Những ngày gần đây, vụ việc nhóm thanh niên cướp xe máy của nữ lao công trong đêm khuya đã khiến dư luận vô cùng bức xúc. Hành vi này của các đối tượng thể hiện sự táng tận lương tâm, coi thường dư luận, cần phải nghiêm khắc lên án.
Tiếng van xin, kêu khóc, vất vả của người phụ nữ nghèo đã rung động biết bao trái tim con người và càng căm phẫn nhóm đối tượng đã tàn nhẫn kiếm đi công cụ lao động duy nhất của chị. Hành vi của nhóm đối tượng có thể nói là mất tính người và tận cùng của tội ác.
Trao đổi với PV Môi trường và Đô thị Việt Nam, Luật sư Đặng Văn Cường (Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp, Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết:
“Khi xem clip chị lao công tại Hà Nội bị các đối tượng cướp xe máy thì rất nhiều người đã bức xúc, phẫn nộ về hành vi vi phạm pháp luật của các đối tượng đồng thời thấy rất cảm thông và thương xót đối với chị lao công qua những tiếng kêu khóc, tuyệt vọng. Tiếng khóc giữa đêm khuya như xé lòng khiến nhiều người tỉnh giấc và những người xem clip không khỏi ám ảnh với sự tuyệt vọng của người phụ nữ nghèo này”.
Luật sư Đặng Văn Cường (Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp, Đoàn luật sư TP Hà Nội)
Rất may mắn và đây là một hành động vô cùng đẹp của các chiến sỹ công an quận Nam Từ Liêm và quần chúng nhân dân khi đã có những hành động hỗ trợ, tặng xe máy cho nữ công nhân này để tiếp tục lao động, phục vụ cho xã hội.
Hành động của cơ quan công an trong vụ án này là rất kịp thời, nhân văn và cho thấy trách nhiệm của người chiến sĩ công an nhân dân trong việc giữ gìn an ninh trật tự, an toàn xã hội. Việc bắt giữ nhanh chóng nhóm đối tượng này để xử lý theo quy định của pháp luật cũng là những chiến công đáng khen ngợi của lực lượng công an nhân dân trong công cuộc đấu tranh phòng chống tội phạm”. Luật sư Đặng Văn Cường chia sẻ thêm.
Luật sư Đặng Văn Cường cho rằng, 4 nam thanh niên cướp xe máy của nữ lao công trong đêm sẽ bị xử lý về tội "Cướp tài sản" theo khoản 2, Điều 168 Bộ luật Hình sự năm 2015 và có thể đối mặt với hình phạt cao nhất 15 năm tù.
Theo phân tích của luật sư, trong 4 thanh niên thì 2 người sử dụng vũ lực đe dọa, uy hiếp tinh thần nạn nhân để chiếm đoạt tài sản. Còn với 2 thanh niên khác, dù không trực tiếp thực hiện hành vi nhưng cũng dừng xe của nữ công nhân và có hành động mang tính chất đe dọa, uy hiếp tinh thần của nạn nhân, nên được xác định là đồng phạm, cùng ý chí thực hiện hành vi phạm tội.
Sau khi cướp được tài sản, cả nhóm cùng nhau đẩy chiếc xe máy vừa chiếm đoạt được của nạn nhân. Do đó, hành vi của nhóm thanh niên này được xác định là "có tổ chức" hoặc "gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội" nên mỗi người sẽ phải đối mặt với hình phạt là phạt tù từ 7 năm đến 15 năm tù theo quy định tại điểm a hoặc điểm g, khoản 2, Điều 168 Bộ luật Hình sự năm 2015.
Theo luật sư Cường, hành vi của nhóm đối tượng đã vi phạm pháp luật nghiêm trọng, phạm tội hình sự. Chúng đã bất chấp đạo đức xã hội, coi thường pháp luật đe dọa dùng vũ lực để chiếm đoạt chiếc xe máy - phương tiện duy nhất để đi lại kiếm sống của nữ công nhân vệ sinh môi trường. Hành vi của nhóm đối tượng được camera giám sát thể hiện rất rõ ràng và có những đặc điểm nhận dạng, nghe được giọng nói.
Dưới góc độ pháp lý, hành vi sử dụng vũ lực ngay tức khắc để đe dọa, uy hiếp tinh thần của người khác nhằm chiếm đoạt tài sản là hành vi cướp tài sản được quy định tại Điều 168 Bộ luật hình sự năm 2015, có khung hình phạt tù từ 3 năm đến chung thân.
Vụ án nhóm đối tượng gây ra đối với người lao động nghèo - luôn được Nhà nước và Nhân dân hỗ trợ, giúp đỡ, đặc biệt trong thời điểm dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp. Bởi vậy trong quá trình giải quyết vụ án này, cơ quan tố tụng sẽ xem xét đánh giá tính chất mức độ của hành vi phạm tội để làm cơ sở quyết định mức hình phạt.
