Cuối tháng 10 ngoái, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã có văn bản chấp thuận tăng vốn điều lệ đối với 21 ngân hàng thương mại cổ phần. Phương thức tăng vốn của các ngân hàng này chủ yếu là phát hành cổ phiếu từ nguồn vốn chủ sở hữu của ngân hàng hoặc phát hành cổ phiếu chia cổ tức cho cổ đông.
Bên cạnh đó, nhà điều hành cũng đã trình Chính phủ xem xét bổ sung vốn Nhà nước cho BIDV từ nguồn lợi nhuận còn lại sau thuế, sau trích lập các quỹ năm 2021, cùng với đó chỉ đạo Vietcombank, VietinBank hoàn thiện lại phương án tăng vốn từ nguồn lợi nhuận còn lại sau thuế, sau trích lập các quỹ năm 2021.
Ảnh minh họa. Nguồn ảnh: Internet.
Ngay từ đầu năm nay, nhiều ngân hàng thương mại đã công bố kế hoạch và phương án tăng vốn điều lệ.
Theo đó, đầu tháng 1, Ngân hàng Quốc Dân (NCB) đã thông báo về việc tăng vốn điều lệ thêm tối đa 6.200 tỷ đồng dưới hình thức phát hành cổ phiếu riêng lẻ. Cụ thể, NCB sẽ phát hành và chào bán 620 triệu cổ phiếu với mệnh giá 10.000 đồng/cổ phiếu. Nếu đợt phát hành này hoàn tất, vốn điều lệ của ngân hàng sẽ tăng từ 5.602 tỷ đồng lên 11.802 tỷ đồng.
Theo kế hoạch, ngân hàng này sẽ thực hiện phát hành ngay sau khi được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận (dự kiến trong quý II). Mục đích của việc tăng vốn điều lệ là để bổ sung nguồn vốn cho hoạt động kinh doanh, tăng cường năng lực tài chính của ngân hàng.
Cùng với NCB, LPBank cũng là ngân hàng có kế hoạch tăng vốn điều lệ từ 20.576 tỷ đồng lên hơn 25.576 tỷ đồng trong năm 2024. Trước đó, NHNN đã chấp thuận cho ngân hàng này tăng vốn điều lệ thêm tối đa 11.385 tỷ đồng theo phương án do Đại hội đồng cổ đông thường niên 2023 thông qua. Bao gồm phát hành hơn 329 triệu cổ phiếu trả cổ tức với tỷ lệ 19% và phát hành thêm cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với giá trị tương đương 5.000 tỷ đồng.
Sau giao dịch, nhà băng này sẽ tiếp tục nằm trong top những ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân có vốn điều lệ lớn nhất hệ thống.
Cũng trong giai đoạn đầu năm nay, SaigonBank đã thông báo về việc tăng vốn điều lệ thêm 308 tỷ đồng, lên 3.388 tỷ đồng thông qua trả cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 10%.
Đáng chú ý, sau hơn 10 năm, đây là lần đầu tiên SaigonBank mới thực hiện việc tăng vốn điều lệ. Lần gần nhất ngân hàng này tăng vốn đã diễn ra từ năm 2012 khi ngân hàng thực hiện phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu. Trong hơn chục năm qua, vốn điều lệ của SaigonBank đã giữ nguyên mức 3.080 tỷ đồng, thuộc nhóm thấp nhất hệ thống ngân hàng thương mại (chỉ nhỉnh hơn so với PGBank).
Hiện PGBank cũng có kế hoạch tăng vốn điều lệ thêm 1.200 tỷ đồng bằng hình thức phát hành cổ phiếu. PGBank dự kiến sẽ phát hành thêm 120 triệu cổ phiếu để tăng vốn cổ phần từ nguồn vốn chủ sở hữu.
Bên cạnh đó, PGBank còn có kế hoạch phát hành thêm 80 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu theo tỷ lên phân phối 15:4, tương đương cổ đông sở hữu 15 cổ phiếu sẽ được nhận 4 cổ phiếu mới. Thời gian hoàn thành các thủ tục liên quan chậm nhất vào quý III năm 2024. Sau giao dịch, vốn điều lệ của ngân hàng này sẽ tăng từ 3.000 tỷ đồng lên 5.000 tỷ đồng.
Từ cuối năm 2023, NHNN còn chấp thuận chủ trương tăng vốn điều lệ cho một loạt ngân hàng như HDBank, MB, SeABank, ACB, VIB, TPBank, BacABank, VietABank, VietBank, Techcombank, Eximbank, OCB, ABBank, SHB, BVBank, MSB, KienlongBank, NamABank, VPBank.
Việc tăng vốn điều lệ tại các ngân hàng này theo dự kiến cũng sẽ được triển khai mạnh mẽ trong năm 2024 và quy mô vốn điều lệ của ngành ngân hàng sẽ tăng thêm hàng chục nghìn tỷ đồng.
Thực tế, việc sở hữu vốn điều lệ lớn sẽ cho phép các ngân hàng tăng quy mô tài sản, nâng cao năng lực tài chính, mở rộng hơn nữa hoạt động kinh doanh thông qua việc tăng giới hạn được cấp tín dụng.
Do đó, nhiều nhà băng đang đẩy mạnh thực hiện thủ tục để tiến hành trả cổ tức bằng cổ phiếu cho cổ đông theo kế hoạch đã đề ra, qua đó có thêm nguồn lực tăng vốn điều lệ. Tăng vốn điều lệ cũng được coi là mục tiêu trọng tâm được nhiều nhà băng đặt ra trong năm nay.
Cơ quan xếp hạng tín dụng Fitch Ratings cho rằng những năm gần đây Việt Nam ghi nhận tốc độ tăng trưởng tín dụng khá nhanh, đòi hỏi các ngân hàng phải tăng vốn, đảm bảo các tỷ lệ an toàn.
Theo Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025, ngành ngân hàng phấn đấu đến năm 2023, tỷ lệ an toàn vốn của các ngân hàng thương mại phải đạt tối thiểu 10-11%, đến năm 2025 đạt tối thiểu 11-12%.
Cơ quan này cho biết, hệ thống ngân hàng cần bổ sung tới 10,7 tỷ USD vốn (tương đương 2,9% GDP) để đảm bảo dự phòng rủi ro và duy trì hệ số CAR ở mức 10%.
Còn theo dự báo của giới phân tích, trong năm nay, ngành ngân hàng còn phải đối diện với một vài khó khăn như nợ xấu và nợ tiềm ẩn rủi ro có xu hướng tăng. Ngoài ra, ngân hàng vẫn đóng vai trò là trụ cột về vốn để hỗ trợ các doanh nghiệp khôi phục sản xuất, kinh doanh.
Do đó, vốn điều lệ cao sẽ là “bộ đệm” giúp cho các ngân hàng thương mại có thêm nguồn lực để chống chọi với những khó khăn, thách thức, nhất là trong môi trường kinh tế có nhiều biến động như hiện nay.
Theo Tạ Ngọc/ Diễn đàn sự thật
https://www.facebook.com/groups/4054824701243922/posts/7501078166618541/?