PN ·
2 năm trước
 2721

Cần xây dựng tiêu chuẩn về kiểm soát chất lượng vật liệu xây dựng từ nhựa tái chế

Theo nghiên cứu từ Viện Vật liệu Xây dựng (Bộ Xây dựng), sử dụng các loại vật liệu xây dựng từ nhựa tái chế có 3 yếu tố môi trường cần kiểm soát là hàm lượng thôi nhiễm các kim loại độc hại, hàm lượng chất bay hơi, hàm lượng formaldehyde phát tán.

Nhựa tái chế chưa phổ biến trong ngành xây dựng Việt Nam

Theo đánh giá của Viện Vật liệu Xây dựng, với thị phần nhựa xây dựng chiếm 25% trong cơ cấu tiêu thụ nhựa của Việt Nam, việc sử dụng nhựa tái chế để sản xuất vật liệu xây dựng có tiềm năng rất lớn, mang lại nhiều lợi ích như giúp giảm lượng rác thải nhựa có hại cho môi trường, tiết kiệm chi phí trong quá trình sản xuất nguyên liệu nguyên sinh, hạn chế khai thác thêm tài nguyên hữu hạn để sản xuất vật liệu mới…

Tuy nhiên, ở nước ta hiện nay, việc sử dụng nhựa tái chế làm vật liệu xây dựng chưa phổ biến, hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn, hướng dẫn kỹ thuật trong lĩnh vực này chưa đầy đủ; còn thiếu cơ chế khuyến khích sử dụng sản phẩm vật liệu xây dựng từ nhựa tái chế, đặc biệt, tác động môi trường trong quá trình sử dụng các sản phẩm này chưa được đánh giá rõ ràng.

Việc sử dụng nhựa tái chế để sản xuất vật liệu xây dựng có tiềm năng rất lớn, mang lại nhiều lợi ích với môi trường.

Được biết, xây dựng là lĩnh vực tiêu dùng nhựa lớn thứ hai chỉ sau bán lẻ. Bao bì sử dụng một lần được ước tính chiếm 1/3 lượng chất thải rời hỗn hợp. Phần lớn trong số này được chôn lấp hoặc đốt cháy và chỉ có 2-4% trong số này thực sự được tái chế. Sử dụng nhựa trong xây dựng gây ra nhiều tác động tiêu cực đến môi trường.

Ngoài ra, trong xây dựng, nhựa được sử dụng trong các sản phẩm như: Sàn, tấm cách nhiệt, sơn, cửa sổ, cửa ra vào, đường ống, ván dăm… Nhựa được sử dụng ở khắp mọi nơi trong công trình xây dựng bởi độ bền, giá thành thấp. Tuy nhiên, khi trở thành rác thải thì phải mất tới 1.000 năm để nhựa phân hủy. Bên cạnh đó, rác thải nhựa khi không được xử lý đúng cách sẽ gây ô nhiễm đất, ô nhiễm nước nếu được chôn lấp và gây ô nhiễm không khí nếu được thiêu hủy.

Theo thống kê, giảm lượng chất thải nhựa trong xây dựng có thể đem lại những lợi ích về mặt tài chính. Một nhà thầu có thể tiết kiệm khoảng 14.300 USD cho dự án xây dựng 25 ngôi nhà bằng cách giảm, tái sử dụng và tái chế chất thải nhựa.

Đẩy mạnh ứng dụng vật liệu xây dựng từ nhựa tái chế

Mặc dù được xem là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây ô nhiễm môi trường nhưng cho đến nay, vật liệu nhựa vẫn được ứng dụng rộng rãi trong đời sống cũng như hoạt động xây dựng, sản xuất. Nguyên nhân chính là do nhựa có sự đa dạng về tính năng, bền, chịu được cá tác động của thời tiết, chi phí bảo trì thấp, trọng lượng nhẹ, dễ dàng sử dụng và đặc biệt là mức giá thành hợp lý.