Với hành vi được xác định là “có tổ chức” hoặc “gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội” nên 4 đối tượng sẽ phải đối mặt với hình phạt tù từ 7 năm đến 15 năm tù theo quy định tại điểm a hoặc điểm g, khoản 2, Điều 168 BLHS năm 2015 nêu trên.
“Đây là vụ án xảy ra trong thời điểm thành phố Hà Nội đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng để phòng chống dịch bệnh Covid-19. Lợi dụng lúc đêm vắng, thời điểm dịch bệnh để phạm tội nên các đối tượng này sẽ phải chịu mức án nghiêm khắc. Theo quy định của pháp luật thì hành vi lợi dụng chiến tranh, lợi dụng tình trạng khẩn cấp để phạm tội cũng là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự. Phạm tội với người yếu thế, vi phạm nghiêm trọng đạo đức xã hội cũng là những tình tiết làm tăng tính chất nghiêm trọng của vụ án là cơ sở để xác định mức độ phạm tội và căn cứ xác định trách nhiệm hình sự khi tòa án lượng hình".
Nhóm đối tượng gây ra vụ cướp xe máy của nữ công nhân vệ sinh môi trường trong đêm 3/8. (Ảnh:Internet)
Vụ án cho thấy hiện nay có một bộ phận giới trẻ lười lao động, thiếu giáo dục, vi lòng tham và sự ích kỷ cá nhân, để có tiền ăn chơi mà sẵn sàng vi phạm pháp luật, coi nhẹ vấn đề đạo đức, gây mất an ninh trật tự, an toàn xã hội. Để giảm thiểu những vụ án như thế này thì cần tăng cường giáo dục pháp luật, đạo đức, ý thức trách nhiệm của thanh thiếu niên đối với xã hội, đồng thời cần phải có sự quan tâm giám sát chặt chẽ của cha mẹ, gia đình và các thiết chế xã hội đối với trẻ em, thanh thiếu niên, luật sư Đặng Văn Cường kiến nghị.
Cũng trong ngày 6/8, Công an quận Nam Từ Liêm Hà Nội cho biết, Cơ quan CSĐT Công an quận Nam Từ Liêm đã bắt giữ thêm 2 đối tượng liên quan vụ cướp xe máy của nữ lao công xảy ra vào rạng sáng 3/8 trên địa bàn phường Đại Mỗ.
Ngoài 4 đối tượng gây án đã bị bắt giữ, cảnh sát đã bắt thêm 2 đối tượng gồm: Đối tượng thứ 5 trong vụ án là Nguyễn Huy Hoàng (SN 2000, trú tại phường Trung Phụng, quận Đống Đa, Hà Nội); Đối tượng thứ 6 là Lê Thuỳ Trang (SN 2004, ở phường Trương Định, quận Hoàng Mai, Hà Nội).
Hai đối tượng bị bắt giữ để điều tra về hành vi không tố giác tội phạm trong vụ án cướp xe máy của nữ lao công Lê Thị Trâm (SN 1982; lao công của tổ môi trường Đại Mỗ, chi nhánh Cầu Diễn thuộc Công ty TNHH một thành viên Môi trường đô thị Hà Nội).
Bàn luận về 2 đối tượng vừa bị bắt giữ để điều tra về hành vi không tố giác tội phạm trong vụ án cướp xe máy của nữ lao công, Luật sư Cường cho biết:
"Tội không tố giác tội phạm là người nào biết rõ một trong các tội phạm được quy định tại Điều 389 của Bộ luật này đang được chuẩn bị, đang hoặc đã được thực hiện mà không tố giác, nếu không thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 19 của Bộ luật này, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm".
Trước đó, ngày 3/8, mạng xã hội lan truyền đoạn video ghi lại hình ảnh 4 thanh niên di chuyển trên 2 xe máy chặn đầu, cướp xe máy của một nữ lao công, mặc người này khóc lóc, cầu xin.
Điều 168. Tội cướp tài sản 1. Người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc hoặc có hành vi khác làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được nhằm chiếm đoạt tài sản, thì bị phạt tù từ 3 năm đến 10 năm. 2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 7 năm đến 15 năm: a) Có tổ chức; b) Có tính chất chuyên nghiệp; c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30%; d) Sử dụng vũ khí, phương tiện hoặc thủ đoạn nguy hiểm khác; đ) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50 triệu đồng đến dưới 200 triệu đồng; e) Phạm tội đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu hoặc người không có khả năng tự vệ; g) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội; h) Tái phạm nguy hiểm. 6. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 100 triệu đồng, phạt quản chế, cấm cư trú từ 1 năm đến 5 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản. |