Bùi Thi ·
2 năm trước
 3327

Bức thư của Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Đầu năm 2008, tôi vô cùng xúc động khi bất ngờ nhận được lá thư của Đại tướng Võ Nguyên Giáp đề ngày 15-1-2008. Như không tin vào mắt mình bởi tôi chỉ là một lãnh đạo doanh nghiệp trẻ và không có quan hệ thân thích gì với Đại tướng.

Trong thư Đại tướng động viên tôi thực hiện tốt việc làm kinh tế và bảo vệ môi trường. Thời điểm trước đó, tôi có tham gia các cuộc thi “Môi trường và Phát triển” do Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng Đài Tiếng nói Việt Nam tổ chức. Vượt qua hàng nghìn đề án, ba năm liền tôi đều được giải Nhất toàn quốc. Nhận được thư, tôi có liên hệ xin được gặp và tặng Đại tướng đề án mà tôi đoạt giải. Và sau đó, tôi được Văn phòng Đại tướng sắp xếp cho gặp trong thời lượng 15 phút của một buổi sáng mùa đông năm 2008.

Dấu ấn sâu đậm về cuộc gặp gỡ với Đại tướng

Tôi hồi hộp khi lần đầu bước chân vào khuôn viên số nhà 30 phố Hoàng Diệu, Hà Nội, đó là một biệt thự cũ, xung quanh là vườn cây rộng. Trong phòng khách rất đỗi bình dị của vị Đại tướng huyền thoại, tôi và những người cùng đi nhận thấy tình cảm thân thương là những món quà, bức trướng của nhân dân và các cựu chiến binh trên mọi miền Tổ quốc biếu, tặng Đại tướng nhân ngày sinh nhật, nhân kỷ niệm chiến thắng Điện Biên Phủ, nhân kỷ niệm ngày thành lập Quân đội… Là người từng ở trong quân ngũ, tôi thấu hiểu tình cảm chân thành của những chiến sĩ Bộ đội Cụ Hồ và người dân dành tặng người Anh Cả của Quân đội nhân dân Việt Nam.

Bức thư của Đại tướng Võ Nguyên Giáp

 Tác giả Phạm Hồng Điệp vinh dự được gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp năm 2008

Đại tướng mặc quân phục từ phòng trong đi ra, ánh mắt và nụ cười đôn hậu đã xua đi nỗi e ngại, dè dặt ban đầu của tôi và những người cùng đi. Đại tướng hỏi các cháu đi xa có mệt không, có phải chờ lâu không? Tôi thưa với Đại tướng: "Chúng cháu không mệt ạ, chúng cháu rất vui khi được gặp Bác". Đại tướng nói: "Nghe Đài Tiếng nói Việt Nam nói về một doanh nhân trẻ tên là Phạm Hồng Điệp ở Hải Phòng 3 lần đạt giải Nhất toàn quốc về đề án bảo vệ môi trường, một người làm kinh tế mà đã quan tâm bảo vệ môi trường, như thế là rất quý. Hôm nay được gặp cháu, Bác rất mừng. Bác muốn gặp để động viên cháu làm tốt hơn nữa, cần luôn xác định là phát triển doanh nghiệp thì phải gắn với bảo vệ môi trường, như thế mới là phát triển bền vững''.

Thời gian trôi đi rất nhanh, đồng chí thư ký nhắc đã hết giờ, nhưng Đại tướng xua tay nói hôm nay cứ để tôi nói chuyện thoải mái, đến khi nào kết thúc câu chuyện thì thôi. Thế là câu chuyện Đại tướng muốn nói với tôi cứ tuôn trào. Đại tướng cho biết: Từ năm 1976, trong cuộc họp Bộ Chính trị tại Nha Trang, Đại tướng đã có một bản báo cáo gửi Bộ Chính trị về chiến lược xây dựng kinh tế khôi phục đất nước gắn liền với chiến lược bảo vệ môi trường, biển, đảo Việt Nam. Đại tướng dặn bây giờ các doanh nghiệp, doanh nhân cần ý thức rõ được việc phải bảo vệ môi trường. Mấy chục năm chiến tranh đã tàn phá rất nhiều rừng nguyên sinh của Việt Nam. Đế quốc Mỹ đã rải chất độc da cam, ném bom napan thiêu trụi hàng triệu ha rừng. Trong chiến tranh, đó là nơi “rừng che bộ đội, rừng vây quân thù”. Việt Nam chúng ta là nước có khí hậu nhiệt đới, cây cối quanh năm xanh tốt, vì vậy cần bảo vệ và phát triển tài nguyên rừng quốc gia.

