Huyền My ·
1 năm trước
 3607

Cần thiết ban hành danh mục công nghệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt khuyến khích áp dụng

Trong thời gian tới, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ ban hành danh mục công nghệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt khuyến khích áp dụng; hướng dẫn mô hình xử lý chất thải rắn sinh hoạt tại đô thị và nông thôn làm cơ sở cho các địa phương lựa chọn.

Khó khăn trong lựa chọn công nghệ xử lý

Theo báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường, thời gian qua, chất thải rắn sinh hoạt phát sinh ở các đô thị trên toàn quốc tăng trung bình 10-16% mỗi năm. Mặc dù, tỷ lệ thu gom vẫn tăng hằng năm, nhưng do lượng phát sinh lớn, năng lực thu gom còn hạn chế, ý thức cộng đồng chưa cao nên tỷ lệ thu gom, xử lý chất thải, đặc biệt là chất thải rắn sinh hoạt tại nhiều địa phương còn thấp. 

Phần lớn tổng lượng chất thải vẫn được xử lý bằng phương pháp chôn lấp (chiếm đến 71%) nhưng chỉ có 20% là bãi chôn lấp hợp vệ sinh. Đây là áp lực rất lớn trong bối cảnh quỹ đất dành cho việc chôn lấp rác tại các địa phương đã ngày càng hạn hẹp.

Theo Tổng cục Môi trường, mỗi ngày cả nước thải ra khoảng 60.000 tấn rác thải rắn sinh hoạt, trong đó khu vực đô thị chiếm 60%. Đến năm 2025, tỷ lệ phát sinh chất thải rắn sinh hoạt dự báo tăng 10-16%/năm. Công nghệ xử lý rác thải chính hiện nay vẫn là chôn lấp với khoảng 70%, khoảng 10% rác được tái chế, còn lại áp dụng các hình thức khác.

Rác thải ở Việt Nam khó xử lý hiệu quả do không phân loại, độ ẩm cao, trong khi đơn giá xử lý quá thấp. Tại các nước châu Âu, rác thải có độ ẩm 20%, còn ở Việt Nam lên đến 60-70%.

Theo ý kiến của các chuyên gia, hiện nay các địa phương rất quan tâm trong việc đầu tư các nhà máy xử lý rác thải. Tuy nhiên, vấn đề khó khăn là việc lựa chọn công nghệ xử lý để đạt hiệu quả. Do đó, cấp thiết ban hành hướng dẫn về công nghệ xử lý rác thải hiệu quả, không gây ô nhiễm môi trường để các địa phương căn cứ xem xét lựa chọn thực hiện các dự án đầu tư.

Trong khi đó, ông Nguyễn Quang Huân, Ủy viên Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, bày tỏ nghi ngại khi đốt rác phát điện. Bởi công nghệ này vẫn gây ô nhiễm, tức là chỉ làm sạch rác dưới đất và xử lý cho lên không khí. Một số nhà máy cũng đốt rác phát điện, nhưng lượng tro xỉ chôn lấp lên tới 25%, chưa kể 5% khí bụi bay ra ngoài.

Mỗi ngày cả nước thải ra khoảng 60.000 tấn rác thải rắn sinh hoạt, trong đó khu vực đô thị chiếm 60%.

Vì thế Bộ Tài nguyên và Môi trường phải ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về lò đốt, yêu cầu lò đốt rác phải đảm bảo kỹ thuật, loại bỏ lò không đạt tiêu chuẩn. Tuy nhiên, quy chuẩn này cũng đang gây ra một số băn khoăn.

Ông Huân lo ngại viễn cảnh hiệu suất nhà máy xử lý đốt rác không tốt, sản lượng điện thấp dẫn đến phải đóng cửa thì sẽ xảy ra tình trạng rác thải ùn ứ, phải chôn lấp như trước. Trong thời gian tới đây, Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường sẽ chủ trì phiên giải trình chất thải rắn toàn quốc theo nhiệm vụ Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao.

Luật hóa các chính sách cụ thể

Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, theo quy định tại khoản 2 Điều 78 Luật Bảo vệ môi trường 2020, UBND các cấp lựa chọn cơ sở xử lý chất thải rắn sinh hoạt thông qua hình thức đấu thầu theo quy định của pháp luật về đấu thầu; trường hợp không thể lựa chọn thông qua hình thức đấu thầu thì thực hiện theo hình thức đặt hàng hoặc giao nhiệm vụ theo quy định của pháp luật. Như vậy, có thể thấy việc đầu tư cơ sở xử lý chất thải được ưu tiên đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư, đảm bảo công khai, minh bạch.

