Ngọc Lan ·
6 tuần trước
 9712

Bộ Tài nguyên và Môi trường triển khai đề án cảnh báo sớm lũ quét, sạt lở đất

Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết sẽ thiết lập hệ thống thông tin - cảnh báo sớm, nâng cấp, phát triển các mô hình cảnh báo sạt lở đất, lũ quét cho 37 tỉnh trung du, miền núi.

Ảnh minh hoạ

Vừa qua, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành đã ký ban hành Quyết định số 552/QĐ-BTNMT ban hành Kế hoạch thực hiện Đề án Cảnh báo sớm sạt lở đất, lũ quét khu vực miền núi, trung du Việt Nam của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Trong Quyết định đề ra 5 nhiệm vụ và 4 giải pháp chủ yếu. Các nhiệm vụ bao gồm, rà soát, xây dựng hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật, quy trình, quy định kỹ thuật phục vụ triển khai các nhiệm vụ liên quan đến phân vùng và cảnh báo sớm thiên tai sạt lở đất, lũ quét; Thiết lập và duy trì vận hành hệ thống thông tin - cảnh báo sớm sạt lở đất, lũ quét.

Điều tra, xây dựng bộ dữ liệu, lập bản đồ hiện trạng, bản đồ phân vùng nguy cơ, phân vùng rủi ro do sạt lở đất, lũ quét tỷ lệ 1:10.000 và lớn hơn cho 150 khu vực rủi ro cao (ưu tiên thực hiện trước cho các khu vực có nguy cơ diễn biến thiên tai sạt lở đất, lũ quét phức tạp).

Điều tra, xây dựng bộ dữ liệu, lập bản đồ hiện trạng, bản đồ phân vùng nguy cơ, phân vùng rủi ro do sạt lở đất, lũ quét tỷ lệ 1:50.000 và tỷ lệ 1:25.000 cho 37 tỉnh trung du và miền núi Việt Nam; Tăng cường nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ, hợp tác quốc tế trong cảnh báo sớm sạt lở đất, lũ quét; nâng cao năng lực cộng đồng trong truyền thông và sử dụng thông tin cảnh báo sớm.

Các giải pháp cụ thể sau: Hoàn thiện thể chế, chính sách; Khoa học công nghệ, hợp tác quốc tế; Phối hợp với các bộ ngành, địa phương; Về thực hiện các nhiệm vụ của Đề án.

Ngoài ra, nội dung của kế hoạch cũng tập trung xây dựng hệ thống thông tin cảnh báo sớm và hệ thống bản đồ phân vùng rủi ro tỷ lệ trung bình, tỷ lệ lớn đồng bộ, tổng thể, đồng thời cung cấp, trao đổi thông tin cảnh báo với cộng đồng dân cư; tăng cường năng lực ứng phó thiên tai của các cán bộ và người dân địa phương thông qua các hoạt động chuyển giao kết quả, tập huấn và truyền thông của Đề án;

Phối hợp chặt chẽ giữa các đơn vị từ Trung ương đến địa phương trong quá trình thực hiện; Đề cao sự tham gia của cộng đồng trong công tác phối hợp cung cấp thông tin phục vụ cảnh báo sớm sạt lở đất, lũ; hạn chế gia tăng nguy cơ sạt lở đất, lũ quét.

Kế thừa, lồng ghép, triển khai Kế hoạch này với việc tổ chức thực hiện Quyết định số 705/QĐ-TTg ngày 07 tháng 6 năm 2018 của Chính phủ phê duyệt Chương trình cập nhật phân vùng rủi ro thiên tai, lập bản đồ cảnh báo thiên tai, đặc biệt là các thiên tai liên quan đến bão, nước dâng do bão, lũ, lũ quét, sạt lở đất, hạn hán, xâm nhập mặn (Chương trình 705) và các chương trình, kế hoạch, đề án, dự án đã được phê duyệt có nội dung phù hợp với mục tiêu, nhiệm vụ trong Quyết định số 1262/QĐ-TTg.

Tăng cường hợp tác quốc tế, nhất là với các quốc gia phát triển về khoa học công nghệ nhằm nâng cao năng lực, khả năng nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến trong phân vùng và cảnh báo sớm sạt lở đất, lũ quét khu vực miền núi, trung du Việt Nam, đồng thời tranh thủ sự hỗ trợ kỹ thuật, tài chính của các quốc gia, các tổ chức quốc tế đối với công tác cảnh báo sớm sạt lở đất, lũ quét.

Sản phẩm của Đề án được chuyển giao đến các cấp chính quyền và người dân ở các vùng có nguy cơ xảy ra sạt lở đất, lũ quét nhằm nâng cao năng lực truyền thông, sử dụng thông tin cảnh báo sớm phục vụ phòng, tránh sạt lở đất, lũ quét trong cộng đồng, giảm nhẹ thiệt hại do sạt lở đất, lũ quét gây ra.