Ngọc Khôi ·
3 năm trước
 3504

Bùng nổ du lịch vũ trụ gây thủng tầng ozone bao quanh Trái Đất?

Các chuyên gia cảnh báo, việc bùng nổ du lịch vũ trụ sẽ tạo ra rất nhiều khí thải, gây hại cho môi trường, gia tăng ô nhiễm bầu khí quyển trong những năm tới. Thậm chí, có khả năng gây thủng tầng ozone bao quanh Trái Đất.

Các chuyến bay lên vũ trụ gần đây đã tạo tiền đề cho du lịch ngoài không gian, mở ra lĩnh vực kinh doanh mới, đầy hứa hẹn. Tuy nhiên, The Guardian cho rằng đây không phải là ngành “công nghiệp không khói”. Ngược lại, nó tạo ra rất nhiều khí thải, gây hại cho môi trường nếu trở nên phổ biến trong tương lai.

Giới chuyên gia cũng cảnh báo, việc bùng nổ du lịch vũ trụ sẽ làm gia tăng ô nhiễm bầu khí quyển trong những năm tới. Theo Cơ quan Hàng không của Liên Hợp Quốc dự báo, lượng khí thải carbon dioxide trên máy bay, một loại khí nhà kính lớn, đã vượt qua 900 triệu tấn vào năm 2018 và sẽ tăng gấp ba lần vào năm 2050. Việc di chuyển bằng đường hàng không cũng góp phần tạo ra các oxit nitơ trong khí quyển.

du lịch vũ trụ

Mỗi chuyến du lịch vũ trụ sinh ra hàng trăm tấn khí thải. (Ảnh: Blue Origin)

Tuy nhiên về lâu dài, khả năng gây hại đến môi trường của du lịch vũ trụ lớn hơn, khi ngành công nghiệp này đang sẵn sàng cho sự phát triển vượt bậc trong tương lai, đặc biệt là những tác động đến tầng Ozone trong tầng thượng quyển vẫn còn chưa được hiểu rõ.

Cụ thể, các chuyên ra chỉ ra, tên lửa phải đốt cháy một lượng thuốc phóng lớn để cất và hạ cánh. Thuốc phóng là chất khi chịu tác động bởi xung nhiệt hay tia lửa từ bên ngoài thì cháy, tạo nên một lượng khí lớn đẩy một vật thể đi. Các vật thể đẩy đi có thể là đầu đạn, tên lửa, pháo hoa. Ngoài ra, thuốc phóng có thể ở dạng chất rắn, chất lỏng, hoặc chất khí. Cho dù đó là dầu hỏa trong tên lửa Falcon 9 của SpaceX, khí metan trong tàu Starship hay hydro lỏng trong Hệ thống phóng vào không gian (SLS) khổng lồ của NASA, việc đốt cháy vật liệu đó sẽ tác động đến bầu khí quyển của Trái Đất.

“Chuyến bay đường dài sinh ra trung bình 1 - 3 tấn carbon dioxide trên mỗi hành khách. Trong khi đó, vụ phóng tên lửa tạo ra khoảng 200 - 300 tấn để đưa tàu du hành có 4 khách lên vũ trụ”, Phó Giáo sư Địa lý tự nhiên Eloise Marais tại Đại học College London cho biết. 

Thậm chí, lượng khí thải khổng lồ của tên lửa đẩy bơm trực tiếp lên thượng tầng khí quyển, tồn tại nhiều năm ở đó. Trong quá trình phóng, chúng cũng sinh thêm các khí độc hại khác khi đốt dầu hỏa và metan, có khả năng gây thủng tầng ozone bao quanh Trái Đất.

Điều may mắn là số vụ phóng tên lửa hiện nay còn ít. Theo số liệu của NASA, trong năm 2020, có khoảng 100.000 lượt máy bay cất cánh nhưng chỉ 114 tên lửa phóng lên quỹ đạo.

Tuy nhiên, khi ngành du lịch vũ trụ bắt đầu khởi động và chi phí cho mỗi vụ phóng tên lửa ngày càng rẻ hơn, con số này sẽ nhanh chóng tăng, gây tác hại nặng nề đến môi trường.

Thay vì đổ tiền cho cuộc đua lên vũ trụ, các tỷ phú có lẽ nên đầu tư vào những lĩnh vực giúp cuộc sống con người tốt đẹp hơn, giải quyết vấn đề cháy rừng, khí hậu ấm lên toàn cầu và những thảm họa môi trường khác.

Do đó, các nhà khoa học cũng khuyến cáo, thế giới hiện đã nhận thức rõ hơn về cuộc khủng hoảng khí hậu so với những năm trước đây. Điều này có thể khuyến khích các doanh nghiệp tìm cách giảm thiểu ô nhiễm thông qua việc ứng dụng các công nghệ sạch để giải quyết vấn đề ô nhiễm bầu khí quyển. Bởi để phục vụ chuyến tham quan ngoài không gian chóng vánh trong vài chục phút, tên lửa phóng tàu vũ trụ sinh ra lượng khí thải lớn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường.

Eloise Marais, Phó Giáo sư Địa lý tự nhiên tại Đại học College London khuyến cáo, cần thận trọng trong khi phát triển ngành du lịch vũ trụ. Vì hiện nay, không có quy định quốc tế nào về loại nhiên liệu được sử dụng, mức độ tác động của chúng đối với môi trường. 

“Hiện tại, chúng ta không có quy định nào xung quanh việc phát thải của tên lửa. Giờ là lúc phải hành động, trong khi các tỷ phú vẫn tiếp tục mua vé lên vũ vụ”, Eloise Marais nhấn mạnh.

Nguồn