Theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường và Chỉ thị số 03/CT-TTg ngày 18/1/2021 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường không khí, Bộ TN&MT vừa có công văn gửi Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc hướng dẫn kỹ thuật xây dựng kế hoạch quản lý chất lượng môi trường không khí cấp tỉnh.
Tại công văn số 3051/BTNMT-TCMT, Bộ TN&MT đề nghị Ủy ban Nhân dân các địa phương nghiên cứu, tổ chức xây dựng kế hoạch quản lý chất lượng môi trường không khí cấp tỉnh và ban hành để triển khai thực hiện.
Theo đó, quy trình lập Kế hoạch quản lý chất lượng môi trường không khí cấp tỉnh cần được xác định theo các bước như sau: Đánh giá hiện trạng và diễn biến chất lượng môi trường không khí và công tác quản lý chất lượng môi trường không khí; xác định mục tiêu quản lý chất lượng môi trường không khí; xác định, phân tích chi phí - hiệu quả, đề xuất các giải pháp quản lý chất lượng môi trường không khí được ưu tiên thực hiện; đề xuất các nội dung và lộ trình thực hiện của Kế hoạch quản lý chất lượng môi trường không khí; tham vấn dự thảo Kế hoạch quản lý chất lượng môi trường không khí; hoàn thiện dự thảo Kế hoạch quản lý chất lượng môi trường không khí.
Việc đánh giá hiện trạng chất lượng môi trường không khí cần căn cứ vào các nguồn dữ liệu sau: Kết quả của các chương trình quan trắc chất lượng môi trường không khí tại địa phương (số liệu từ các trạm quan trắc chất lượng môi trường không khí tự động, liên tục tại địa phương); số liệu từ các chương trình quan trắc môi trường định kỳ của địa phương và các chương trình quan trắc môi trường quốc gia thực hiện tại địa phương; thông tin, dữ liệu từ các nguồn khác có liên quan: kết quả của các công trình nghiên cứu khoa học, các dự án, đề tài nghiên cứu khoa học cấp nhà nước, cấp bộ và cấp tỉnh đã được nghiệm thu hoặc các dự án hợp tác quốc tế có liên quan; căn cứ để so sánh, đánh giá giá trị nồng độ quan trắc các thông số cơ bản trong không khí xung quanh của địa phương vượt so với giá trị giới hạn theo Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về chất lượng không khí xung quanh - QCVN 05:2013/BTNMT (sau đây viết tắt là QCVN 05:2013/BTNMT).
Lộ trình thực hiện của Kế hoạch quản lý chất lượng môi trường không khí cấp tỉnh được xác định trên cơ sở phạm vi, mức độ ô nhiễm không khí, các giải pháp quản lý chất lượng môi trường không khí và các điều kiện, nguồn lực thực hiện; đối với các giải pháp quản lý chất lượng môi trường không khí được đề xuất ưu tiên thực hiện, cần xem xét xây dựng lộ trình thực hiện phù hợp với điều kiện và nguồn lực, các quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch bảo vệ môi trường của địa phương.
Các chỉ số đánh giá hiệu quả thực hiện Kế hoạch quản lý chất lượng môi trường không khí có thể bao gồm: mức phát thải hàng năm (tấn/năm) đối với các thông số lưu huỳnh điôxit (SO2), nitơ oxit (Nox), Cacbon monooxit (CO), bụi mịn PM10, bụi mịn PM2.5 từ các nguồn phát thải (nguồn điểm, nguồn di động, nguồn diện).
Giá trị nồng độ trung bình của các thông số SO2, nitơ đioxit (NO2), CO, Ozone (O3), PM10, PM2.5,… trong môi trường không khí xung quanh so với giá trị giới hạn theo Quy chuẩn Việt Nam; giá trị nồng độ các chất ô nhiễm tại thời điểm đánh giá giảm được bao nhiêu µg/m3 so với thời điểm bắt đầu thực hiện kế hoạch.
Đặc biệt, kế hoạch quản lý chất lượng môi trường không khí còn được đánh giá theo tỉ lệ (%) số người mắc các bệnh đường hô hấp (có nguyên nhân từ ô nhiễm môi trường không khí) trên tổng dân số của địa phương.
Kế hoạch quản lý chất lượng môi trường không khí có thể được điều chỉnh khi có sự điều chỉnh chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh của quốc gia, của tỉnh, thành phố và kết quả đánh giá thực hiện kế hoạch cũng như các quy định pháp lý có liên quan để phù hợp với điều kiện thực tiễn. Việc điều chỉnh (nếu cần) hay tiếp tục thực hiện các nội dung của kế hoạch quản lý chất lượng môi trường không khí do Ủy ban Nhân dân tỉnh, thành phố quyết định.
“Việc quan trắc theo dõi mức độ ô nhiễm trong không khí là điều cần thiết nhưng theo tôi, chúng ta không cần phải lắp đặt quá nhiều các trạm quan trắc trên cùng một địa bàn. Nếu cứ mua thật nhiều máy về lắp đặt theo dõi thì chúng ta chỉ có thể biết được hiện trạng về mức độ ô nhiễm chứ không thay đổi được tình thế. Hơn nữa, bụi PM2.5 có độ phân bố tương đối đồng nhất trong một phạm vi nhất định nên chúng ta phải xem xét kỹ bài toán đặt ra, qua đó lựa chọn một số điểm tiêu biểu, đặc trưng để lắp đặt thiết bị quan trắc. Với ô nhiễm không khí Hà Nội bây giờ, chúng ta nên bàn về nguồn gốc và nguyên nhân để tìm cách loại bỏ hoặc giảm thiểu nguồn phát thì hay hơn. Tôi thấy cần thiết và quan trọng là đầu tư và tổ chức nghiên cứu để tìm ra được nguồn gốc, nguyên nhân gây ra ô nhiễm, sau đó tập trung vào việc xây dựng các chính sách quản lý, văn bản pháp qui, triển khai thực hiện để giảm được nguồn gốc phát sinh ô nhiễm”. TS Vương Thu Bắc (Viện KH&KT hạt nhân, Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam) |