Dưới đây là những điều bạn cần biết về văn hoá và quy tắc phân loại rác thải ở một số quốc gia nổi tiếng với hệ thống phân loại rác thải thú vị của họ.
Đức - Quốc gia đi đầu trong cuộc đua tái chế rác thải trên thế giới
Theo Eunomia, Đức được coi là quốc gia tái chế số 1 thế giới và có cách phân loại rác khá chi tiết - tùy theo màu sắc, chất liệu, loại rác bạn muốn vứt đi sẽ có một loại thùng rác riêng để chứa.
Thường sẽ có 6 loại thùng rác được đặt ở nơi công cộng và được đặt ở khu căn hộ/nhà ở của người Đức:
Đối với thùng rác màu xanh - để đựng giấy và bìa cứng; thùng màu xanh lá cây và màu trắng - dành để đựng thủy tinh, các thùng khác nhau cho các màu thủy tinh khác nhau; Thùng màu vàng / cam - dành cho nhựa và kim loại; Thùng màu nâu - hàng hóa phân hủy sinh học và thùng màu xám / đen – rác thải không thể tái chế, chất thải động vật và tro.
Các loại thùng rác ở Đức (Nguồn: Grasshopper files)
Ngoài ra, có một số loại vật dụng đã qua sử dụng không được vứt vào thùng rác công cộng như: pin, thiết bị điện tử, sơn chưa sử dụng, bóng đèn và thiết bị gia dụng phải được trả lại cho các đại lý, địa điểm đặc biệt để chúng có thể được tái chế. Các loại đồ dùng khác như quần áo, giày dép, thùng rác và đồ đạc quá khổ nên được bán hoặc quyên góp.
Có một thứ được gọi là Pfand ở Đức, người tiêu dùng phải trả thêm tiền cọc cùng với tiền đồ uống đóng chai và sẽ được hoàn lại tiền cọc nếu họ mang chai đó cho một cửa hàng được chứng nhận. Luật pháp của Đức yêu cầu tất cả các cửa hàng bán đồ uống đóng chai trên một quy mô nhất định phải có Pfandrückgabestelle hoặc nơi trả lại chai có đặt cọc.
Hàn Quốc - Mô hình giảm thiểu rác thải điển hình
Hàn Quốc là một trong những quốc gia có thể thay đổi hoàn toàn suy nghĩ của người dân về việc phân loại rác thải và quản lý rác thải trong vòng chưa đầy một thập kỷ.
Người Hàn Quốc ngày nay rất ủng hộ ý tưởng phân loại và tái chế rác thải.
Đây là một số ví dụ về vấn đề quản lý rác thải ở Hàn Quốc:
Sẽ có người quản lý trong khu dân cư làm nhiệm vụ kiểm tra việc phân loại rác thải của cư dân. Việc không tuân thủ các quy tắc phân loại rác liên tục có thể dẫn đến việc cư dân đó buộc phải di dời.
Những ai sử dụng túi rác không đúng quy định sẽ bị phạt với mức phí phạt lên đến một triệu won (1.650 đô la). Chính phủ của họ đã đưa ra phần thưởng bằng tiền cho những ai tiết lộ thông tin về danh tính của những người phạm tội.
Người Hàn Quốc trước đây cũng không thực sự quan tâm đến cách phân loại rác thải của họ, nhưng vào năm 1995, chính phủ của họ đã đi một con đường khác với hầu hết các quốc gia khác, họ thiết lập một tiêu chuẩn quản lý chất thải có hệ thống và nghiêm ngặt để đảm bảo sự ổn định cho nền kinh tế của họ trong tương lai.
Một trong những công nghệ đáng chú ý nhất mà người Hàn Quốc sử dụng trong hệ thống quản lý chất thải của họ là thùng rác thực phẩm điện tử được trang bị RFID (Nhận dạng tần số - Radio-Frequency Identification).
Mọi người sẽ phải chạm thẻ căn cước của mình trước khi có thể vứt rác vào thùng rác công cộng. Sau đó thùng rác sẽ đo trọng lượng của rác, tính toán và cộng dồn lại, sau đó gửi hóa đơn rác cho mỗi người.
Gần giống với Đức, ở Hàn Quốc cũng có các khu vực đổ rác công cộng trong các khu dân cư và được phân loại như sau:
Phân loại rác ở Hàn Quốc/Nguồn: Mignonne Polard.
Chất thải thực phẩm, bất cứ thứ gì động vật có thể ăn được; chất thải có thể tái chế; rác thải quá khổ, chủ yếu là đồ điện tử và đồ nội thất; chất thải chung, bất cứ thứ gì không thuộc các loại khác
Mỗi quận ở Hàn Quốc đều có túi đựng rác chính thức của riêng mình. Bạn sẽ phải sử dụng loại dành riêng cho nơi bạn sống. Bạn có thể mua túi đựng rác ở siêu thị địa phương.
Tại Hàn Quốc, chi phí thu gom và xử lý rác đã được bao gồm trong giá túi rác mà bạn mua). Đây là lý do tại sao Hàn Quốc đang định giá túi rác của họ dựa trên loại chất thải và khối lượng của nó.
Trung Quốc - phân loại rác được tặng quà
Bắt đầu từ tháng 3/2017 Trung Quốc thực hiện chính sách phân loại rác thải nhưng mới chỉ áp dụng cho các tổ chức, doanh nghiệp và nhà hàng.
Trong đó rác được chia làm 3 loại là chất thải độc hại, chất thải nhà bếp và rác có thể tái chế.
Đến cuối tháng 11/2018, có 12 thành phố đã ban hành luật liên quan và 24 thành phố khác đã thông báo sẽ tham gia chủ trương này.
Các hộ gia đình ở Trung Quốc cũng được khuyến khích tham gia chương trình này bằng các phần thưởng vật chất.
Một máy đổi rác thải đã phân loại lấy điểm thưởng ở TP. Thượng Hải, Trung Quốc./Nguồn: Shanghai Municipal Bureau of Greenery and City Planning.
Khi phân loại rác đúng theo quy chuẩn, các hộ dân sẽ được nhận được điểm thưởng có tác dụng quy đổi thành các phần quà nhu yếu phẩm từ chương trình đổi rác nhận quà.
Phân loại rác thải tại Việt Nam:
Tại Việt Nam, từ 01/01/2022 Luật Bảo vệ môi trường mới đã có hiệu lực quy định: chất thải rắn sinh hoạt từ hộ gia đình, cá nhân phải được phân loại tại nguồn; phí xử lý rác cũng sẽ áp dụng cách tính mới theo khối lượng, thay vì bình quân như từ trước tới nay. Nghĩa là thải bao nhiêu rác trả tiền bấy nhiêu. Các hộ gia đình, cá nhân phải thực hiện việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt thành 3 nhóm. Nhóm một là chất thải rắn có khả năng tái sử dụng hoặc tái chế; hai là chất thải hữu cơ (thực phẩm) và ba là chất thải vô cơ (không tái chế).
Phân loại rác thải ở Việt Nam/Nguồn: Internet
Mỗi quốc gia sẽ có một cách thực hiện riêng trong vấn đề phân loại rác thải để phù hợp với hướng phát triển của họ trong tương lại. Với một quốc gia đang trên đà phát triển như Việt Nam, chúng ta cần học hỏi những bài học, phương pháp hữu ích từ các nước tiên tiến đi trước và cũng đồng thời tạo ra lối đi riêng phù hợp trong quá trình phân loại rác thải – thói quen đơn giản khởi đầu kinh tế tuần hoàn.