Ngọc Khôi ·
2 năm trước
 3249

Cần xây dựng thỏa thuận pháp lý toàn cầu về vấn đề ô nhiễm nhựa đại dương

Liên Hợp Quốc đã liên tục đưa ra các cảnh báo về ô nhiễm nhựa, đặc biệt là ô nhiễm nhựa đại dương. Bởi việc sử dụng sản phẩm nhựa, nhất là túi nylon khó phân huỷ đã và đang để lại những hậu quả nghiêm trọng đối với môi trường sinh thái.

Theo một cuộc khảo sát vào năm 2019 được đưa vào Báo cáo của Hiệp ước Liên Hợp Quốc, ô nhiễm nhựa được xếp hạng là một trong ba mối quan tâm môi trường cấp bách nhất, cùng với biến đổi khí hậu và ô nhiễm nước. 

Thống kê của Liên Hiệp Quốc cho thấy, chất thải nhựa mới được tạo ra hàng năm với tốc độ 303 triệu tấn. Cho đến nay, 75% tổng lượng nhựa từng được sản xuất đã trở thành chất thải và sản lượng dự kiến ​​sẽ tăng gấp ba lần vào năm 2050. Đồng thời, sự tích tụ rác thải nhựa trong các đại dương cũng dự kiến ​​sẽ tăng gấp ba lần vào năm 2040 lên mức trung bình là 29-32 triệu tấn một năm.

Mới đây, nghiên cứu của các nhà khoa học từ Thụy Điển, Na Uy và Đức được công bố trên tạp chí Science cho thấy, tỉ lệ phát thải nhựa hiện tại trên toàn cầu có thể gây ra những tác động mà con người sẽ không thể đảo ngược. 

Theo đó, ô nhiễm nhựa là một mối đe dọa toàn cầu và các hành động nhằm giảm mạnh lượng khí thải nhựa ra môi trường là “phản ứng chính sách cần thiết”.

“Sử dụng nhựa đã hằn sâu trong xã hội chúng ta và rác thải nhựa rò rỉ ra môi trường ở khắp mọi nơi, ngay cả ở những quốc gia có cơ sở hạ tầng xử lý chất thải tốt. Mặc dù nhận thức về ô nhiễm nhựa của các nhà khoa học và người dân đã cải thiện đáng kể trong những năm gần đây, tuy nhiên ô nhiễm vẫn đang có xu hướng tăng lên”, GS Matthew MacLeod (Đại học Stockholm), tác giả chính của nghiên cứu cho biết.

Nhựa được tìm thấy ở khắp mọi nơi trên hành tinh: từ sa mạc và đỉnh núi đến đại dương sâu và tuyết ở Bắc Cực. Tính đến năm 2016, ước tính lượng khí thải nhựa toàn cầu ra các hồ, sông và đại dương trên thế giới dao động từ 9-23 triệu tấn mỗi năm. Những ước tính này dự kiến ​​sẽ tăng gần gấp đôi vào năm 2025 nếu vẫn áp dụng các kịch bản kinh doanh thông thường.

Mine Tekman, một ứng viên Tiến sĩ tại Viện Alfred Wegener (Đức), đồng tác giả của nghiên cứu, về mặt công nghệ nhận định, việc tái chế nhựa có nhiều hạn chế, và các nước có cơ sở hạ tầng tốt đã và đang xuất khẩu chất thải nhựa của họ sang các nước có cơ sở vật chất kém hơn.

Mine Tekman cũng cho rằng, việc giảm lượng ô nhiễm nhựa đòi hỏi phải có những hành động quyết liệt, như hạn chế sản xuất nhựa nguyên sinh để tăng giá trị của nhựa tái chế, và cấm xuất khẩu chất thải nhựa, trừ khi lượng rác này được chuyển đến một quốc gia có khả năng tái chế tốt hơn.

ô nhiễm nhựa đại dương

Cặn nhựa được lọc từ rác thải thực phẩm được thu gom ở Na Uy sau khi lên men thành khí sinh học và phân bón đất. (Ảnh: Caroline Hansen Heidi Knutsen, NGI)

“Ở những môi trường ở xa, nơi các mảnh vụn nhựa không được dọn dẹp và sự phong hóa của các vật dụng bằng nhựa lớn chắc chắn sẽ dẫn đến việc tạo ra một số lượng lớn các hạt vi nhựa. Thêm vào đó, nó còn rửa trôi các hóa chất được cố ý thêm vào nhựa và các hóa chất khác phá vỡ xương sống polyme nhựa”, TS Annika Jahnke, nhà nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu Môi trường Helmholtz (UFZ), đồng tác giả của nghiên cứu phân tích.

