Bích Ngọc ·
1 năm trước
 1662

Các bản “hợp đồng ma” được lén lút trao nhau đưa các nhà đầu tư rơi vào bẫy ma trận trái phiếu?

Hàng ngàn tỷ đồng được huy động dễ dàng, lãi suất cao, hoa hồng khủng khiến thị trường trái phiếu tăng trưởng bùng nổ.Thế nhưng, trong thời gian qua hoạt động mua bán trái phiếu riêng lẻ ở nước ta diễn ra như một “chợ trời”. Các nhà đầu tư từ đó đã rơi vào bẫy ma trận trái phiếu như thế nào?

Cảnh báo các nhà đầu tư rơi vào bẫy ma trận trái phiếu

Ở giai đoạn 2018-2021, thị trường trái phiếu doanh nghiệp đã có sự phát triển thần tốc thời gian qua. Năm 2018, chính sách siết tín dụng bất động sản của Ngân hàng Nhà nước cùng hành lang pháp lý về trái phiếu doanh nghiệp ngày càng thông thoáng khiến bộ ba doanh nghiệp bất động sản - ngân hàng - công ty chứng khoán bắt tay nhau phát hành, lách luật đưa một lượng trái phiếu khủng đến tay nhà đầu tư cá nhân.

Kể từ đó, trái phiếu doanh nghiệp không tài sản đảm bảo, không xếp hạng tín nhiệm, không bảo lãnh thanh toán, không kèm chứng quyền, không phương án trả nợ…

Hàng ngàn tỷ đồng được huy động dễ dàng, lãi suất cao, hoa hồng khủng khiến thị trường trái phiếu tăng trưởng bùng nổ.

Phản ánh sức nóng của thị trường là hàng loạt những con số biết nói. Cụ thể, tốc độ tăng trưởng kép trái phiếu doanh nghiệp ở giai đoạn 2018-2021 trên 50%. Tính riêng năm 2021, khối lượng trái phiếu doanh nghiệp phát hành đã lên tới 658.000 tỷ đồng, con số này cao hơn tổng khối lượng trái phiếu doanh nghiệp phát hành cả giai đoạn 2011-2018.    

Bất kỳ cá nhân nào cũng có thể tìm mua trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ trên mạng xã hội chỉ bằng vài cú nhấp chuột, so với lãi suất tiền gửi ngân hàng thì cao gấp 2-3 lần. Trong khi đó, trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ chỉ được phép bán cho nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp - những người có thể đánh giá được mức độ rủi ro của trái phiếu.

Theo quy định, để trở thành nhà đầu tư chứng khoán cá nhân chuyên nghiệp thì phải người có chứng chỉ hành nghề chứng khoán; có danh mục chứng khoán niêm yết là 2 tỷ đồng tại thời điểm xác định tư cách là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp và cuối cùng là phải có thu nhập chịu thuế năm gần nhất tối thiểu 1 tỷ đồng.

Thế nhưng, trong thời gian qua hoạt động mua bán trái phiếu riêng lẻ ở nước ta diễn ra như một “chợ trời”. Đó là nơi các chiêu trò lách luật, các bản hợp đồng ma được lén lút trao nhau.

Theo Chị Trần Thanh Hà (Đống Đa, Hà Nội), một nhân viên của Công ty cổ phần Đầu tư WING mời chào chị mua trái phiếu Ngọc Thiên trên ứng dụng My Bond với lãi suất hơn 12%/năm, cao gấp đôi lãi suất tiết kiệm. Thế nhưng, sau khi đọc kỹ hợp đồng mua trái phiếu, chị Hà tá hỏa bởi sự ngoắt ngoéo của hợp đồng.

Pháp nhân đứng ra ký hợp đồng với chị Hà lại là Công ty cổ phần Thịnh Phát Hưng Yên dù WING là đơn vị đứng ra chào bán trái phiếu. Nội dung lại là hợp đồng góp vốn, ủy thác đầu tư mặc dù hình thức của hợp đồng là “Hợp đồng Đầu tư trái phiếu”. Các điều khoản hợp đồng quy định, số tiền chị Hà chuyển cho Thịnh Phát Hưng Yên là khoản góp vốn để mua trái phiếu doanh nghiệp. Sau khi ký kết hợp đồng, nhà đầu tư thay vì chứng nhận trái chủ sẽ được cấp một tờ giấy xác nhận giao dịch mua trái phiếu.

