Tạ Nhị ·
38 tuần trước
 9397

Vì sao Cao tốc Ven biển Thái Bình - Nam Định đề xuất tăng vốn hơn 1.100 tỷ đồng?

Dự kiến tổng mức đầu tư điều chỉnh của Dự án là 4.984 tỷ đồng tăng 1.112 tỷ đồng so với tổng mức được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và tăng 404 tỷ đồng so với tổng mức trình điều chỉnh lần đầu.

UBND tỉnh Thái Bình vừa có tờ trình gửi Thủ tướng Chính phủ về việc cho phép áp dụng cơ chế đặc thù đối với Dự án BOT đầu tư xây dựng tuyến đường bộ ven biển tỉnh Thái Bình.

Theo đó, UBND tỉnh Thái Bình, với vai trò là cơ quan Nhà nước có thẩm quyền muốn người đứng đầu Chính phủ cho phép áp dụng cơ chế đặc thù đối với Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường bộ ven biển tỉnh Thái Bình, cụ thể là: được phép điều chỉnh tỷ lệ vốn Nhà nước cao hơn tỷ lệ theo chủ trương đầu tư đã được phê duyệt. 

“Đối với với phần vốn nhà nước tăng thêm do điều chỉnh tổng mức đầu tư Dự án, cho phép sử dụng nguồn vốn Trung ương hỗ trợ và nguồn vốn ngân sách tỉnh Thái Bình để thực hiện”, UBND tỉnh Thái Bình đề xuất.

Ảnh minh họa.

Dự án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư tại Quyết định số 348/QĐ-TTg ngày 28/3/2018 với tổng mức đầu tư 3.872 tỷ đồng; trong đó vốn nhà nước tham gia dự án là 2.693 tỷ đồng, tương ứng 66,7% tổng mức đầu tư (gồm: Ngân sách Trung ương 1.100 tỷ đồng, Ngân sách địa phương 1.593 tỷ đồng); vốn BOT (vốn chủ sở hữu và vốn vay) là 1.289 tỷ đồng, tương ứng 33.33%.

Theo Hợp đồng BOT được UBND tỉnh Thái Bình và nhà đầu tư ký ngày 13/2/2019 (trước ngày Luật PPP có hiệu lực), vốn nhà đầu tư tham gia Dự án chiếm tỷ lệ 33,3% tổng mức đầu tư (bao gồm cả lãi vay) để thực hiện xây dựng cầu vượt sông Hồng; vốn nhà nước tham gia Dự án chiếm tỷ lệ 66,7% tổng mức đầu tư (bao gồm cả lãi vay) để thực hiện giải phóng mặt bằng, xây dựng toàn bộ phần đường, các cầu còn lại của dự án và thanh toán chi phí do cơ quan Nhà nước tổ chức thực hiện.

Khi triển khai thực hiện Dự án, do ảnh hưởng của các nguyên nhân khách quan, bất khả kháng như: đại dịch Covid-19, xung đột Nga - Ukraina, khan hiếm nguyên vật liệu (cát) và giá cả các tăng cao; chi phí giải phóng mặt bằng thực tế lớn hơn so với dự kiến (khoảng 250 tỷ đồng), nên tổng mức đầu tư Dự án tăng quá 10% so với tổng mức đầu tư đã được phê duyệt.

Ngày 9/12/2021, UBND tỉnh Thái Bình có Tờ trình số 213/TTr-UBND đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức thẩm định điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án (trong đó điều chỉnh tổng mức đầu tư từ 3.872 tỷ đồng lên 4.580 tỷ đồng và điều chỉnh tỷ lệ vốn nhà nước tham gia dự án tăng từ 66,7% lên 71,8% tổng mức đầu tư).

