Hội thảo “Góp ý cho Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi)” ngày 28/11, ông Lê Cao Tuấn, Ủy viên BCH Tổng hội Xây dựng Việt Nam, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu đô thị và phát triển hạ tầng tại hội thảo đã nêu những vướng mắc cần tháo gỡ để đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội và nhà ở cho công nhân. Đặc biệt, ông Tuấn nhấn mạnh vấn đề cần bổ sung nội dung phát triển nhà Lưu trú công nhân.
Theo ông Tuấn, trong dự thảo sửa đổi Luật Nhà ở (Dự thảo ngày 9/11) có một số điểm mới bổ sung về nhà ở xã hội có tác động tích cực đến thị trường cụ thể như sau:
Về nhà ở cho người lao động trong Khu Công nghệ cao, ông Tuấn cho rằng, đây là vấn đề mới cần thiết kế chính sách riêng cho các đối tượng này. Trong quá trình nghiên cứu đầu tư xây dựng nhà ở cho lao động trong Khu Công nghệ cao của TP.HCM, chúng tôi thấy phát sinh vấn đề là: theo quy định hiện hành, đối tượng được mua nhà ở xã hội là đối tương có thu nhập chưa phải đóng thuế thu nhập cá nhân (dưới 11 triệu đồng).
Ông Lê Cao Tuấn, Ủy viên BCH Tổng hội Xây dựng Việt Nam, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu đô thị và phát triển hạ tầng tại hội thảo. (Ảnh: Huyền Diệu)
Thực tế trong Khu Công nghệ cao có rất nhiều “công nhân cổ cồn” họ là kỹ sư có thu nhập trên 11 triệu đồng, đây là đối tượng cần quan tâm chân giữ trong khu công nghệ cao, nhưng chiểu theo quy định hiện hành thì họ không được mua nhà ở xã hôi và nếu bán cho đối tượng đủ điều kiện thì sai chủ trương trong quy hoạch là khu nhà ở cho lao động của Khu Công nghệ cao.
Trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 các khu công nghệ cao sẽ phát triển, vì vậy kiến nghị bổ sung chính sách nhà ở cho lao động Khu Công nghệ cao để đáp ứng nhu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
1. Bổ sung nội dung phát triển nhà Lưu trú công nhân
Dự thảo bổ sung mục 3 (từ Điều 98 - Điều 107) về phát triển nhà Lưu trú cho công nhân, tháo gỡ những vướng mắc trên thực tế về phát triển nhà ở cho công nhân khu công nghiêp hàng chục năm nay. Theo quy định mới này, Nhà Lưu trú cho công nhân cũng được ưu đãi như: được giao đất không thu tiền sử dụng đất; được miễn giảm thuế, được vay vốn với lãi suất ưu đãi.. như nhà ở xã hội.
Tuy nhiên để hoàn chỉnh, đề nghị giải quyết vướng mắc thực tế về ưu đãi “giao đất không thu tiền sử dụng đất” khi xây dựng nhà Lưu trú công nhân. Vì thực tế nhà lưu trú công nhân được quy hoạch trên đất dịch vụ của Khu công nghiệp, chủ đầu tư phải thuê đất và đã trả tiền 1 lần cho cả thời gian thuê rồi thì chủ đầu tư được thực hiện trả lại tiền sử dụng đất như thế nào? Nếu không thực tế vẫn vướng mắc “cho mà như không cho vì không thực hiện được”.
2. Bổ sung ưu đãi về lãi thu được từ kinh doanh diện tích 20% xây dựng nhà ở thương mại được hạch toán riêng dùng để hỗ trợ xây dựng HTKT của dự án
Tại Khoản 3 Điều 9 của Dự thảo Luật Nhà ở: “Chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở xã hội theo hình thức quy định tại các điểm a, b và đ khoản 1 Điều 40 của Luật này được dành 20% tổng diện tích đất ở trong phạm vi dự án theo quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 của dự án đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt để đầu tư xây dựng nhà ở thương mại để kinh doanh; phần kinh doanh diện tích nhà ở thương mại này được hạch toán riêng và dùng để đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật của dự án.”
Quy định mới này hỗ trợ thêm cho Chủ đầu tư để khuyến khích đầu tư nhà ở xã hội. Tuy nhiên, để hoàn chỉnh thêm đề nghị điều chỉnh Khoản 4 Điều 98 cho tương thích với Khoản 3 để cũng “được hạch toán riêng và dùng để đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật của dự án.”.
Tuy nhiên để hoàn chỉnh, đề nghị điều chỉnh thêm tình huống diện tích đất nhỏ không dành riêng được 20% đất ở thì giải quyết thế nào?? (vì theo quy định khoản a và b Điều 40 là công trình độc lập: “a) Dự án đầu tư xây dựng mới hoặc cải tạo, xây dựng lại một công trình nhà ở độc lập hoặc một cụm công trình nhà ở; b) Dự án đầu tư xây dựng công trình có mục đích sử dụng hỗn hợp để ở và sử dụng vào mục đích khác;).
3. Bổ sung việc dành 10% tiền sử dụngđất thu từ các dự án phát triển nhà ở thương mại, khu đô thị trên địa bàn để bổ sung vào Quỹ đầu tư phát triển của địa phương dành để đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội và nhà ở cho thuê quy định tại Khoản 3 Điều 91:
“Ủy ban nhân cấp tỉnh có trách nhiệm trích 10% tiền sử dụng đất thu từ các dự án phát triển nhà ở thương mại, khu đô thị trên địa bàn để bổ sung vào một khoản mục riêng trong Quỹ đầu tư phát triển của địa phương, dành để đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, hạ tầng kết nối giao thông của dự án; đền bù, giải phóng mặt bằng cho các dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội trên phạm vi địa bàn theo quy định của Chính phủ và đầu tư xây dựng nhà ở xã hội để cho thuê theo quy định tại khoản 1 Điều 89 của Luật này.”
Quy định này bổ sung nguồn vốn để đầu tư phát triển nhà ở xã hội, đặc biệt là nhà ở cho thuê.
4. Thay nội dung “ được miễn tiền sử dụng đất” bằng nội dung “được Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất” giúp giảm thủ tục và thời gian thực hiện (Khoản 1 Điều 93)
Thực tế, chủ đầu tư được “miễn tiền sử dụng đất”, Chủ đầu tư vẫn phải làm thủ tục tính tiền sử dụng đất (thuê định giá độc lập, tổ chức hội đồng định giá..) tốn nhiều thời gian và chi phí, nhanh nhất là 6 tháng. Nay quy định “được Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất” tiết kiệm thời gian và chi phí, giúp đẩy nhanh triển khai Dự án.
Ông Tuấn góp ý bổ sung nội dung phát triển nhà Lưu trú công nhân, Bổ sung ưu đãi về lãi thu được từ kinh doanh diện tích 20% xây dựng nhà ở thương mại được hạch toán riêng dùng để hỗ trợ xây dựng HTKT của dự án. Trong đó nhấn mạnh Đề nghị điều chỉnh thêm tình huống diện tích đất nhỏ không dành riêng được 20% đất ở thì giải quyết thế nào? (vì theo quy định khoản a và b Điều 40 là công trình độc lập: “a) Dự án đầu tư xây dựng mới hoặc cải tạo, xây dựng lại một công trình nhà ở độc lập hoặc một cụm công trình nhà ở; b) Dự án đầu tư xây dựng công trình có mục đích sử dụng hỗn hợp để ở và sử dụng vào mục đích khác). |