Xuất phát từ các vấn đề đó, nhựa trở thành vật liệu lý tưởng trong ngành công nghiệp xây dựng. Để đảm bảo sự phát triển trong hoạt động sản xuất nhưng vẫn đáp ứng tiêu chí trong bảo vệ môi trường, ngành công nghiệp nhựa cần đưa ra những giải pháp cụ thể nhất để phát triển bền vững.

Nhằm đáp ứng yêu cầu thực tế, Bộ Xây dựng đã giao Viện Vật liệu Xây dựng thực hiện nhiệm vụ nêu trên với mục tiêu: Xây dựng hướng dẫn kỹ thuật trong việc sử dụng vật liệu xây dựng từ nhựa tái chế nhằm phòng tránh tác động có hại cho sức khỏe con người và môi trường, đồng thời đảm bảo yêu cầu chất lượng đối với lĩnh vực áp dụng các sản phẩm; đề xuất danh mục xây dựng các tiêu chuẩn quốc gia phục vụ quản lý chất lượng sản phẩm nhựa tái chế ở Việt Nam.

Ngày 18/3/2022, Hội đồng tư vấn Bộ Xây dựng đã họp nghiệm thu kết quả thực hiện nhiệm vụ “Điều tra, khảo sát đánh giá tác động môi trường và xây dựng hướng dẫn kỹ thuật ứng dụng các sản phẩm vật liệu xây dựng từ nhựa tái chế”, mã số MT 20-03, do nhóm nghiên cứu Viện Vật liệu Xây dựng thực hiện.

Nghiên cứu của Viện Vật liệu Xây dựng nhận thấy, hiện có 7 loại nhựa có khả năng tái chế làm vật liệu xây dựng gồm: PET tái chế, HDPE tái chế, LDPE tái chế, PP tái chế, PVC tái chế, PS tái chế và hỗn hợp nhựa tái chế.

Nhóm nghiên cứu cũng đề xuất ứng dụng cụ thể như: PET - cốt liệu bê tông, cốt liệu sợi tổng hợp, vữa xây, bê tông asphalt; PP - cốt liệu trong hỗn hợp bê tông asphalt; HDPE - ván sàn, thanh lam, tấm ốp, thanh cửa, bàn ghế nhựa; LDPE - sản xuất gạch lát, gạch vỉa hè, nền đường; PVC - ống thoát nước, cốt liệu bê tông, vật liệu composite, tấm lợp…

Khi sử dụng các loại vật liệu xây dựng từ nhựa tái chế, có 3 yếu tố môi trường cần kiểm soát là hàm lượng thôi nhiễm các kim loại độc hại, hàm lượng chất bay hơi, hàm lượng formaldehyde phát tán. Do đó, xây dựng tiêu chuẩn quốc gia về kiểm soát chất lượng nhựa tái chế, chất lượng sản phẩm vật liệu xây dựng từ nhựa tái chế và tác động môi trường trong quá trình sử dụng là rất cần thiết.

Ngoài báo cáo tổng kết nhiệm vụ, sản phẩm của nhóm nghiên cứu hoàn thành còn có danh mục các tiêu chuẩn cần được xây dựng; hướng dẫn phân loại nhựa tái chế để ứng dụng làm vật liệu xây dựng và hướng dẫn kỹ thuật đánh giá chất lượng sản phẩm, đánh giá tác động môi trường của sản phẩm vật liệu xây dựng từ nhựa tái chế.

Để tạo ra bê tông trong xây dựng cần một lượng lớn cát, sỏi… Việc khai thác cát trái phép đã trở thành một vấn đề báo động ở nước ta. Tuy nhiên, theo nghiên cứu, 10% khối lượng cát trong bê tông có thể được thay thế bằng chất thải nhựa. Bê tông sử dụng 30% cát lấy từ các bãi biển, lòng sông, chỉ cần thay thế 10% trong số đó có thể giúp tiết kiệm hơn 800 triệu tấn cát.


Nguồn: Kinh tế Môi trường - Lan Anh