp đầu mối rất thấp, chỉ đạt 5 - 6 ngày.

Trên thế giới, giá dầu thô sáng nay lại quay đầu giảm sau khi tăng vọt gần 2% phiên trước. Dầu WTI mất 0,8% về 89,28 USD/thùng, dầu Brent mất 0,6% về 95,59 USD/thùng. Chốt phiên giao dịch khuya 2/11, giá dầu thô Brent tăng 1,6% lên 96,16 USD/thùng, trong khi dầu thô WTI của Mỹ tăng 1,8% lên 90 USD/thùng.

Reuters cho biết, dự trữ dầu thô của Mỹ tuần qua giảm khoảng 3,1 triệu thùng, tồn kho xăng cũng giảm trong khi dự trữ sản phẩm chưng cất tăng nhẹ trước mùa đông năm nay trong bối cảnh nhu cầu dự kiến ​​sẽ tăng. Bên cạnh đó, lệnh cấm vận của Liên minh châu Âu (EU) đối với dầu của Nga cũng sẽ bắt đầu từ ngày 5/12. Nhiều dự báo cho thấy, nguồn cung có thể thắt chặt trong thời gian tới.