Tiếp tục Chương trình làm việc Kỳ họp thứ 5, sáng 19/6, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội tiến hành thảo luận phiên toàn thể tại hội trường về dự án Luật Nhà ở (sửa đổi).
ĐBQH đặc biệt quan tâm đến quy định sở hữu chung cư
Cho ý kiến thảo luận, đại biểu Nguyễn Lâm Thành (Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn), việc xác định thời hạn sở hữu nhà chung cư là cần thiết. Bởi theo ông, nhà ở có tuổi thọ nhất định, sau thời gian cần được cải tạo, xây mới để đảm bảo an toàn, nâng cao chất lượng.
Đồng quan điểm về vấn đề này, ĐBQH Hoàng Văn Cường (Đoàn ĐBQH Hà Nội) đề nghị quy định rõ thời hạn sở hữu nhà chung cư phải theo tuổi thọ công trình. Ông cho rằng, quy định trên sẽ mang lại 2 điểm lợi.
Nhiều ĐBQH đề xuất sở hữu nhà chung cư cần có thời hạn.
Thứ nhất, người sở hữu nhà sẽ chỉ trả tiền cho chung cư theo thời hạn công trình thiết kế nên giá thành sẽ khác so với trước. Thứ hai, về mặt xã hội, quy định trên sẽ giải quyết tình trạng nhà chung cư sập xệ không phá dỡ được.
Đại biểu Phạm Văn Hoà (Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp) lại lấy dẫn chứng, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) quy định người sử dụng đất được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất, nhận chuyển quyền sử dụng đất không bao gồm cá nhân người nước ngoài.
Tuy nhiên, thời gian qua, dư luận bất bình đối với việc không ít người nước ngoài núp bóng cá nhân, tổ chức của Việt Nam thu mua nhiều đất đai ở một số nơi, nhất là thành phố có giá đất đắt đỏ, thành phố du lịch.
Vì vậy, đại biểu Hòa cho rằng, nên có giới hạn về thời hạn sử dụng nhà ở.a
Vấn đề nhạy cảm cao, tác động lớn đến xã hội
Giải trình, làm rõ một số ý kiến của ĐBQH về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho biết, trong tờ trình trình Chính phủ, cơ quan chủ trì soạn thảo đã đề xuất 2 phương án là sở hữu nhà chung cư có thời hạn và phương án không quy định về sở hữu nhà chung cư có thời hạn.
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị.
Tuy nhiên, thông báo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội xác định đây là vấn đề có tính nhạy cảm cao, tác động lớn đến xã hội và còn có những ý kiến chưa thống nhất. Cơ quan chủ trì soạn thảo đã trình đề nghị Chính phủ tiếp thu ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội là không quy định về sở hữu nhà chung cư có thời hạn trong dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) để trình Quốc hội cho ý kiến.
“Dự thảo luật đã có bổ sung làm rõ thêm các nội dung về thời hạn sử dụng nhà chung cư, các trường hợp phá dỡ nhà chung cư, quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu trong việc di dời, phá dỡ và đóng góp kinh phí để xây dựng lại nhà chung cư, làm rõ trách nhiệm của các chủ thể có liên quan khi phá dỡ, cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư để có cơ sở xử lý, giải quyết, tháo gỡ các trường hợp đang gặp khó khăn, vướng mắc trên thực tế hiện nay”, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị nói và cho biết Bộ này sẽ tiếp tục rà soát, bổ sung, làm rõ hơn các nội dung có liên quan như ý kiến của ĐBQH để đảm bảo tính khả thi, thúc đẩy nhanh việc thực hiện các dự án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư.
Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) không chồng lấn luật khác Giải trình ý kiến thảo luận của các đại biểu Quốc hội, Bộ Xây dựng khẳng định phạm vi điều chỉnh của Luật Nhà ở (sửa đổi) không chồng lấn với Luật Xây dựng và Luật Kinh doanh bất động sản. Phạm vi điều chỉnh của Luật Nhà ở (sửa đổi) chỉ điều chỉnh các vấn đề liên quan đến quản lý sử dụng công trình có mục đích hỗn hợp mà có phần diện tích nhà ở. Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) điều chỉnh các nội dung liên quan đến hoạt động kinh doanh bất động sản, trong đó có cả nhà ở, công trình khác. Còn phạm vi điều chỉnh của Luật Xây dựng liên quan đến các giai đoạn đầu tư từ báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, khảo sát, thiết kế, lập thẩm định, khởi công, đầu tư xây dựng, nghiệm thu hoàn thành, bàn giao đưa vào sử dụng. |