Tác giả Phạm Hồng Điệp kể về Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Đại tướng say sưa nói về vai trò của môi trường, về Bác Hồ đã phát động phong trào trồng cây, gây rừng từ đầu những năm 1960, về tầm quan trọng của việc trồng cây. Nhiều lần, đồng chí thư ký vào đề nghị Đại tướng dừng nói để bảo vệ sức khỏe, nhưng Đại tướng vẫn xua tay, tiếp tục nói với tôi những điều Đại tướng suy nghĩ, tâm đắc. Chăm chú lắng nghe, tôi và những người đi cùng đều hiểu rằng, Đại tướng muốn trao truyền một sứ mệnh và niềm cảm hứng đối với doanh nhân và thế hệ trẻ hôm nay cần phải làm tốt hơn nữa vấn đề bảo vệ môi trường. Thời gian cuộc gặp kéo dài tới gần hai tiếng đồng hồ mà tôi có cảm giác như vừa mới được mươi phút. Nhìn sâu vào đôi mắt của Đại tướng, tôi như thấy được suy tư cùng ngọn lửa nhiệt huyết với cuộc sống mà một con người lúc đó đã 97 tuổi muốn nhắn gửi lại rất nhiều điều. Tôi đọc được tâm ý và những mong mỏi của Đại tướng qua ánh mắt, cử chỉ ấm áp, ân cần của Đại tướng dành cho chúng tôi... Thay mặt đoàn, tôi kính chúc Đại tướng trường thọ và kính tặng Đại tướng đề án về bảo vệ môi trường mà tôi đoạt giải Nhất cùng bó hoa tươi thắm. Tôi hứa sẽ ghi sâu trong tâm trí những căn dặn của Đại tướng và sẽ tiếp tục làm tốt hơn nữa công việc mà tôi đã chọn, như mong muốn của Đại tướng.

Cây đa - món quà ý nghĩa của vị tướng huyền thoại

Năm 2010, tôi có trao đổi với Đại tá Trịnh Nguyên Huân, một trong những thư ký lâu năm làm việc trong Văn phòng của Đại tướng, về ý định đầu tư Khu công nghiệp Nam Cầu Kiền, đã được khởi công xây dựng vào năm 2008 trên diện tích 263 hecta thuộc địa bàn 4 xã của huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng thành “khu công nghiệp xanh”. Khi biết tin, Đại tướng đã gửi cho tôi một bức thư kèm theo gửi tặng một cây đa lấy từ trong vườn nhà riêng của Đại tướng. Thư có đoạn viết:"Bác Hồ đã dạy, vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người". Lời dạy của Bác sâu sắc cho mọi thời kỳ lịch sử ở Việt Nam, nhất là hiện nay khi môi trường sống của đất nước đang bị xâm hại nghiêm trọng. Đảng và Nhà nước đã có nhiều biện pháp tích cực để cải thiện tình hình này trước nguy cơ biến đổi khí hậu đang diễn biến ngày càng phức tạp, do vậy, cùng với nhiều hoạt động trong cả nước, việc trồng cây bảo vệ môi trường của Công ty Shinec là việc làm rất có ý nghĩa. Nhân dịp này, tôi xin gửi tặng các đồng chí một cây đa, mong các đồng chí sẽ làm tốt hơn và thành công hơn nữa trong sự nghiệp bảo vệ môi trường hiện nay ở Việt Nam”.

Bức thư của Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Cây đa Đại tướng Võ Nguyên Giáp tặng tác giả Phạm Hồng Điệp

Thực hiện lời căn dặn của Đại tướng, từ khi thành lập đến nay, chúng tôi luôn ý thức xây dựng Nam Cầu Kiền thành Khu công nghiệp sinh thái đầu tiên của Việt Nam, do người Việt Nam đầu tư, có hạ tầng đồng bộ theo tiêu chuẩn khu công nghiệp sinh thái của Nhật Bản, đáp ứng đủ các tiêu chí tiện ích xã hội phục vụ cán bộ, công nhân viên toàn khu công nghiệp; với điểm nhấn là đưa truyền thống lịch sử vào làm truyền thông cho ý thức bảo vệ môi trường.

