Hải Anh ·
3 năm trước
 2347

Cạn kiệt nguồn tiền, hàng nghìn doanh nghiệp chỉ còn có thể duy trì dưới 1 tháng

Dịch bệnh ảnh hưởng mạnh mẽ đến khả năng hoạt động liên tục của doanh nghiệp. Theo khảo sát, số doanh nghiệp phải tạm dừng hoạt động và chỉ còn dòng tiền để duy trì "ít hơn 1 tháng" chiếm đến gần 40%.

Tình hình sức khỏe doanh nghiệp được chỉ ra qua khảo sát khi có gần 32,5% doanh nghiệp là diện "tự nguyện ngừng hoạt động sản xuất kinh doanh chờ hết đợt dịch bùng phát", gần 2,5% doanh nghiệp "buộc phải đóng cửa do có người bị mắc Covid-19" và hơn 6% doanh nghiệp buộc phải ngừng hoạt động khi các địa phương áp dụng chỉ thị 15, chỉ thị 16/16+.

Có thể thấy, dịch bệnh ảnh hưởng mạnh mẽ đến khả năng hoạt động liên tục của doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp bị đứt gãy chuỗi cung ứng ngay trong nước, tỉ lệ này chiếm tới 35,4%. Điều này khiến điều kiện sản xuất trong nước sa sút và ngày càng trở nên trầm trọng hơn, vì các doanh nghiệp không thể tiến hành hoạt động sản xuất kinh doanh để thực hiện các đơn hàng.

doanh nghiệp đứt gãy cung ứng trong dịch

Doanh nghiệp vẫn phải tìm cách giữ chân người lao động. Ảnh minh họa

Số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động sản xuất kinh doanh chủ yếu tập trung ở  TP HCM, Bình Dương và Đồng Nai. Đây cũng là những tỉnh/thành phố có số ca mắc Covid-19 rất cao hiện nay và thực hiện việc giãn cách/cách ly kéo dài.

Do việc thực hiện phong tỏa, cách ly/giãn cách tại nhiều tỉnh/thành phố, đặc biệt là khi dịch bùng phát, các văn bản chỉ đạo của nhiều tỉnh/thành phố, chính quyền địa phương chỉ cho phép "hàng thiết yếu" được lưu thông qua địa bàn, các chốt chặn, kiểm tra được dựng lên trên khắp cung đường với các điều kiện đối với lái xe, hàng hóa được lưu thông khác nhau.

Đáng chú ý, số doanh nghiệp phải tạm dừng hoạt động và chỉ còn dòng tiền để duy trì "ít hơn 1 tháng" chiếm khá cao, gần 40% và gấp 2,5 lần với các doanh nghiệp đang "duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh".

Hộ kinh doanh là đối tượng bị tổn thương nhiều nhất khi có tới 45% chỉ còn dòng tiền để duy trì trong 1 tháng, tiếp đến là doanh nghiệp tư nhân chiếm gần 40% và doanh nghiệp nhà nước chiếm 30%…

Có khoảng 46% doanh nghiệp có thể kéo dài duy trì hoạt động dưới 3 tháng, cho thấy việc doanh nghiệp có tiếp tục tồn tại hay không phụ thuộc khá nhiều vào khả năng được phép hoạt động trở lại hay không.

Để giải quyết khó khăn do dòng tiền, doanh nghiệp chọn giải pháp giảm chi phí hoạt động như cắt giảm lao động, tiền lương, tổ chức lại sản xuất hoặc đi vay từ ngân hàng và các tổ chức khác.

Tuy vậy, doanh nghiệp vẫn phải đối mặt với những khó khăn như trả tiền lương, lãi vay ngân hàng, trả tiền thuê đất, kho bãi, nhà xưởng, thuê văn phòng, cũng như phải đóng các khoản bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, kinh phí công đoàn, trả nợ gốc cho ngân hàng, thanh toán chi phí đầu vào như nguyên liệu, điện, nước… Bởi vậy, nhiều doanh nghiệp không còn lựa chọn nào khác ngoài việc tuyên bố giải thể. 

Do đó, doanh nghiệp kiến nghị được hỗ trợ trực tiếp như thuế, phí, lệ phí, lãi vay ngân hàng…; đảm bảo chuỗi cung ứng vận hành thông suốt để thực hiện các đơn hàng; có biện pháp giãn cách phù hợp, chủ động xét nghiệm, đảm bảo thông suốt đi lại...