Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà vừa ký Quyết định số 861/QĐ-TTg ngày 18/7/2023 phê duyệt Quy hoạch hạ tầng dự trữ, cung ứng xăng dầu, khí đốt quốc gia thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến 2050.
Tổng vốn đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng dự trữ, cung ứng xăng dầu khí đốt đến năm 2030 khoảng 270.000 tỷ đồng, gồm vốn ngoài ngân sách, vốn của các doanh nghiệp và các nguồn hợp pháp khác. Nguồn lực nhà nước sẽ dành ưu tiên đầu tư xây dựng hạ tầng dự trữ quốc gia.
Theo đó, quy hoạch nhằm mục tiêu phát triển hệ thống hạ tầng dự trữ, cung ứng xăng dầu, khí đốt quốc gia bao gồm dự trữ chiến lược; dự trữ sản xuất, dự trữ thương mại, vận tải, lưu thông phân phối,... cung ứng đầy đủ, an toàn, liên tục; đảm bảo sức chứa dự trữ dầu thô và sản phẩm xăng dầu cả nước đạt 75-80 ngày nhập ròng, phấn đấu đạt 90 ngày nhập ròng; đảm bảo sức chứa dự trữ khí đốt đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và khí nguyên liệu cho các ngành năng lượng và công nghiệp.
Cụ thể, đối với hạ tầng dự trữ xăng dầu, phấn đấu đáp ứng tối thiểu 20 ngày nhập ròng trong giai đoạn 2021-2030, đến 25 ngày nhập ròng giai đoạn sau năm 2030.
Dự báo, tổng vốn đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng dự trữ, cung ứng xăng dầu khí đốt đến năm 2030 khoảng 270.000 tỷ đồng. (Ảnh minh họa)
Đảm bảo hạ tầng dự trữ thương mại ổn định nhu cầu thị trường trong nước với sức chứa tăng thêm từ 2,5-3,5 triệu m3 trong giai đoạn 2021-2030, đạt sức chứa tới 10,5 triệu m3 giai đoạn sau năm 2030, đáp ứng 30-35 ngày nhập ròng.
Đồng thời, đảm bảo hạ tầng phục vụ dự trữ quốc gia với sức chứa từ 500.000-1 triệu m3 sản phẩm xăng dầu và 1-2 triệu tấn dầu thô, đáp ứng 15-20 ngày nhập ròng trong giai đoạn 2021-2030; đảm bảo sức chứa từ 500.000-800.000 m3 sản phẩm xăng dầu và 2-3 triệu tấn dầu thô, đáp ứng 25-30 ngày nhập ròng trong giai đoạn sau năm 2030.
Đối với hạ tầng dự trữ khí đốt phấn đấu đảm bảo hạ tầng dự trữ đối với LPG sức chứa tới 800.000 tấn giai đoạn 2021-2030 và tới 900.000 tấn giai đoạn sau năm 2030.
Đảm bảo hạ tầng dự trữ LNG đủ năng lực nhập khẩu, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ của thị trường; góp phần đảm bảo cung cấp nhu cầu khí nguyên liệu cho năng lượng và các ngành công nghiệp với công suất kho tới 20 triệu tấn/năm giai đoạn 2021-2030 và tới 40 triệu tấn/năm giai đoạn sau năm 2030.
Bên cạnh đó, phát triển hạ tầng cung ứng xăng dầu, khí đốt đáp ứng nhu cầu vận tải bằng đường ống từ nguồn cung ứng (nhà máy lọc dầu, kho đầu mối xăng dầu, trạm phân phối LPG và kho LNG nhập khẩu) tới các trung tâm, hộ tiêu thụ công nghiệp và dân dụng.
Phát triển hệ thống cửa hàng bán lẻ xăng dầu quy mô lớn ở các tuyến đường mới, các khu đô thị mới, có lộ trình giảm số cửa hàng xăng dầu quy mô nhỏ lẻ. Phát triển mới hệ thống dự trữ xăng dầu quy mô phù hợp với nhu cầu tiêu thụ của từng vùng, địa phương theo từng giai đoạn tại các khu vực có lợi thế về cảng biển nước sâu và thuận lợi về kết nối với hệ thống cung ứng, đáp ứng nhu cầu dự trữ thương mại và dự trữ quốc gia.
Trước đó, Luật Dự trữ quốc gia đã có một điều khoản riêng quy định về dự trữ xăng dầu. Năm 2022, Quốc hội đã thông qua Luật Dầu khí (sửa đổi). Trong Luật Dầu khí (sửa đổi) cũng có các cơ chế, chính sách để phát triển hệ thống khai thác và dự trữ xăng dầu, trong đó có 4 khâu được nhấn mạnh bao gồm: Khai thác, chế biến, dự trữ và phân phối xăng dầu.
Đề cập đến hệ lụy của sự “đứt gãy” chuỗi cung ứng xăng dầu, Lưu Bình Nhưỡng - Phó Trưởng ban Dân nguyện của Quốc hội cho rằng: Nếu thiếu xăng dầu, hệ lụy vô cùng lớn, ngay chỉ “đứt gãy” cục bộ cũng gây ảnh hưởng rất lớn.
Trước hết là về kinh tế, những ngành trực tiếp sử dụng xăng dầu sẽ bị ảnh hưởng lớn đầu tiên, trong đó có các ngành giao thông vận tải, thủy sản, khai thác khoáng sản... Hoặc một loạt các ngành khác sử dụng các máy móc, thiết bị dùng xăng dầu cũng sẽ bị ảnh hưởng.
Đặc biệt, nếu giao thông vận tải bị gián đoạn sẽ gây ra hệ lụy cho tất cả các lĩnh vực sản xuất khác, từ đó sẽ ảnh hưởng đến các mục tiêu tăng trưởng, đặc biệt là tăng trưởng GDP.
Với bối cảnh sau đại dịch Covid-19, nước ta đặt ra mục tiêu phục hồi kinh tế rất cao. Thế nhưng, việc “đứt gãy” chuỗi cung ứng xăng dầu vừa qua cũng làm cho đà tăng trưởng chậm lại và gây ra những hệ lụy rất lớn trong phát triển kinh tế.
Theo Bộ Công Thương, 30 doanh nghiệp đầu mối xăng dầu chiếm khoảng 98% quy mô sức chứa của hệ thống. Trong đó, các doanh nghiệp có vốn nhà nước có tổng sức chứa trên 3 triệu m3, chiếm 63% tổng sức chứa, chủ lực là Petrolimex, PVOIL và MIPECORP. Các doanh nghiệp ngoài dân doanh có tổng sức chứa khoảng 2 triệu m3, chiếm 37%. |