Bích Ngọc ·
21 tuần trước
 10052

Bộ Công Thương: Đề xuất chuyển việc quản lý dự trữ xăng dầu sang Bộ Tài chính

Mới đây, Bộ Công Thương đã có văn bản báo cáo về công tác dự trữ xăng dầu quốc gia gửi Chính phủ, đồng thời đề xuất chuyển nhiệm vụ quản lý dự trữ xăng dầu quốc gia sang Bộ Tài chính trong giai đoạn 2024-2025.

Theo Bộ Công Thương, lượng dự trữ xăng dầu quốc gia tới cuối 2020 là gần 371,25 triệu lít, kg (tăng gần 13,8 triệu lít so với 2016). Chi phí bảo quản 2016-2020 là gần 291 tỷ đồng.

Đến cuối 2022, tổng lượng xăng dầu dự trữ quốc gia là hơn 367.125 m3, tấn. Theo đó, có 55% là dầu diesel, trên 27% là xăng RON 92, còn lại là dầu mazut và nhiên liệu máy bay (Jet A1). Mức dự trữ xăng dầu quốc gia tương đương 7 ngày nhập ròng bình quân.

Nếu tính cả 3 loại dự trữ xăng dầu (gồm dự trữ sản xuất, thương mại và dự trữ quốc gia) thì tổng lượng xăng dầu dự trữ của Việt Nam đạt khoảng 65 ngày nhập ròng, có thể thấy, thấp hơn tiêu chuẩn của Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) và mục tiêu tại các nghị quyết, quyết định của các cấp có thẩm quyền.

Ảnh minh họa. Nguồn ảnh: Internet.

Cũng theo Bộ Công Thương, trong bối cảnh thị trường xăng dầu nhiều biến động khó lường, có thể ảnh hưởng tới phát triển kinh tế xã hội thì việc nghiên cứu mở rộng, nâng cao năng lực dự trữ xăng dầu quốc gia, đảm bảo an ninh năng lượng và cân đối cung cầu xăng dầu trong mọi tình huống là điều rất cần thiết.

Bộ Công Thương cho biết, hiện việc dự trữ xăng dầu quốc gia được ký hợp đồng bảo quản với 4 doanh nghiệp bao gồm: Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex); Tổng công ty Dầu Việt Nam (PVOil); Công ty TNHH MTV Dầu khí Đồng Tháp (Petec) và Công ty cổ phần nhiên liệu bay Petrolimex.

Tại báo cáo, nhiều khó khăn trong thực hiện dự trữ xăng dầu quốc gia được Bộ Công Thương nêu ra. Theo đó, hiện Bộ Tài chính - cơ quan được Chính phủ giao nhiệm vụ quản lý chất lượng các mặt hàng dự trữ quốc gia - chưa ban hành Quy chuẩn Việt Nam với hàng thuộc lĩnh vực dự trữ quốc gia, nên hiện quy định định mức, tỷ lệ hao hụt xăng dầu dự trữ quốc gia, xử lý hao hụt đang áp dụng và duy trì tạm thời theo Thông tư 43/2015 của Bộ Công Thương về tỷ lệ hao hụt trong kinh doanh xăng dầu. Bộ Công Thương đã hai lần đôn đốc Bộ Tài chính có ý kiến với các vấn đề trên, tuy nhiên vẫn chưa nhận được phản hồi.

Theo đề xuất của Bộ Công Thương, trong giai đoạn 2023-2024 cần sửa đổi, bổ sung các luật, như Luật Dự trữ quốc gia, Luật Tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa. Các bộ cần khẩn trương ban hành Quy chuẩn kỹ thuật, định mức kinh tế - kỹ thuật dự trữ quốc gia xăng dầu để tháo gỡ vướng mắc, điểm nghẽn trong tổ chức quản lý xăng dầu quốc gia.

Trong thời gian chờ sửa các luật liên quan, Bộ Công Thương kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép tiếp tục duy trì quản lý xăng dầu quốc gia như hiện nay. Cùng với đó, Bộ Công Thương đề nghị thống nhất đầu mối quản lý mặt hàng xăng dầu dự trữ quốc gia. Bộ Tài chính hiện đang trực tiếp quản lý dự trữ quốc gia với các mặt hàng thiết yếu, dân sinh như gạo. Xăng dầu cũng là mặt hàng thiết yếu, do đó Bộ Công Thương đề xuất trong giai đoạn 2024-2025 chuyển nhiệm vụ quản lý dự trữ xăng dầu quốc gia sang Bộ Tài chính.

Vào tháng 7 vừa qua, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà ký quyết định phê duyệt Quy hoạch hạ tầng dự trữ, cung ứng xăng dầu, khí đốt quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, Việt Nam sẽ có hệ thống hạ tầng đảm bảo sức chứa dự trữ dầu thô và sản phẩm xăng dầu cả nước đạt 75-80 ngày nhập ròng, phấn đấu đạt 90 ngày nhập ròng. Với hạ tầng dự trữ xăng dầu, phấn đấu đáp ứng tối thiểu 20 ngày nhập ròng trong giai đoạn 2021-2030, và nâng lên 25 ngày nhập ròng giai đoạn sau năm 2030.

Tại cuộc họp Hội đồng thẩm định Quy hoạch hạ tầng dự trữ, cung ứng xăng dầu, khí đốt quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 hồi đầu năm 2023, theo Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên, hiện chưa có hệ thống kho riêng cho dự trữ quốc gia. Tổng mức dự trữ xăng dầu mới ở mức khiêm tốn (khoảng 65 ngày nhập ròng). Một số cơ sở vật chất được thiết kế theo các tiêu chuẩn cũ đã không đáp ứng được các tiêu chuẩn hiện tại.

Ước tính tổng vốn đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng dự trữ, cung ứng xăng dầu khí đốt đến năm 2030 vào khoảng 270.000 tỷ đồng và được huy động chủ yếu từ nguồn vốn ngoài ngân sách, vốn của doanh nghiệp và các nguồn vốn hợp pháp khác. Nếu được cấp có thẩm quyền cho phép, mỗi năm ngân sách nhà nước sẽ bố trí mua tăng thêm 1.000 - 2.000 tỷ đồng để nâng tổng mức xăng dầu dự trữ quốc gia đến năm 2025 đạt mức tối đa.

Theo Tạ Ngọc/ Diễn đàn sựu thật

https://www.facebook.com/groups/4054824701243922/posts/7169291299797231/?