TM ·
2 năm trước
 1510

Cần thêm nhiều chính sách để bảo đảm về tài chính khí hậu

Nguồn tài chính khí hậu đến nay ở dưới mức đề ra, trong khi sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế đối với quản lý rủi ro liên quan đến khí hậu còn hạn chế. Thế giới sẽ phải cần đến hàng nghìn tỷ USD để giải quyết thách thức với biến đổi khí hậu.

Nguồn tài chính khí hậu ở dưới mức đề ra

Ngày 9/3, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã họp theo thể thức Arria về chủ đề “Đóng góp tài chính khí hậu trong việc giữ vững hòa bình và an ninh,” dưới sự chủ trì của ông Sultan Al-Jaber, đặc phái viên về biến đổi khí hậu kiêm Bộ trưởng Công nghiệp và Công nghệ của Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) - nước Chủ tịch Hội đồng Bảo an tháng 3/2022.

Phiên họp có sự tham dự của Bộ trưởng Ngoại giao Antigua và Barbua, Quốc vụ khanh Bộ Ngoại Anh, Chủ tịch Hội nghị Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 26 (COP26), đặc phái viên của Tổng thống Mỹ về khí hậu, Giám đốc điều hành Quỹ Khí hậu xanh cùng đại diện hơn 50 quốc gia thành viên Liên hợp quốc.

Cần thêm nhiều chính sách để bảo đảm về tài chính khí hậu - Ảnh 1
Phiên họp Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc diễn ra với nội dung thảo luận về biến đổi khí hậu. (Ảnh: Báo Quốc tế)

Đại diện các nước và diễn giả đã thảo luận về các kết quả và thách thức trong quá trình triển khai các cam kết về tài chính khí hậu nhằm đóng góp vào việc ngăn ngừa xung đột, duy trì ổn định và xây dựng hòa bình.

Các diễn giả cho rằng nguồn tài chính khí hậu được huy động đến nay còn ở dưới mức đề ra, trong khi sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế đối với tiến trình xây dựng hòa bình và quản lý rủi ro liên quan đến khí hậu còn hạn chế.

Về vai trò của Hội đồng Bảo an, đại đa số ý kiến ủng hộ Hội đồng Bảo an tiếp cận và giải quyết khía cạnh an ninh của vấn đề này một cách toàn diện, trong đó có mối liên hệ với tài chính khí hậu. Một số nước khác kêu gọi Hội đồng Bảo an sớm đạt đồng thuận để thông qua một nghị quyết nhằm ứng phó với các thách thức về an ninh do sự tác động của biến đổi khí hậu.

Cần thêm nhiều chính sách để bảo đảm về tài chính khí hậu - Ảnh 2
Tham tán Công sứ Lê Thị Minh Thoa. (Ảnh: Internet)

Phát biểu tại cuộc họp, Tham tán Công sứ Lê Thị Minh Thoa, Phó Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc, chia sẻ quan ngại về các thách thức của biến đổi khí hậu, khiến hàng chục triệu người bị mất nhà cửa, làm trầm trọng thêm các thách thức an ninh xuyên biên giới, nhất là tại những khu vực chịu ảnh hưởng của xung đột.

Đại diện Việt Nam nhấn mạnh tầm quan trọng của bảo đảm công bằng và công lý trong ứng phó với biến đổi khí hậu, trong đó các cam kết tài chính khí hậu phải được thực hiện đầy đủ trên cơ sở trách nhiệm chung nhưng khác biệt.

Nhu cầu và ưu tiên của các nước đang phát triển, đặc biệt là những nước đang bị ảnh hưởng xung đột phải được xem xét một cách đầy đủ.

Đại diện Việt Nam kêu gọi tăng cường quan hệ đối tác và phối hợp trong toàn hệ thống Liên hợp quốc để giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu, ủng hộ Hội đồng Bảo an tiếp tục thảo luận về an ninh khí hậu, vai trò của tài chính khí hậu trong ngăn ngừa xung đột, gìn giữ hòa bình, hỗ trợ nhân đạo và tái thiết sau xung đột.

Đại diện Việt Nam nhấn mạnh là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, Việt Nam đang nỗ lực giảm thiểu các tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu và bảo đảm mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Việt Nam cam kết sẽ tiếp tục tham gia các nỗ lực quốc tế, thúc đẩy quan hệ đối tác và tài chính khí hậu để ứng phó biến đổi khí hậu.

Họp theo thế thức Arria là hình thức họp không chính thức của Hội đồng Bảo an nhằm thảo luận về các vấn đề quan trọng, mới nổi, có sự tham gia của các nước thành viên Hội đồng Bảo an cũng như các thành viên Liên hợp quốc ngoài Hội đồng Bảo an, các tổ chức quốc tế, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực liên quan.

Các quốc gia nghèo nhất đang hứng chịu hậu quả nặng nhất của biến đổi khí hậu

Các quốc gia nghèo nhất trên thế giới đã và đang chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi các hiểm họa khí hậu và các hiện tượng thời tiết cực đoan do biến đổi khí hậu gây ra. Và các nước châu Phi nằm trong nhóm những quốc gia dễ bị tổn thương nhất bởi những tác động đó đối với an ninh lương thực, kinh tế, sức khỏe và hệ sinh thái.

Chính phủ các nước châu Phi ước tính rằng họ cần ít nhất 7,4 tỷ USD mỗi năm cho đến năm 2020. Khoản tài chính này thậm chí dự kiến ​​sẽ cần phải tăng nhiều hơn nữa, ước tính lên đến hàng chục tỷ USD mỗi năm cho đến năm 2050, trong bối cảnh tình trạng nóng lên toàn cầu vẫn gia tăng.

Rõ ràng là các quốc gia nghèo nhất trên thế giới sẽ bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi các hiểm họa khí hậu và các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt. Niger, Somalia, Chad, Sudan và Liberia nằm trong số các quốc gia dễ bị tổn thương nhất trên thế giới. Tuy nhiên, họ chỉ nhận được dưới mức 5 USD/người/năm cho các hoạt động thích ứng với các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt.

Vào năm 2009, lần đầu tiên con số 100 tỷ USD đã được nhắc đến khi các nước giàu có cam kết đóng góp khoản tài trợ này mỗi năm để giúp các nước nghèo thích ứng biến đổi khí hậu và đặt mục tiêu thực hiện đến năm 2020. Tuy nhiên, mục tiêu này đã bị bỏ lỡ với việc Chủ tịch COP26 Alok Sharma thừa nhận, mục tiêu này khó có thể thực hiện trước năm 2023.

Bà Teresa Anderson, điều phối viên về chính sách khí hậu của Tổ chức ActionAid cho rằng, việc đáp ứng mục tiêu 100 tỷ USD/năm "là điều cần thiết tối thiểu để xây dựng lòng tin" trong các cuộc đàm phán về khí hậu.

Trong khi đó, cựu Bộ trưởng Môi trường Canada Jonathan Wilkinson, một trong những đồng tác giả soạn thảo kế hoạch trên cho biết, sẽ phải cần đến hàng nghìn tỷ USD để giải quyết thách thức liên quan đến cả giảm thiểu phát thải và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Ông Wilkinson cho rằng khu vực tư nhân cần phải đóng vai trò nhiều hơn nữa, bởi vì nhiều dự án trong khu vực này, đặc biệt là các dự án năng lượng tái tạo đang mang lại nhiều lợi ích kinh tế hơn cho khối tư nhân.

Nguyễn Linh (T/h)

Nguồn: Kinh tế Môi trường