Nguyễn Khánh ·
2 năm trước
 3311

Cách ly y tế tại khách sạn: Chi phí vận hành đắt đỏ ra sao?

Dịch bệnh bùng phát, chính phủ nhiều nước đã tận dụng khách sạn để cách ly những người trở về từ vùng dịch, qua đó hỗ trợ ngành dịch vụ trong nước. Và tại Việt Nam cũng vậy, tuy nhiên, có một câu hỏi rằng chi phí cách ly tại khách sạn có đắt đỏ?

Chính quyền bang Victoria của Australia bắt đầu sử dụng khách sạn Brady nằm ở trung tâm TP. Melbourne như là một địa điểm cách ly tập trung cho những người bị Covid-19 và những người thân mà không thể cách ly tại nhà.

Không chỉ công dân trở về từ nước ngoài, mà ngay cả những người đang sống tại bang này  được xác định bị Covid-19 cũng có thể đến khách sạn để cách ly tập trung. Biện pháp này được cho là sẽ hạn chế sự lây lan của Covid-19 ra cộng đồng. 

cách ly tại khách sạn

Nhiều nước sử dụng khách sạn làm nơi cách ly

Tại TP.HCM, lượng khách sạn tham gia cung ứng dịch vụ cách ly tập trung có thu phí cũng tăng lên, tập trung nhiều ở quận 1, quận 7 và quận Tân Bình, TP.HCM. 

Nếu như cuối tháng 10/2020, trên địa bàn TP.HCM mới chỉ có 14 khách sạn được Ủy ban nhân dân TP.HCM chọn là nơi cách ly y tế tập trung có thu phí, thì đến tháng 5/2021, đã lên tới 41 khách sạn tham gia cung ứng dịch vụ này, đến 21/6/2021 là 46 khách sạn. Đến 01/7/2021 là 49 khách sạn tham gia vào danh sách khu cách ly tập trung có thu phí, chủ yếu ở quận 1, quận 7, quận Tân Bình, cung ứng hơn 3.200 phòng.

khách sạn làm nơi cách ly

Các khách sạn tham gia cung ứng dịch vụ cách ly tập trung có thu phí tại TP HCM

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM cho biết, các khách sạn sử dụng làm khu cách ly có thu phí phải bảo đảm đáp ứng các yêu cầu về bố trí, sắp xếp các khu vực phục vụ cách ly tại khách sạn; bảo đảm cơ sở vật chất, dịch vụ vệ sinh buồng phòng, ăn uống, giặt ủi, khử khuẩn,… phục vụ nhu cầu của người được cách ly; bảo đảm tập huấn toàn bộ nhân viên khách sạn phục vụ cách ly; phổ biến quy định cách ly y tế tại khu vực tiếp đón và từng phòng nghỉ cách ly; phát khẩu trang y tế cho người được cách ly trong suốt thời gian lưu trú tại khách sạn.

"Nhu cầu cách ly tập trung đến từ nguồn khách nhập cảnh, chuyên gia quốc tế, nhà đầu tư nước ngoài, quan chức nhà nước, khách trong nước, quan chức và một phần đội ngũ tiếp ứng chống dịch đến từ các tỉnh, thành phố khác nhằm giúp TP.HCM khống chế sự lây lan COVID-19 trong cộng đồng... nhu cầu cách ly tại khách sạn đang gia tăng", Savills Việt Nam nhận định.

Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Đức Quỳnh, Tổng Giám đốc Furama Đà Nẵng, cho rằng, Việt Nam đã áp dụng mô hình các khu cách ly cho người nhập cảnh dành cho người dân tự nguyện trả chi phí. Đối với khách sạn làm khu cách ly cho các ca bệnh như trên, ngoài việc người dân tự nguyện đóng góp, cần có sự hỗ trợ chi phí của Nhà nước. Song, đề xuất này phù hợp hơn với các khách sạn nhỏ, ít phòng, ít sao. Các khách sạn 4-5 sao khó khả thi bởi chi phí hậu cần rất lớn.

Tuy nhiên, các khách sạn sẽ gặp rủi ro về dịch bệnh và vận hành cũng tốn kém hơn. Để các khách sạn tham gia vào mô hình này, cơ quan chức năng cần có những chính sách ưu tiên cho nhân viên khách sạn được tiêm vắc xin, hỗ trợ chi phí cho họ khi làm việc tại khu vực cách ly, 

Lãnh đạo một khách sạn tại Hà Nội cho hay, khách sạn đã phải cầm cự hoạt động và lỗ nặng trong hơn 1 năm qua. Việc tiếp tục duy trì hoạt động để làm điểm cách ly là rất khó khăn. Với mức giá hỗ trợ của nhà nước, chỉ phòng 2 giường là có thể tính toán, còn phòng 1 giường thì khách sạn sẽ lỗ. 

Ông kiến nghị, có thể vận động khách sạn tham gia, nhưng giá cả do thị trường quyết định, còn cơ quan quản lý sẽ kiểm tra việc tuân thủ, đáp ứng quy định về phòng chống dịch. Khi đó, khách sạn có nguồn thu để duy trì hoạt động, đồng thời cũng giảm tải gánh nặng về điểm lưu trú, điểm cách ly với nhà nước.