Chị Phan Thu Hiền- giáo viên Trường Quốc tế Hà Nội cho biết, dù không phải là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, nhưng chị vẫn có thể dễ dàng mua trái phiếu doanh nghiệp của Tập đoàn bất động sản X ngay trên ứng dụng bán trái phiếu của tập đoàn này. Được biết, hợp đồng mà công ty đưa chị Hiền ký tên thực chất là hợp đồng góp vốn với trái chủ để mua trái phiếu doanh nghiệp, chứ không phải là hợp đồng mua trái phiếu doanh nghiệp từ đơn vị phân phối. Theo tìm hiểu, ma trận phát hành trái phiếu doanh nghiệp của Tập đoàn này như sau: Công ty X1 phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ; tài sản đảm bảo là cổ phần của Công ty X2; đơn vị bảo lãnh là Công ty X3; đơn vị đứng ra mua lại lô trái phiếu là Công ty đầu tư tài chính Y. Chú ý là cả X1, X2, X3 và Y đều là thành viên của Tập đoàn X.

Sau đó, trái chủ Y sẽ bán lại toàn bộ số trái phiếu doanh nghiệp mà công ty này sở hữu cho nhà đầu tư tư nhân theo hình thức hợp tác đầu tư, hợp tác góp vốn, tương tự cách thức mà Tân Hoàng Minh thực hiện. Năm năm qua, với chiêu thức này, Tập đoàn X. đã huy động thành công hàng chục ngàn tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ trên thị trường, tăng vốn với tốc độ tên lửa.

Thế nhưng, không chỉ doanh nghiệp phát hành là nguyên nhân duy nhất khiến quả bom trái phiếu doanh nghiệp phình to. Hoa hồng cao ngất ngưởng từ phân phối trái phiếu doanh nghiệp 3-5% khiến các ngân hàng, công ty chứng khoán lao vào bán trái phiếu, không những thế còn cố tình mập mờ thông tin để “dụ” nhà đầu tư. 

Riêng lượng trái phiếu doanh nghiệp mà công ty chứng khoán sang tay cho nhà đầu tư cá nhân trong năm 2021 là trên 90.000 tỷ đồng. Theo Bộ Tài chính, tính trên toàn thị trường cuối năm 2021, tỷ lệ nhà đầu tư cá nhân thứ cấp nắm giữ trái phiếu doanh nghiệp là 23,6% dư nợ phát hành (dù tỷ lệ này trên thị trường sơ cấp chỉ từ 5-8%). Con số này còn có thể còn cao gấp đôi nếu tính cả số nhà đầu tư mua trái phiếu doanh nghiệp dạng hợp tác đầu tư, góp vốn... không có tên trong sổ lưu ký.

Theo ông Huỳnh Anh Tuấn- Phó tổng giám đốc Công ty Chứng khoán Ngân hàng Đông Á, nhiều ngân hàng, công ty chứng khoán mua trái phiếu doanh nghiệp chủ yếu chỉ để phân phối lại cho người dân thông qua mạng lưới của mình. Hoa hồng bảo lãnh, phân phối lên tới 3-5% khiến nhiều ngân hàng, công ty chứng khoán đua bán trái phiếu doanh nghiệp tới nhà đầu tư cá nhân. Rất nhiều người dân khi đi gửi tiền vào ngân hàng đều được mời mua trái phiếu doanh nghiệp với lãi suất cao gấp đôi.

Nhờ lợi thế vừa bán trái phiếu doanh nghiệp vừa cấp giấy chứng nhận nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp cho cá nhân, công ty chứng khoán dễ dàng lách luật, phù phép nhà đầu tư cá nhân thành nhà đầu tư chuyên nghiệp. Công ty chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ dưới sự tiếp tay của ngân hàng bỗng chốc biến thành trái phiếu doanh nghiệp đại chúng khi sang tên tới hàng vạn nhà đầu tư cá nhân.

Thị trường trái phiếu doanh nghiệp lệch lạc đi không chỉ do sự gian dối của doanh nghiệp phát hành, lòng tham lãi suất cao của nhà đầu tư cá nhân, sự hám lợi hoa hồng khủng của doanh nghiệp phát hành, mà do cả lỗi của đơn vị tư vấn.

Đơn vị tư vấn phải thẩm định trái phiếu xem có tốt không, có đủ điều kiện phát hành không. Thế nhưng, chi phí tư vấn kếch xù khiến con người bị mờ mắt, nhiều công ty chứng khoán bỏ qua các thông tin rủi ro ,ra sức chiều chuộng nhà phát hành, xây dựng hồ sơ chào bán trái phiếu và công bố thông tin dựa trên các thông tin có lợi cho doanh nghiệp phát hành. Sự hợp tác của doanh nghiệp phát hành yếu kém với nhà tư vấn thiếu trách nhiệm chính là nguyên nhân khiến trái phiếu rác tràn ngập trên thị trường.

Lòng tham và sự thiếu chuyên nghiệp của tất cả chủ thể tham gia thị trường khiến trong suốt những năm qua thị trường trái phiếu doanh nghiệp trở thành “chợ trời” thượng vàng hạ cám.

Ảnh minh họa.(Nguồn:internet)

Nhà đầu tư cá nhân nên làm gì để tránh rơi vào bẫy ma trận trái phiếu?

