Do phát triển vượt tầm kiểm soát của nhà nước, cát sỏi dần trở thành một nguồn tài nguyên khan hiếm. Bởi nguồn thu từ khai thác, buôn bán loại vật liệu này ngày càng trở lên hấp dẫn, lợi nhuận cao nên hoạt động khai thác cát sỏi trái quá mức phát triển với qui mô lớn, gây tổn hại đến môi trường, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân và tiêu tốn tài nguyên, gây sạt lở bờ sông, thay đổi dòng chảy tự nhiên, đe doạ các công trình.
Những dòng sông biến dạng
Việc hút cát quá mức, bừa bãi khiến đáy sông Hồng càng ngày bị hạ thấp, làm dòng chảy biến dạng kéo theo hàng loạt sự cố xói lở bãi sông, đê, kè đoạn thuộc địa bàn huyện Ba Vì, Gia Lâm, Phúc Thọ, Phú Xuyên… Thực tế hiện nay, nhiều vị trí đáy sông Hồng, đoạn qua địa bàn thành phố Hà Nội đã bị sụt 2-3 m so với 5-10 năm trước đây. Cá biệt, tại khu vực kè Sen Hồ (huyện Gia Lâm) có một số vị trí đáy sông bị hạ thấp tới 10 m so với 10 năm trước. Còn tại khu vực cầu Vĩnh Tuy, đáy sông bị hạ thấp khoảng 8 m và không riêng thành phố Hà Nội, các tỉnh nằm trong lưu vực sông Hồng cũng diễn ra tình trạng khai thác cát quá mức, tác động tiêu cực đến môi trường, an sinh xã hội.
Không chỉ đồng bằng sông Hồng, tại các con sông ở Đồng bằng sông Cửu Long cũng đang diễn ra thực trạng tương tự. Hiện hơn 1/2 chiều dài bờ biển của vùng này bị sạt lở, tương đương hơn 300 km. Nguyên nhân là tổng lượng phù sa sông Me Kong giảm một nửa và hoạt động khai thác cát tràn lan trên các sông.
Chuyên gia môi trường Nguyễn Hữu Thiện cho biết, hệ quả của việc khai thác cát khiến đáy sông Tiền và sông Hậu hạ thấp xuống mức trung bình 1,3 m, nước chảy xiết và ăn ngầm bên dưới tạo ra "hàm ếch" rộng, gây sạt lở bờ sông và bờ biển. Về lâu dài nó còn đe dọa nhiều công trình cầu lớn bắc qua các con sông.
Khai thác cát quá mức đang đẩy nhanh quá trình sụt lún tại Đồng bằng Sông Cửu Long.
Trong tương lai, khi có 11 đập ở vùng hạ lưu sông Me Kong gồm 9 đập ở Lào và 2 ở Campuchia, các nghiên cứu đều khẳng định lượng cát về Đồng bằng sông Cửu Long sẽ bị sụt giảm cực kỳ nghiêm trọng. Lúc này chỉ còn lượng cát có từ trong quá khứ và dần chúng cũng sẽ hết.
“Hiện nay, sạt lở bờ sông, bờ biển đang diễn ra khắp nơi ở ĐBSCL mà nguyên nhân chính là do thiếu phù sa và thiếu cát. Nguyên nhân đằng sau sự thiếu hụt phù sa và cát là do các đập thủy điện Mekong chặn phù sa và cát và do khai thác cát trên sông Mekong ở tất cả các quốc gia dọc sông, trong đó nhiều nhất là ở Campuchia và Việt Nam. Nguồn cát đi từ thượng nguồn sông Mekong về đến ĐBSCL mất vài chục năm mới đến nơi vì cát mỗi năm chỉ di chuyển được vài trăm km trong mùa lũ. Do cát di chuyển ở đáy sông nên khi có đập thủy điện chắn ngang sông thì cát sẽ bị chặn lại 100%”, Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện - chuyên gia độc lập nghiên cứu về sinh thái vùng ĐBSCL |
"Cát là một phần lãnh thổ của quốc gia, mất cát tức là lãnh thổ quốc gia đang thu hẹp dần", ông Thiện cảnh báo và cho rằng Việt Nam nên dừng khai thác cát bán.
Cần giải pháp kịp thời
Thực tế việc khai thác cát trái phép trong thời gian qua ngày càng nghiêm trọng tại nhiều địa phương khiến cho môi trường bị ảnh hưởng, gây sạt lở bờ sông, thay đổi dòng chảy tự nhiên, thất thoát tài nguyên, đe doạ các công trình, tác động xấu tới môi trường.
Trước thực tế đó, tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khoá XIV, Đại biểu Thái Trường Giang (Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Cà Mau) đã chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà về vấn nạn khai thác cát trái phép.
Nội dung chất vấn của Đại biểu nêu rõ: “Về vấn đề sạt lở bờ sông, bờ biển ở khu vực Đồng Bằng sông Cửu Long cũng như cả nước, Bộ trưởng có nêu một vấn đề là do chưa đàm phán với các nước láng giềng, đưa phù sa về đồng bằng ít gây ra sói lở. Tuy nhiên, vấn đề khai thác cát, kể cả khai thác trái phép hoặc dù có phép càng ngày càng nghiêm trọng cũng gây sạt lở. Như vậy thì trong khi đàm phán với các quốc gia khác là khó khăn. Trong khi đó, trong tầm tay của chúng ta, việc quản lý việc khai thác cát, sỏi trái phép thì dễ dàng hơn. Vậy thì việc giảm dần cấp phép khai thác cát, thậm chí là cấm tuyệt đối vậy quan điểm của Bộ trưởng về vấn đề này.
