Hai mỏ cát tại tỉnh An Giang vừa được doanh nghiệp trúng thầu đấu giá với số tiền cao gấp trăm lần so với giá khởi điểm. (Ảnh minh họa)
Theo ông Lại Hồng Thanh, trong thời gian tới đây, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ tiếp tục đôn đốc các địa phương thực hiện nghiêm túc Nghị định 23/2020, trong đó các vấn đề về quản lý, khai thác cát sỏi đều đã được quy định rất rõ.
Lãnh đạo Tổng cục Địa chất và Khoáng sản khẳng định, do tính chất đặc thù nên Chính phủ đã phải có Nghị định 23/2020 quy định rất rõ về quản lý cát, sỏi lòng sông và bảo vệ lòng, bờ, bãi sông.
Liên quan đến sự việc một doanh nghiệp ở TP.HCM trúng đấu giá mỏ cát ở tỉnh An Giang với giá 2.811 tỉ đồng gây xôn xao dư luận mới đây, ông Lại Hồng Thanh cho biết, thẩm quyền đấu giá quyền khai thác vật liệu xây dựng, cát sỏi lòng sông thuộc UBND cấp tỉnh. Do tính chất quan trọng, đặc thù của lĩnh vực này nên dù đã có Luật Khoáng sản, Chính phủ phải ban hành Nghị định 23/2020 quy định về quản lý cát, sỏi lòng sông và bảo vệ lòng, bờ, bãi sông.
"Nghị định 23/2020 đã quy định rất rõ trách nhiệm của UBND cấp tỉnh trong việc cấp phép và lập quy hoạch thăm dò, khu vực khoanh định, tạm thời cấm khai thác. Khu vực khoanh định cấm thì không thể cấp phép thăm dò, khai thác khoáng sản ở đó", ông Thanh thông tin.
Vẫn với nội dung này, ông Lại Hồng Thanh nhấn mạnh, Nghị định số 23/2020 nêu rõ việc cấp phép thăm dò, khai thác cát, sỏi lòng sông phải bảo đảm các nguyên tắc khi cấp phép thăm dò khoáng sản, khai thác khoáng sản quy định tại khoản 1 Điều 40, khoản 1 Điều 53 Luật Khoáng sản và các nguyên tắc sau: Được thực hiện thông qua hình thức đấu giá quyền khai thác khoáng sản (trừ trường hợp thuộc khu vực không đấu giá quyền khai thác khoáng sản được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định).
Trường hợp khu vực đề nghị cấp phép thăm dò, khai thác cát, sỏi lòng sông nằm giáp ranh từ 2 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trở lên, trước khi cấp phép, UBND cấp tỉnh nơi có tổ chức, cá nhân đề nghị cấp phép phải lấy ý kiến bằng văn bản của UBND cấp tỉnh là địa phương giáp ranh.
Ngoài ra, trước khi cấp phép, UBND cấp tỉnh lấy ý kiến chấp thuận bằng văn bản của cơ quan quản lý nhà nước về đường thủy nội địa, phòng chống thiên tai, thủy lợi và đáp ứng các yêu cầu quy định.
Cũng tại cuộc họp báo, ông Lại Hồng Thanh cho biết, thực hiện quy định tại Điều 29 Luật Khoáng sản, trên cơ sở kết quả công tác điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản, nhu cầu khai thác, chế biến, sử dụng khoáng sản theo Chiến lược khoáng sản đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã khoanh định và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 645/QĐ-TTg phê duyệt khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia.
Theo đó, đã khoanh định có 48 khu vực cho 10 loại khoáng sản là khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia (đến năm 2020), trong đó có: 23 khu vực dự trữ khoáng sản titan, với tổng diện tích 1.140 km2, tài nguyên là 421,5 triệu tấn quặng tinh, phân bố chủ yếu trên địa bàn tỉnh Bình Thuận, Ninh Thuận và Bà Rịa - Vũng Tàu; 4 khu vực dự trữ khoáng sản cát trắng với tổng diện tích 3.868 km2, 1,1 tỉ tấn, phân bố trên địa bàn các tỉnh Quảng Nam, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế; 6 khu vực dự trữ than (than nâu, than antraxit) với diện tích 1.456 km2, 40,732 tỷ tấn, nằm trên địa bàn các tỉnh Quảng Ninh, Quảng Nam, Hưng Yên, Nam Định, Thái Bình; 4 khu dự trữ khoáng sản quặng sắt - laterit với diện tích 1.013 km2, 917.289 ngàn tấn quặng bauxit và 1.060 triệu tấn quặng sắt-laterit, thuộc địa bàn các tỉnh Đăk Lăk, Gia Lai...