Hơn nữa, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 41/CT-TTg ngày 01/12/2020 về một số giải pháp cấp bách tăng cường quản lý chất thải rắn. Trong đó giao UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nghiên cứu, thí điểm tổ chức đấu thầu tập trung để lựa chọn các đơn vị cung cấp dịch vụ xử lý rác thải đáp ứng các tiêu chí về công nghệ, kinh tế, xã hội và môi trường; đảm bảo công khai, minh bạch trong chi trả dịch vụ xử lý rác thải; Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài chính xây dựng tiêu chí đấu thầu và hướng dẫn các địa phương thực hiện việc đấu thầu tập trung lựa chọn đơn vị cung cấp dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường và công khai, minh bạch trong công tác quản lý rác thải tại các địa phương.

Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng ban hành tiêu chí về công nghệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt Tại Điều 28 Thông tư số 02/2022/TT-BTNMT ngày 10/01/2022 hướng dẫn thi hành Luật Bảo vệ môi trường, trong đó đã đưa ra các tiêu chí về công nghệ, về môi trường và xã hội, về kinh tế để làm căn cứ lựa chọn là đầu tư.

Trong thời gian tới, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ ban hành danh mục công nghệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt khuyến khích áp dụng; hướng dẫn mô hình xử lý chất thải rắn sinh hoạt tại đô thị và nông thôn làm cơ sở cho các địa phương lựa chọn; Xây dựng định mức kinh tế, kỹ thuật về thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt, trong đó tập trung xây dựng các định mức kinh tế kỹ thuật đối với một số công nghệ xử lý phổ biến như đốt, đốt phát điện và chôn lấp; xây dựng hướng dẫn phân loại chất thải tại nguồn để triển khai Luật Bảo vệ môi trường 2020.

Do vậy, các địa phương cần căn cứ vào các quy định nêu trên và các quy định của Luật đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư để thu hút, lựa chọn nhà đầu tư có công nghệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt phù hợp.

Mới đây nhất, Nghị quyết 138/NQ-CP ngày 25/10/2022 của Chính phủ về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 nêu rõ quy định về sử dụng tài nguyên, bảo vệ môi trường, phòng, chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu.

Trong đó, về định hướng về bảo vệ môi trường, mục tiêu ngăn chặn xu hướng gia tăng ô nhiễm, suy thoái môi trường; giải quyết các vấn đề môi trường cấp bách; từng bước cải thiện, phục hồi chất lượng môi trường; bảo vệ, bảo tồn và phục hồi các hệ sinh thái tự nhiên quan trọng. Bảo vệ môi trường theo hướng tích hợp các hoạt động gồm quản lý, kiểm soát ô nhiễm môi trường, thiết lập hệ thống giám sát chất lượng môi trường.

Bên cạnh đó, ưu tiên xây dựng các khu xử lý chất thải tập trung đồng bộ, hiện đại liên vùng, liên tỉnh, đặc biệt là các cơ sở xử lý chất thải nguy hại; cải tạo, nâng cấp các bãi chôn lấp rác thải không hợp vệ sinh, các khu vực bị ô nhiễm, suy thoái do chất thải rắn đảm bảo yêu cầu bảo vệ môi trường.

Từng bước hạn chế chôn lấp trực tiếp chất thải rắn sinh hoạt; chuyển đổi các bãi chôn lấp trực tiếp chất thải rắn sinh hoạt thành các cơ sở xử lý chất thải rắn sinh hoạt sử dụng công nghệ hiện đại.

Theo đó, mục tiêu đến năm 2030, tỷ lệ chất thải nguy hại được thu gom, vận chuyển và xử lý theo quy định đạt 98%, trong đó riêng tỷ lệ chất thải y tế được xử lý đạt 100%; 95% chất thải rắn sinh hoạt đô thị được thu gom, xử lý theo quy định; tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt đô thị xử lý bằng phương pháp chôn lấp trực tiếp giảm còn 10% so với lượng chất thải được thu gom.

Đầu tư xây dựng, hoàn thiện hạ tầng thu gom, xử lý nước thải của các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu đô thị, khu dân cư tập trung, làng nghề trên các lưu vực sông lớn. Thực hiện xử lý nước thải đạt yêu cầu ở tất cả các khu, cụm công nghiệp, các cơ sở công nghiệp, các bệnh viện.