Song Vũ ·
1 năm trước
 8032

Cảnh báo giả mạo nhà mạng yêu cầu chuẩn hóa thông tin thuê bao

Thông báo lừa đảo 'khóa thuê bao' có thể tái xuất khi các nhà mạng đang đồng loạt thông báo khách hàng chuẩn hóa thông tin, nếu không sẽ bị khóa 1 chiều vào ngày 31/3 tới.

Thông tin của Cục Viễn thông, Bộ TT&TT về việc sẽ bị chặn liên lạc 1 chiều, 2 chiều theo quy định của pháp luật đối với các thuê bao di động nhận được thông báo và không thực hiện so khớp, chuẩn hóa thông tin theo yêu cầu đang nhận được sự quan tâm của dư luận. Động thái này của Cục cũng dấy lên lo ngại về các cuộc gọi mạo danh, lừa đảo ‘khóa thuê bao’.

Một số kịch bản gọi điện lừa đảo phổ biến. Ảnh: Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia.

Cụ thể, trước đây nhiều thuê bao đã là nạn nhân của các tin nhắn, cuộc gọi lừa đảo dưới hình thức "khoá thuê bao" và yêu cầu nâng cấp, qua đó lừa chiếm đoạt SIM rồi chiếm tài khoản ngân hàng của người dùng.

Thủ đoạn của các đối tượng sẽ là nhắn tin giả mạo nhà mạng, cảnh báo chủ thuê bao có thể bị khóa sim, sau đó yêu cầu chủ thuê bao cung cấp thông tin cá nhân để nâng cấp sim. Từ các thông tin này, các đối tượng có thể đánh cắp thông tin cá nhân, thực hiện giao dịch ngân hàng, chiếm đoạt tiền.

Thủ đoạn này đã từng xuất hiện vào cuối năm ngoái nhưng nay có thể sẽ bùng phát trở lại khi tới đây, người dân được yêu cầu chuẩn hóa thông tin chủ thuê bao trước 31/3.

Theo đại diện các nhà mạng, khi gửi tin nhắn yêu cầu thuê bao kiểm tra và cập nhật lại thông tin sẽ đều được gửi đi bằng brandname. Đơn cử như, theo đại diện VNPT-VinaPhone, nếu khách hàng VinaPhone thuộc diện cần chuẩn hóa thuê bao sẽ nhận được tin nhắn có brandname "VinaPhone", cuộc gọi thông báo qua số 0888 001091 và cuộc gọi hiển thị tên VinaPhone.

Đại diện MobiFone cho biết, hơn 1,4 triệu thuê bao của nhà mạng này có thể chuẩn hóa thông tin qua app MyMobiFone, tại hệ thống cửa hàng MobiFone trên toàn quốc hay trên website.

Theo đại diện Viettel, với tập khách hàng chưa chuẩn hóa thông tin, nhà mạng này có nhiều giải pháp hỗ trợ như chuẩn hóa thông tin qua ứng dụng di động, xây dựng tổng đài tiếp nhận đối tượng chuẩn hóa.

Theo Ông Vũ Ngọc Sơn- Giám đốc kỹ thuật Công ty Công nghệ An ninh mạng Quốc gia Việt Nam - NCS cho biết, người dùng khi nhận được thông báo sẽ “khóa thuê bao” dễ bị tác động về tâm lý.

Thông tin thuê bao phải trùng khớp với cơ sở dữ liệu dân cư, điều này sẽ gây bối rối cho đa số người sử dụng, bởi lẽ, các thuê bao đã sử dụng từ rất lâu, các thông tin đăng ký như số CMND, hộ khẩu thường trú có thể không còn đúng với các thông tin mới nhất được ghi nhận trong cơ sở dữ liệu dân cư, ví dụ như đã bỏ CMND cũ và thay bằng số CCCD mới, hộ khẩu thường trú cũng có thể thay đổi trong quá trình sinh sống…

Do đó, theo ông Vũ Ngọc Sơn, nhà mạng nếu được nên cung cấp một kênh thông tin chính thức, cho phép người dùng tự kiểm tra xem số điện thoại của mình đã chuẩn thông tin đăng ký chưa. Bằng cách này người dùng có thể tự chủ động kiểm tra số điện thoại của mình và có hành động cập nhật thông tin nếu cần, tránh bị động, dễ mắc bẫy những đối tượng lừa đảo.

Nhiều chuyên gia về công nghệ và an ninh mạng cũng khuyến nghị, để tránh bị mất SIM người dân tuyệt đối không cung cấp các thông tin cá nhân họ tên, số điện thoại, email, số CMND/CCCD… đối với các cuộc gọi lạ hoặc đường link lạ.

Người dùng cần áp dụng triệt để nguyên tắc "không tin tưởng, luôn xác minh lại". Nghĩa là không nên vội tin mỗi khi nhận được một đề nghị từ bên ngoài như ngân hàng, nhà mạng đang sử dụng... Khi muốn cập nhật thông tin cá nhân cho thuê bao, hãy thực hiện các bước hướng dẫn của từng nhà mạng như tại website, ứng dụng hay các quầy giao dịch trực tiếp.

Theo khuyến nghị của VNCERT/CC, sau khi nhận các cuộc gọi như trên, người dùng thuê bao nên gọi đến tổng đài 156 để phản ánh cuộc gọi rác, cuộc gọi lừa đảo.

“Bộ phận tiếp nhận sẽ chuyển tiếp khiếu nại cho VNCERT/CC và chúng tôi sẽ phối hợp với công an để điều tra”, đại diện VNCERT/CC cho biết. Người dân có thể khiếu nại qua tổng đài 156 ngay cả khi không có bằng chứng ghi âm cuộc gọi rác.

Trong trường hợp đã cung cấp thông tin, đặc biệt là các dữ liệu có liên quan đến các ứng dụng quản lý tiền, tài sản, người dùng cần thay đổi toàn bộ mật khẩu đăng nhập.

Nhờ có bảo mật 2 bước, thường là nhận tin nhắn chứa mã xác thực giao dịch, việc mất thông tin có thể chưa gây hại nghiêm trọng ngay nếu người dùng không tiết lộ các mã xác thực này, chuyên gia lưu ý.

“Hãy cẩn trọng khi cung cấp thông tin cho bất kỳ ai, nếu đã cung cấp thông tin, hãy đặt lại toàn bộ mật khẩu của các tài khoản ứng dụng đang sử dụng để bảo vệ mình”, đại diện VNCERT/CC khuyến cáo.

Sau 31/3/2023, thuê bao không chuẩn hóa thông tin theo dữ liệu cư dân quốc gia sẽ bị khóa một chiều nên người dùng cần kiểm tra để sớm chỉnh sửa. Vì vậy, Bộ TT&TT hướng dẫn người dân cách chuẩn hóa thông tin thuê bao, các trang web/app cập nhật thông tin thuê bao của các nhà mạng như sau: