Hà Lan ·
2 năm trước
 6064

Cần có giải pháp để xây dựng các đô thị theo hướng đô thị xanh, văn minh, có bản sắc

Sáng 17/6, Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Nguyễn Đức Hiển khẳng định, đô thị hóa, phát triển đô thị và phát triển kinh tế đô thị đóng vai trò quan trọng trong quá trình phát triển của mỗi quốc gia, trong đó có Việt Nam. Đô thị hóa gắn kết chặt chẽ với quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và quá trình phát triển nông nghiệp, nông dân và nông thôn.

Tăng tính kết nối giữa các đô thị

Sáng 17/6, tại Hà Nội, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh, Trưởng Ban chỉ đạo xây dựng Đề án "Đô thị hóa, phát triển đô thị và phát triển kinh tế đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045" đã làm việc với tổ biên tập đề án.

Tại buổi làm việc, Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Nguyễn Đức Hiển khẳng định, đô thị hóa, phát triển đô thị và phát triển kinh tế đô thị đóng vai trò quan trọng trong quá trình phát triển của mỗi quốc gia, trong đó có Việt Nam. Đô thị hóa gắn kết chặt chẽ với quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và quá trình phát triển nông nghiệp, nông dân và nông thôn.

Nhận thức được vai trò và tầm quan trọng của đô thị hoá, phát triển đô thị và phát triển kinh tế đô thị, Đảng luôn có sự quan tâm và đã có những chủ trương, chính sách lớn nêu trong các văn kiện Đại hội, nhất là từ Đại hội VI đến nay.

Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh.

Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh.

Tư duy và nhận thức của Đảng ta về đô thị hoá, phát triển đô thị và phát triển kinh tế đô thị đã liên tục được đổi mới và kế thừa hợp lý, qua đó đã bước đầu hình thành hệ thống các chủ trương, chính sách về đô thị hóa, phát triển đô thị và kinh tế đô thị đáp ứng yêu cầu thực tiễn và phù hợp với xu thế phát triển.

Nghị quyết Đại hội đảng lần thứ XIII đã đề ra mục tiêu tỉ lệ đô thị hóa đến năm 2025 đạt 45%, đến năm 2030 đạt khoảng 50%. Báo cáo chính trị của Đại hội cũng xác định các nhiệm vụ: tập trung xây dựng kết cấu hạ tầng và phát triển đô thị; phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn; kết nối nông thôn với đô thị; phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn; kết nối nông thôn với đô thị; xây dựng chiến lược, hoàn thiện thể chế phát triển đô thị và kinh tế đô thị làm động lực phát triển từng vùng và địa phương; tăng cường quản lý đô thị, phát triển các đô thị vệ tinh, hạn chế xu hướng tập trung quá mức vào các đô thị lớn. Xây dựng đô thị hiện đại, văn minh, đô thị thông minh, đa dạng về loại hình, có bản sắc đặc trưng về kiến trúc, văn hoá ở từng địa phương.

Để thực hiện được mục tiêu và triển khai các chủ trương về đô thị hóa, phát triển đô thị và kinh tế đô thị, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã giao cho Ban Kinh tế Trung ương chủ trì, phối hợp với các Bộ, ban, ngành và địa phương thực hiện Đề án "Đô thị hóa, phát triển đô thị và phát triển kinh tế đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045".

Phát biểu chỉ đạo, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh đánh giá cao về những kết quả đã thực hiện của Tổ Biên tập xây dựng đề án, đồng thời quán triệt các nội dung đề án cần tiếp tục được hoàn thiện, trong đó cần lưu ý bám sát các chủ trương, định hướng lớn về đô thị hóa, phát triển đô thị và kinh tế đô thị tại nêu trong các văn kiện của Đại hội đảng lần thứ XIII và tại Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030.

Ông Trần Tuấn Anh cho rằng, đề án cần tập trung làm rõ yêu cầu đẩy nhanh tốc độ, nâng cao chất lượng đô thị hóa và kinh tế đô thị, đề xuất được các cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển hệ thống đô thị hài hòa, phù hợp với tiềm năng, lợi thế của từng vùng, từng địa phương; hoàn thiện thể chế, công cụ quản lý, xây dựng mô hình chính quyền đô thị gắn với quản trị đô thị hiệu quả, nâng cao năng lực cạnh tranh và chất lượng phát triển đô thị cả về kinh tế, xã hội, kết cấu hạ tầng, kiến trúc, nhà ở, chất lượng sống của người dân.

“Về phát triển đô thị, cần có các nhiệm vụ và giải pháp xây dựng các đô thị theo hướng đô thị xanh, văn minh, có bản sắc và có tính tiên phong, dẫn dắt các hoạt động đổi mới sáng tạo, trở thành động lực của phát triển; Tăng tính kết nối giữa các đô thị trong nước và khu vực; gắn kết phát triển đô thị và nông thôn”, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương nhấn mạnh.

Việc phát triển đô thị xanh còn gặp nhiều trở ngại

Tại Việt Nam, khái niệm về đô thị xanh còn khá mới, nhiều người vẫn hiểu đô thị xanh là đô thị có nhiều công viên, cây xanh, mặt nước, khá hơn thì có thêm việc sử dụng năng lượng bằng pin mặt trời cho các tòa nhà và trồng cây xanh trên mái.

GS.TSKH Phạm Ngọc Đăng - Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam cho rằng, nước ta có điều kiện khí hậu nhiệt đới nóng ẩm là môi trường thuận lợi để phát triển không gian xanh đô thị và các công trình kiến trúc xanh. Thuận lợi hơn là có thể học tập, rút kinh nghiệm đi trước từ các nước phát triển để áp dụng vào nước ta.

Tuy nhiên, việc phát triển đô thị xanh ở Việt Nam còn gặp nhiều trở ngại, như hạ tầng kỹ thuật và xã hội còn kém, môi trường nhiều nơi bị ô nhiễm nghiêm trọng, dân số đông nên hạn chế về quỹ đất xây dựng, đội ngũ chuyên gia quy hoạch còn ít và trình độ chưa cao.

Ngay trong chiến lược quy hoạch phát triển hệ thống đô thị của nước ta đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 còn thiếu định hướng phát triển đô thị sinh thái, đô thị xanh, đô thị thích ứng với biến đổi khí hậu, và thực tế cũng chưa xây dựng được bộ tiêu chí về đô thị xanh.

Vì vậy Việt Nam cần nghiên cứu, tham khảo kinh nghiệm quốc tế để đưa ra được khái niệm và các tiêu chuẩn về đô thị xanh.

Chuyên gia này cho rằng, cần rà soát lại hệ thống văn bản pháp luật, quy chuẩn, tiêu chuẩn để bổ sung và hoàn thiện hơn nữa nhằm đáp ứng được nhu cầu phát triển đô thị xanh hiện tại và tương lai. Ngoài cây xanh công cộng, cần quan tâm hơn nữa đến hệ thống cây xanh nằm trong các công trình tư nhân như nhà ở đơn lẻ, cơ quan... Xác định thêm vai trò của sân golf trong đô thị xanh ở hiện tại và tương lai.

Nguồn