Cây đa do Đại tướng gửi tặng, chúng tôi trân trọng trồng tại cổng Khu công nghiệp Nam Cầu Kiền để tất cả cán bộ, công nhân viên đi qua đều cảm nhận được tình cảm, lời căn dặn của Đại tướng. Từ đó nâng cao ý thức trách nhiệm cộng đồng và có những hành động cụ thể từ chính nơi làm việc để bảo vệ môi trường. Sau khi Đại tướng qua đời, để tỏ lòng tôn kính và ghi nhớ công lao của Đại tướng, chúng tôi đã quyết định xây dựng Vườn Kỷ vật, Đền thờ Đại tướng ngay trong khu điều hành của Khu công nghiệp Nam Cầu Kiền.

Bức thư của Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Hồng, nguyên phóng viên Báo Quân đội nhân dân và tác giả Phạm Hồng Điệp tại không gian trưng bày ảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp ở Khu công nghiệp Nam Cầu Kiền (Hải Phòng)

Bức thư của Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Hình ảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp qua ống kính của nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Hồng trưng bày tại Khu công nghiệp Nam Cầu Kiền (Hải Phòng)

Năm 2021, để tỏ lòng tôn kính và tri ân công lao của Đại tướng, nhân kỷ niệm 67 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (1954 -2021) và 110 năm Ngày sinh của Đại tướng (1911-2021), tập thể cán bộ, công nhân viên của Khu công nghiệp quyết định tạo dựng sa hình chiến dịch Điện Biên Phủ trên diện tích 1.300m2, lấy cây đa của Đại tướng tặng, được kết nối thành 37 gốc, làm điểm nhấn. Công trình cây đa 37 gốc nằm trong sa hình chiến thắng Điện Biên Phủ là một việc làm thiết thực hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới hàng năm (5-6), là sự tiếp nối Cuộc vận động “Trồng một triệu cây xanh –vì một Việt Nam xanh", nhằm mục tiêu xây dựng văn hóa doanh nghiệp phát triển bền vững.

Để truyền lời căn dặn của Đại tướng về phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường, Khu công nghiệp Nam Cầu Kiền còn thành lập Trung tâm đổi mới sáng tạo và truyền thông môi trường, trong đó có Vườn kỷ vật trưng bày nhiều kỷ vật của Đại tướng, sách, báo thể hiện quan điểm, chỉ đạo của Đại tướng về khoa học và giáo dục. Thông qua Vườn kỷ vật và các công trình bảo vệ môi trường, Trung tâm đổi mới sáng tạo và truyền thông môi trường cũng xây dựng các chương trình khoa giáo, giảng dạy thực nghiệm cho thế hệ trẻ.

Bức thư của Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Tác giả Phạm Hồng Điệp dâng hương tại quê nhà Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong trận mưa lũ năm 2020

Làm theo lời dạy của Đại tướng phải gắn phát triển kinh tế với giữ gìn và bảo vệ môi trường, quyết không đánh đổi môi trường lấy phát triển kinh tế. Từ cuối năm 2020, Ban lãnh đạo Khu công nghiệp Nam Cầu Kiền đã phát động trồng 1 triệu cây xanh tới các nhà đầu tư, doanh nghiệp trong khu công nghiệp, các hiệp hội doanh nghiệp trong thành phố, mỗi công nhân đăng ký trồng một cây xanh tại nhà máy, xí nghiệp của mình.

Ngoài những hiện vật gắn với Đại tướng là Vườn kỷ vật và sa hình Điện Biên Phủ, cán bộ, công nhân viên Khu công nghiệp Nam Cầu Kiền còn sáng tác được nhiều bài hát ca ngợi công lao của Đại tướng thể hiện dưới các loại hình nghệ thuật như: Chèo, chầu văn, dân ca miền Trung và các tác phẩm âm nhạc hiện đại, được các nghệ sĩ nổi tiếng thể hiện. Đây là giá trị văn hóa thể hiện sự sáng tạo để đem thông điệp ý nghĩa về văn hóa, lịch sử đến mọi người dân và thế hệ mai sau.

Nguồn