Minh Anh ·
1 năm trước
 8142

Các vụ cháy lớn tại Hà Nội là do đâu?

Từ năm 2018 đến nay, trên địa bàn Hà Nội sảy ra 2.044 vụ cháy nổ, trong đó có 1.562 vụ liên quan đến hệ thống điện, chiếm 76,4%.

Hơn 1.500 vụ cháy liên quan đến điện

Tại Hội nghị tăng cường công tác đảm bảo an toàn phòng cháy, chữa cháy trong quản lý, sử dụng điện trên địa bàn của UBND TP Hà Nội chiều 19/4, theo báo cáo của Công an Hà Nội, từ năm 2018 đến hết ngày 14/3/2023, trên địa bàn thành phố xảy ra 2.044 vụ cháy. Trong đó, 35 vụ cháy lớn, 37 vụ cháy nghiêm trọng, 10 vụ cháy lớn gây thiệt hại nghiêm trọng, 660 vụ cháy trung bình, 1240 vụ cháy nhỏ, 62 vụ cháy rừng.

Đáng lưu ý, trong số 2.044 vụ cháy, nổ có 1.562 vụ liên quan đến hệ thống điện, chiếm 76,4% tổng số vụ cháy. Ngoài ra, còn có hàng nghìn vụ chập điện.

Hiện trường vụ cháy tại Công ty cổ phần Bóng đèn phích nước Rạng Đông (quận Thanh Xuân) ngày 28.8.2019. (Ảnh:ITN)

Chập điện, sự cố thiết bị điện là nguyên nhân gây ra một số vụ cháy gây thiệt hại nghiêm trọng, như: Vụ cháy quán karaoke Isis (quận Cầu Giấy) ngày 1.8.2022 khiến 3 cảnh sát hi sinh; vụ cháy nhà ở kết hợp kinh doanh tại phố Tôn Đức Thắng (quận Đống Đa) ngày 4.4.2021 khiến 4 người thiệt mạng; vụ cháy tại Công ty cổ phần Bóng đèn phích nước Rạng Đông (quận Thanh Xuân) ngày 28.8.2019; vụ cháy tại nhà xưởng ở phố Đại Linh (quận Nam Từ Liêm) ngày 12.4.2019 khiến 8 người thiệt mạng…

Nguyên nhân cháy, nổ của hệ thống điện bên trong nhà, công trình là do việc thiết kế lựa chọn dây dẫn lắp đặt, thiết bị bảo vệ trong nhà, thiết bị sử dụng điện không được kiểm soát, tính toán và lựa chọn phù hợp đúng theo các quy định về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật điện hạ áp.

Hệ thống điện sử dụng tại các cơ quan, nhà máy, xí nghiệp, nhà ở hộ gia đình phần lớn chủ hộ, chủ đầu tư không nắm được các yêu cầu về quy định sử dụng điện an toàn, tiêu chuẩn kỹ thuật trong thiết kế lắp đặt nên không có kiểm soát cho người tư vấn thiết kế, thậm chí không thiết kế, lắp đặt theo chủ quan.

Thiết bị bảo vệ nguồn điện (aptomat) đặc biệt quan trọng không được tính toán kỹ, lựa chọn phù hợp với khả năng cắt dòng điện nên khi có sự cố chập điện, thiết bị bảo vệ không cắt được nguồn dẫn đến duy trì dòng điện phát nhiệt cao sinh ra cháy.

Sự phát triển thiết bị sử dụng điện trong nhà tăng liên tục do điều kiện, đòi hỏi nhu cầu sử dụng, sinh hoạt, sản xuất ngày càng cao trong khi hệ thống điện đã lắp đặt trước đó chưa được hoặc khó nâng cấp, đã xuống cấp dẫn đến quá tải gây chập, gây cháy.

Công an TP Hà Nội cũng nhận định, ý thức một bộ phận người dân còn chủ quan, thiếu ý thức, không ngắt các thiết bị điện không cần thiết ra khỏi nguồn điện khi không ở nhà hoặc quên không ngắt thiết bị sử dụng điện đang vận hành công suất cao khi ra khỏi nhà gây ra nhiều vụ hỏa hoạn liên quan đến sử dụng điện.

Đối với hộ gia đình và các cơ sở kinh doanh nhỏ, lẻ xen cài trong khu dân cư, tình trạng mất an toàn trong sử dụng điện là rất phổ biến. Tuy nhiên, lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH không quản lý trực tiếp, không kiểm tra thường xuyên, trong khi đó quy định của ngành điện lực không quản lý, kiểm tra việc sử dụng điện an toàn của cơ sở, hộ gia đình (sau công tơ). Đây là nguyên nhân tiềm ẩn tiềm ẩn nguy cơ gây chập, cháy đường dây dẫn điện, các thiết bị tiêu thụ, bảo vệ điện.

Sửa đổi Luật Phòng cháy và chữa cháy sát với thực tiễn

Tính từ năm 2018 đến nay, thành phố đã thành lập 35 đoàn kiểm tra liên ngành, tổ chức kiểm tra an toàn phòng cháy, chữa cháy đối với 425 cơ sở, qua đó phát hiện và kiến nghị 868 tồn tại, thiếu sót về phòng cháy, chữa cháy, lập 160 biên bản xử phạt vi phạm hành chính, ban hành 160 quyết định xử lý vi phạm hành chính với tổng số tiền phạt hàng tỉ đồng.

Từ những khó khăn, bất cập, thành phố Hà Nội kiến nghị cần sửa đổi Luật Phòng cháy và chữa cháy sát với thực tiễn, thực trạng, tình hình và dự báo xu hướng phát triển các loại hình cơ sở phát sinh yêu cầu về phòng cháy, chữa cháy cho phù hợp với định hướng, cơ cấu phát triển của nền kinh tế - xã hội Việt Nam (đặc biệt là kinh tế hộ gia đình và tư nhân).

Bên cạnh đó, cần sửa đổi Luật Điện lực theo hướng quy định thống nhất với Luật Phòng cháy và chữa cháy về biện pháp ngăn chặn ngừng cấp điện đối với các dự án, công trình đã ra quyết định tạm đình chỉ, đình chỉ hoạt động…

Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Lê Hồng Sơn cho biết, thành phố sẽ nghiên cứu, đề xuất quy định quản lý, kiểm tra, xử lý vi phạm về điện sau công tơ, các quy định về giảm, ngừng cấp điện đối với các công trình, dự án vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy đã bị tạm đình chỉ, đình chỉ hoạt động.

Đánh giá hội nghị đã thẳng thắn nêu rõ các tồn tại, vướng mắc, đồng chí Lê Hồng Sơn đề nghị các sở, ngành, quận, huyện, thị xã, các đoàn thể cần đề ra nhiệm vụ cụ thể, rõ ràng, thể hiện rõ trách nhiệm trong công tác phòng cháy, chữa cháy.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố yêu cầu phân loại khách hàng theo lĩnh vực, địa bàn có nguy cơ cao. Địa bàn nào có nguy cơ cao thì lãnh đạo chính quyền cơ sở phải vào cuộc quyết liệt, chịu trách nhiệm với lãnh đạo thành phố nếu để xảy ra cháy, nổ gây thiệt hại nghiêm trọng.

Theo Tạ Nhị - Diễn Đàn Sự Thật