Tổng cộng có 17 cá thể hổ trưởng thành được một hộ dân ở xã Đô Thành, huyện Yên Thành (Nghệ An) nuôi nhốt trái phép, mục đích có thể là để nấu cao. Trong số những cá thể hổ này, có con nặng tới 200kg. Vụ việc được phát hiện vào sáng ngày 4/8/2021.
Hiện, vụ việc đang được tiếp tục được điều tra, làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật. Các cá thể hổ bị nuôi nhốt trái phép cũng đã được điều xe cẩu để vận chuyển đến khu vực cho phép.
Có tới 17 con hổ vừa được phát hiện bị nuôi nhốt trái phép trong khu dân cư tại xã Đô Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An ngày 4/8/2021
Trước đó, ngày 1/8, công an tỉnh Nghệ An cũng đã phát hiện và bắt giữ nhiều vụ vận chuyển trái phép tương tự. Ngày 1/8, công an Tỉnh cũng phát hiện và giải cứu 7 cá thể hổ con khi bị các đối tượng vận chuyển trái phép từ huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh) ra huyện Diễn Châu (Nghệ An). Số hổ này cũng đã được đưa đến Trung tâm Cứu hộ động vật Vườn Quốc gia Pù Mát (Nghệ An) để được chăm sóc, nuôi dưỡng.
Vụ việc vận chuyển trái phép 7 cá thể hổ con được phát hiện vào ngày 1/8/2021 tại Nghệ An
Cũng tại Nghệ An, ngày 19/1, Phòng Cảnh sát kinh tế (Công an Hà Tĩnh) phối hợp với Phòng Cảnh sát môi trường, Công an huyện Hương Sơn khám xét nhà ông Đinh Nhật Nghệ (SN 1972, trú thôn Bảo Thượng, xã Quang Diệm) và phát hiện một cá thể hổ nặng 250kg trong tình trạng đã chết. Con hổ được xác định bị trích điện.
Tại các tỉnh thành khác, tình trạng vận chuyển, mua bán hổ trái phép cũng đã diễn ra trong nhiều năm. Trước đó, ngày 6/11/2017, Công an thị xã Bỉm Sơn, tỉnh Thanh Hóa bắt quả tang đối tượng Lê Văn Trung (SN 1981, trú tại phường Nghi Hải, thị xã Cửa Lò, tỉnh Nghệ An) vận chuyển trái phép một cá thể hổ 300kg còn sống. Trung khai cá thể hổ này được vận chuyển từ Nghệ An ra Hà Nội tiêu thụ.
Thị trường "chợ đen" cao hổ ngày càng phức tạp khiến cho tình trạng mua bán động vật hoang dã, bao gồm các cá thể hổ càng trở nên nhức nhối
Vào ngày 6/6/2018, kiểm tra xe ô tô do Hoàng Văn Thiên (SN 1991, trú xã Quỳnh Thanh, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An) điều khiển lưu thông trên quốc lộ 7A, lực lượng chức năng phát hiện 5 cá thể hổ đã chết được bỏ trong thùng xốp. Tài xế khai nhận, 5 cá thể hổ trên là của Bùi Văn Hiếu (SN 1992, trú xã Quỳnh Thanh, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An).
Tình trạng nuôi nhốt, mua bán động vật hoang dã đang trở nên nhức nhối thời gian gần đây do thị trường “chợ đen” cao hổ đang khá phức tạp. Y học cổ truyền vùng Đông Nam Á rất chuộng cao hổ. Hổ nuôi nhốt thường bị mổ xẻ lấy xương nấu cao. Người ta tin cao hổ cốt có thể chữa mọi vấn đề về xương khớp ở người.
Tuy nhiên, không có bằng chứng khoa học nào chứng minh tác dụng chữa bệnh của cao hổ. Song, những niềm tin vô căn cứ về dược tính thần kỳ của cao hổ đã đẩy loài vật này vào nguy cơ tuyệt chủng ở khu vực châu Á nói chung và Việt Nam nói riêng.
Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV) thông tin, giai đoạn từ 1/2019 - 6/2020, phòng bảo vệ động vật hoang dã của ENV đã ghi nhận hơn 650 vụ việc vi phạm liên quan đến hổ. Các vi phạm gồm: quảng cáo, tàng trữ, mua bán cao hổ, móng vuốt, nanh, nội tạng, da hổ; buôn bán các cá thể hổ sống và đông lạnh để nấu cao.
Cũng theo điều tra của Văn phòng Liên Hiệp Quốc về chống Ma túy và Tội phạm (UNODC), nguồn hổ dùng để nấu cao ở Việt Nam phần lớn là hổ nuôi. Tính đến tháng 7/2020, có hơn 12.000 cá thể hổ sống trong các cơ sở nuôi nhốt trên khắp thế giới, trong đó có 6.057 cá thể ở Trung Quốc, còn lại thuộc về 3 quốc gia là: Lào, Thái Lan và Việt Nam.
Theo báo cáo được mạng lưới giám sát hoạt động buôn bán động thực vật hoang dã TRAFFIC công bố vào ngày 3/9/2020, Việt Nam được xác định là quốc gia trọng điểm buôn lậu các bộ phận của hổ trước khi tuồn sang Trung Quốc.