Nhà đầu tư cá nhân cần biết rằng sản phẩm trái phiếu nào cũng có rủi ro. Nhà đầu tư có quyền tự tìm cách thẩm định rủi ro và tự chịu trách nhiệm về quyết định đầu tư của mình. Bên cạnh đó, nhà đầu tư cũng có thể đầu tư gián tiếp vào các quỹ đầu tư trái phiếu và chấp nhận lãi suất thấp hơn so với mua trái phiếu trực tiếp; hoặc tìm đến các trái phiếu đã được thẩm định bởi tổ chức xếp hạng tín nhiệm nhưng chấp nhận ít lựa chọn hơn bởi số lượng trái phiếu được xếp hạng tín nhiệm hiện nay chưa nhiều.

Nếu nhà đầu tư quyết định tự tìm cách thẩm định trái phiếu, cần lưu ý đầu tiên đó là phải tìm đến các sản phẩm trái phiếu hợp pháp, hợp lệ. Ở đây có vai trò của cơ quan quản lý trong việc giám sát, thanh, kiểm tra và cảnh báo cũng như xử phạt các trường hợp vi phạm. Tuy nhiên, bản thân nhà đầu tư cũng cần tìm phải hiểu kỹ sản phẩm trái phiếu, không lầm tưởng về sản phẩm. Ví dụ như lầm tưởng trái phiếu doanh nghiệp là sản phẩm của ngân hàng hay lầm tưởng hợp đồng hợp tác đầu tư mua trái phiếu là hợp đồng mua trái phiếu…

Ngoài ra, việc tìm kiếm được môi giới trái phiếu “có tâm, có tầm” cũng giúp giảm thiểu rủi ro pháp lý và giúp giải quyết phần nào bài toán bất cân xứng thông tin giữa người mua và người bán.

Tiếp theo là phải tìm cách thẩm định khả năng trả nợ. Đầu tiên, nhà đầu tư cá nhân cần tìm đến trái phiếu của các doanh nghiệp công khai, minh bạch mục đích sử dụng vốn, số liệu tài chính, báo cáo tài chính cũng như kế hoạch phát triển, kế hoạch trả nợ.Trường hợp nếu trái phiếu được một pháp nhân khác bảo lãnh chi trả thì cần tiếp cận số liệu tài chính, báo cáo tài chính cũng như kế hoạch trả nợ (nếu có) của pháp nhân này. Sau đó, nếu đủ năng lực thì nhà đầu tư tự thực hiện thẩm định còn không thì tìm đến những người có chuyên môn.

Điều cần làm tiếp theo là thẩm định tài sản bảo đảm của trái phiếu. Phải tìm hiểu được tình hình pháp lý của tài sản bảo đảm, ưu tiên tài sản bảo đảm “sạch”, pháp lý đầy đủ, không tranh chấp… Sau đó là đánh giá về giá trị và tính thanh khoản của tài sản bảo đảm.

Thế nhưng trên thực tế, có thể nhà đầu tư cá nhân không đủ năng lực để thẩm định tài sản bảo đảm. Khi đó, cần ưu tiên trái phiếu của các doanh nghiệp công khai, minh bạch thực trạng của tài sản bảo đảm với sự tham gia tích cực, khách quan của bên thứ ba như công ty thẩm định giá.

Bên cạnh đó, nhà đầu tư cá nhân cần đánh giá về mức độ uy tín của các doanh nghiệp phát hành trái phiếu. Trái phiếu của những doanh nghiệp thông thường quy mô lớn, niêm yết trên sàn chứng khoán có mức độ an toàn cao hơn.

Nhà đầu tư cần lưu ý đến tính thanh khoản của trái phiếu. Các đơn vị phân phối trái phiếu hiện nay cũng đã thiết kế các cách thức riêng để tạo thanh khoản cho trái phiếu, tuy nhiên mỗi đơn vị lại có cách khác nhau, chẳng hạn một số ngân hàng có hệ thống giao dịch trái phiếu nội bộ, một số công ty chứng khoán đảm bảo mua lại trái phiếu theo từng mốc thời gian cụ thể…

Về phía cơ quan quản lý, cũng cần sớm thành lập sàn giao dịch trái phiếu thứ cấp kèm điều kiện niêm yết, vừa tạo điều kiện để thị trường tự định hình mức độ hấp dẫn của từng trái phiếu, vừa giúp tăng tính thanh khoản của trái phiếu.

Cuối cùng, nhà đầu tư cá nhân cần có tâm thế tôn trọng tính thị trường của trái phiếu và tôn trọng quyết định đầu tư của mình cũng như chịu trách nhiệm về quyết định đó.

Theo FiinRatings, nên nhìn nhận vấn đề không chi trả được nợ gốc và lãi vay trên thị trường trái phiếu một cách thực tế và công bằng, bởi các trường hợp này cũng tương tự như nợ xấu ngân hàng.