Tuy nhiên, theo báo cáo của nhà đầu tư tại thời điểm tháng 7/2023, sau khi tính toán lại phương án tài chính của dự án do bổ sung, cập nhật thêm chi phí trượt giá của năm 2022 và khảo sát lại lượng xe của tuyến đường ven biển, dự kiến tổng mức đầu tư điều chỉnh của Dự án là 4.984 tỷ đồng (tăng 1.112 tỷ đồng so với tổng mức được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và tăng 404 tỷ đồng so với tổng mức trình điều chỉnh lần đầu), trong đó vốn nhà nước tham gia dự án 4.233 tỷ đồng (tăng 1.640 tỷ đồng so với số đã được phê duyệt), chiếm 84,9% tổng mức đầu tư điều chỉnh, vốn nhà đầu tư là 751 tỷ đồng (giảm 538 tỷ đồng so với số đã được phê duyệt), chiểm 15,1% tổng mức đầu tư điếu chỉnh.

Trên cơ sở nội dung yêu cầu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Cơ quan thường trực của Hội đồng thẩm định liên ngành) tại Công văn số 4681/BKHBT-GSTĐĐT ngày 12/7/2022 về việc giải trình, bổ sung hồ sơ điều chỉnh Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đàu tư xây dựng tuyến đường bộ ven biển tỉnh Thái Bình theo hợp đồng BOT, UBND tỉnh Thái Bình giao các đơn vị liên quan của tỉnh phối hợp với nhà đầu tư rà soát, giải trình hoàn thiện hồ sơ điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án.

Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường bộ ven biển tỉnh Thái Bình là một trong các dự án trọng điểm của tỉnh Thái Bình; việc đầu tư xây dựng tuyến đường góp phần quan trọng giúp tỉnh Thái Bình kết nối với TP. Hải Phòng, tỉnh Nam Định, các tỉnh ven biển, phía Nam đồng bằng sông Hồng và là động lực thúc đẩy phát triển Khu kinh tế Thái Bình.

Dự án có điểm đầu kết nối với tuyến ven biển TP.Hải Phòng, điểm cuối kết nối với tỉnh Nam Định. Tuyến đường được xây dựng theo quy mô đường cấp III đồng bằng, rộng 12 m với 4 làn xe, vận tốc thiết kế 80 km/h.

Toàn tuyến có 12 cây cầu, trong đó có 5 cầu lớn vượt sông Trà Lý, sông Hồng, sông Diên Hộ, sông Lân 1 và sông Lân 2 cùng 7 cầu trung và nhỏ. Các cầu lớn được thiết kế bê tông cốt thép dự ứng lực theo công nghệ dầm đúc hẫng, chịu động đất cấp VII, tải trọng và tàu 2.000 DWT.

Về tiến độ thực hiện dự án, đến cuối năm 2022 đã có 9km bàn giao xong mặt bằng và đang triển khi thi công giai đoạn 1; phần còn lại trên địa bàn huyện Thái Thụy và Tiền Hải có chiều dài 34km, đến nay đã thi công khuôn, nền đường được trên 25km.

Nhằm đảm bảo tiến độ đã đặt ra, cử tri tỉnh Thái Bình đã có kiến nghị gửi tới Bộ GTVT mong muốn cơ quan chức năng chỉ đạo đẩy nhanh quá trình thi công tuyến đường, hạn chế thấp nhất gây ảnh hưởng đến môi trường, nguồn nước cung cấp nuôi trồng thủy hải sản và cuộc sống của nhân dân.

Ước tính, tuyến đường sau khi hoàn thiện sẽ rút ngắn thời gian di chuyển từ khu kinh tế Thái Bình đến Hải Phòng chỉ 40 phút lái xe, đến sân bay quốc tế Cát Bi chỉ 55 phút, đến cảng quốc tế Lạch Huyện còn 60 phút. Thời gian di chuyển từ Thái Bình đi Hạ Long còn 90 phút thay vì 2,5 giờ như trước đây, đến sân bay Vân Đồn chỉ 150 phút và và cửa khẩu Móng Cái còn 180 phút.

Bên cạnh đó, tuyến đường ven biển Thái Bình cũng là tiền đề giúp nâng cao hiệu quả trong việc sử dụng tài nguyên biển và mở rộng, phát triển ngành du lịch toàn tỉnh một cách thuận lợi, đồng bộ.

Theo Tạ Nhị/Diễn Đàn Sự Thật

https://www.facebook.com/groups/4054824701243922/posts/6731615730231459/