Ngay sau chất vấn của đại biểu, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà đã có phần giải trình trước Quốc hội. Bộ trưởng khẳng định đồng tình với kiến nghị của đại biểu đã nêu ra và trên thực tế hiện nay nước ta và các nước đã áp dụng công nghệ, trong đó, tạo luồng để phù sa được nhiều hơn. Tuy nhiên lại không thể đáp ứng được mong muốn. Giữa vấn đề thuỷ điện và vấn đề phù sa, vẫn có những thất thoát. Vấn đề khai thác cát là vấn đề nghiêm trọng.
Bộ Tài nguyên và Môi trường đang chuẩn bị một Nghị định trình Chính phủ quy định toàn diện. Nghị định này sẽ quy định quản lý tổng hợp theo lưu vực, phân định rõ trách nhiệm, phân vùng cấm khai thác.
Việc cấm khai thác cát là không thể vì nhu cầu nạo vét lòng sông cho tàu thuyền đi là nhu cầu tất yếu nên chúng ta vẫn phải thực hiện. Hơn nữa, các mỏ cát mà không khai thác thì nó cũng trôi đi và ảnh hưởng tới giao thông. Nên phải tính toán hài hoà nhất để mà xử lý hợp lý.
Riêng cát sỏi lòng sông, mặc dù đã có Luật Khoáng sản nhưng tháng 2/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị định riêng (Nghị định số 23/2020/NĐ-CP quản lý cát, sỏi lòng sông và bảo vệ lòng, bờ, bãi sông) do tính chất tác động của hoạt động khai thác cát sỏi liên quan đến việc bảo vệ lòng, bờ sông, đặc biệt là sạt lở bờ sông. Nghị định số 23 đã quy định rõ trách nhiệm của Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố khi cấp phép lập quy hoạch thăm dò khai thác cát sỏi lòng sông. Cụ thể, Nghị định quy định trách nhiệm của Ủy ban Nhân dân tỉnh liên quan đến việc khoanh định khu vực cấm, tạm thời cấm hoạt động khai thác cát sỏi.
Theo Đại biểu Thái Trường Giang việc khai thác cát quá hạn ngạch, khai thác trái phép xuất phát từ thực tế, từ nguyên nhân trong khoảng 2 năm gần đây. Nguồn lợi, giá cả vật liệu xây dựng, trong đó có cát đang tăng cao, trong khi đó nguồn nguyên liệu thay thế cho cát xây dựng chưa đáp ứng được. Cùng với đó do lợi nhuận mang lại từ việc khai thác cát rất cao, lợi nhuận tốt nên việc khai thác cát trái phép, không phép, nhiều vấn đề hệ luỵ của nó vẫn diễn ra ở nhiều nơi, ở nhiều địa phương trong cả nước.
Mặt khác, công tác quản lý nhà nước của chúng ta có nơi có lúc còn chưa đủ lớn, không chặt chẽ, lỏng lẻo, ở đâu đó vẫn có những hạn chế, tiêu cực như tôi nói dẫn đến việc khai thác trái phép cát thời gian qua vẫn còn nóng.
Bên cạnh đó để có giải pháp căn cơ cần phải làm rõ vai trò quản lý của chính quyền địa phương, đứng đầu là các cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương, từ cấp tỉnh tới cấp cơ sở để thực hiện đồng bộ và thực hiện nghiêm, thường xuyên, tăng cường kiểm tra để chấn chỉnh thì mới có thể tốt hơn trong thời gian tới. Có như vậy, mới mong giảm thiểu và thực sự chấm dứt tình trạng này.
Vì nguồn tài nguyên cát khai thác mang lại nguồn lợi to lớn cho các đối tượng khai thác lén lút, khai thác lậu, khai thác quá giấy phép cho phép nên họ sẽ tiếp tục bất chấp pháp luật làm. Trong khi lực lượng của chúng ta tương đối mỏng so với yêu cầu quản lý nhà nước về vấn đề này.
Trong khi nhiều quốc gia trên thế giới đã và đang nhận thức những tiêu cực từ việc khai thác cát, ở Việt Nam, tình trạng này vẫn tràn lan với nhiều biến tướng nguy hiểm. Các nhà quản lý, các nhà khoa học nhiều lần cảnh báo rằng, việc buông lỏng quản lý khai thác tài nguyên cát sỏi sẽ là “tai họa thì vô cùng to lớn” ngay sau mỗi mùa mưa, chứ không phải chờ đến mai sau.
Theo Điều 12 của Nghị định 23, Ủy ban Nhân dân tỉnh trước khi cấp phép phải xác định được các vùng nào có nguy cơ sạt lở, khu vực nào đã khoanh vùng cấm cũng như vùng có nguy cơ sạt lở thì Ủy ban Nhân dân tỉnh không được cấp phép khai thác và phải theo dõi. Bên cạnh đó, cũng quy định rõ trách nhiệm của tổ chức muốn được cấp phép khai thác khoáng sản khi đề xuất hồ sơ đề nghị cấp phép khai thác khoáng sản lòng sông thì phải đánh giá được tác động đến lòng bờ sông. |