Kết quả của một nghiên cứu cho thấy loài cầy Mangut thay vì phản ứng ngay lập tức trước một cuộc xung đột, chúng chỉ đơn giản là phớt lờ và âm thầm ghi nhớ thông tin của kẻ bắt nạt để né tránh chúng.
Để nghiên cứu hành vi quản lý xung đột ở cầy Mangut, các nhà khoa học đã dựng lên một cuộc xung đột tranh giành thức ăn giả bằng cách phát lại liên tục một bản ghi âm tiếng kêu mô phỏng của kẻ bắt nạt và nạn nhân suốt buổi chiều.
Họ quan sát được những con khác trong đàn vẫn chỉ chăm chú làm công việc riêng và không thể hiện bất cứ sự tò mò hoặc dao động nào trước cuộc xung đột đang diễn ra.
Các cá thể trong một nhóm cầy Mangut thường chải lông cho nhau để thể hiện sự chăm sóc và giúp nhau xoa dịu căng thẳng. Buổi tối sau cuộc xung đột, tần suất chải lông giữa những thành viên “đứng ngoài” cuộc xung đột bỗng tăng lên đáng kể. Tuy nhiên hành động này lại được thực hiện rất hời hợt với cá thể được chúng xác định là kẻ bắt nạt.
Điều này cho thấy mặc dù chúng thực sự quan tâm và cảm thấy căng thẳng trước cuộc xung đột nhưng chúng đã chọn cách phớt lờ và thể hiện thái độ dè chừng sau đó.
Điều đặc biệt là mặc dù không cần chứng kiến trực tiếp nhưng chúng vẫn có thể xác định được chính xác kẻ bắt nạt chỉ bằng âm thanh phát ra.
Giải quyết xung đột là nhiệm vụ quan trọng buộc tất cả các loài phải thực hiện nếu không sẽ dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng như bị thương, tách đàn, thậm chí là mất mạng. Mỗi loài khác nhau sẽ có cách giải quyết xung đột khác nhau. Phát hiện thú vị này về loài cầy Mangut đã giúp các nhà khoa học mở rộng khái niệm về hành vi quản lý xung đột ở động vật, không chỉ còn là trốn tránh, nhường nhịn, tấn công, thỏa hiệp hay hợp tác như đã biết trước đây.