Vì vậy, nhựa trong môi trường liên tục chuyển động với độ phức tạp ngày càng tăng. Nó tích tụ ở đâu và những tác động mà nó có thể gây ra là một thách thức lớn đối với toàn cầu.

Xây dựng thỏa thuận pháp lý mang tính toàn cầu

Trước thực trạng đó, tại Phiên thảo luận cấp cao của Liên Hợp Quốc về chủ đề đại dương đầu tháng 6 vừa qua, ông Eirik Lindeberg, Giám đốc Chính sách Nhựa Toàn cầu, Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên (WWF) cho biết: “Ô nhiễm nhựa đang gia tăng với tốc độ ngày càng nhanh. Ước tính mỗi năm có 11 triệu tấn chất thải nhựa thất thoát ra đại dương trên thế giới và dự kiến ​​sẽ tăng gấp 4 lần vào năm 2050, kèm theo những tác động tàn phá đối với con người và hành tinh”.

Với sự tán thành của Liên minh châu Âu và 78 quốc gia thành viên của Liên Hợp Quốc, trong đó có Việt Nam, Tuyên bố kêu gọi xây dựng một thỏa thuận toàn cầu mới có tính ràng buộc pháp lý về nhựa. Cũng trong tuyên bố này, các bên đã bày tỏ cam kết cho quyết định tại phiên họp tiếp nối lần thứ năm của Hội đồng Môi trường Liên Hợp Quốc vào tháng 2 năm 2022 (UNEA 5.2) về việc thành lập Ủy ban đàm phán liên chính phủ với mục tiêu thúc đẩy quá trình đàm phán hiệp định toàn cầu mới càng sớm càng tốt. 

Các chuyên gia về môi trường cho rằng, cần có một thỏa thuận ràng buộc pháp lý mới để giải quyết vấn đề khủng hoảng ô nhiễm nhựa trên quy mô toàn cầu và tính chất xuyên biên giới.

Trong những năm gần đây, Việt Nam đã và đang từng bước tăng cường các cam kết quốc gia và ủng hộ hợp tác toàn cầu để giải quyết ô nhiễm nhựa với những nỗ lực và cam kết hành động mạnh mẽ thực hiện giảm thiểu chất thải nhựa để bảo vệ môi trường sinh thái biển và đại dương.

Năm 2017, Việt Nam chính thức gia nhập danh sách 127 quốc gia thông qua Nghị quyết Hội đồng Môi trường Liên Hợp Quốc của Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc về chất thải nhựa và vi nhựa đại dương. Năm 2018, tại Hội nghị thượng đỉnh G7 tổ chức ở Canada, Thủ tướng Chính phủ đã cam kết hành động cũng như kêu gọi hợp tác toàn cầu trong việc giải quyết vấn đề rác thải nhựa trên biển.

Đặc biệt, một loạt các chính sách quan trọng cũng đã được Chính phủ Việt Nam ban hành. Cụ thể, Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 về “Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” trong đó đặt mục tiêu “Ngăn ngừa, kiểm soát và giảm đáng kể ô nhiễm môi trường biển; tiên phong trong khu vực về giảm thiểu chất thải nhựa đại dương”; Chỉ thị 33/CT-TTg ngày 20/8/2020 về tăng cường quản lý, tái sử dụng, tái chế, xử lý và giảm thiểu chất thải nhựa nhằm tiếp tục tăng cường hiệu quả các hoạt động quản lý, tái sử dụng, tái chế, xử lý nhựa đã qua sử dụng, giảm thiểu phát thải chất thải nhựa ra môi trường...

Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2030 giảm 75% rác thải nhựa đại dương

Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Minh Ngân nhận định, đại dịch Covid-19 đã và đang làm chậm cuộc chiến chống rác thải nhựa của các quốc gia trên toàn thế giới. Đại dịch đã khiến cho nhiều nền kinh tế suy thoái một cách nghiêm trọng cũng như đã gây ra những khó khăn cho việc chuyển đổi về mô hình sản xuất và tiêu dùng. "Chúng ta cần phải tính đến những thay đổi này trong cuộc chiến chống rác thải nhựa của khu vực".

Do đó, để giảm thiểu nạn “ô nhiễm trắng” trên các vùng biển, Việt Nam đã ban hành nhiều chính sách, giải pháp cụ thể, trong đó có Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030.

Theo kế hoạch này, Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2030 giảm 75% rác thải nhựa đại dương, đảm bảo 100% các khu bảo tồn biển không còn rác thải nhựa. Đây cũng là cam kết của Việt Nam để duy trì sự bền vững, đồng thời phấn đấu trở thành quốc gia dẫn đầu trong việc giảm thiểu rác thải nhựa.

Nguồn