Long Mai ·
2 năm trước
 2225

Cảnh báo: Nguy cơ gây hại từ tia cực tím tại 3 miền

Ngày 13/7, chỉ số tia cực tím tại nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước đều ở mức 8-9, mức có nguy cơ gây hại rất cao, ảnh hưởng lớn đến sức khoẻ con người. Cần làm gì để bảo vệ sức khoẻ trước nguy hại của tia cực tím?

Riêng tại các thành phố thuộc khu vực Đông Bắc Bộ như Hạ Long (tỉnh Quảng Ninh), Hải Phòng có chỉ số tia UV cực đại chỉ khoảng mức 7, mức có nguy cơ gây hại cao.

Cụ thể, chỉ số tia cực tím đạt mức cực đại trong ngày 13/7 tại các tỉnh, thành phố như sau: TP.Hạ Long (tỉnh Quảng Ninh) ở mức 6.7 và TP.Hải Phòng ở mức 7.2; Thủ đô Hà Nội ở mức 8.9; TP.Huế (tỉnh Thừa Thiên - Huế) và TP.Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa) ở mức 9.0; TP.Đà Nẵng và TP.Hội An (tỉnh Quảng Nam) ở mức 8.8; TP.HCM ở mức 9.3; TP.Cần Thơ và TP.Cà Mau (tỉnh Cà Mau) ở mức 9.5.

chỉ số tia cực tím ở mức cao

Chỉ số tia cực tím tại nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước đều ở mức nguy cơ gây hại rất cao. (Ảnh: Báo Kinh tế Đô thị)

Dự báo, từ ngày 14/7-16/7, chỉ số tia cực tím cực đại tại các khu vực trên cả nước chủ yếu ở ngưỡng nguy cơ gây hại cao rất cao (mức 7-10). Đặc biệt, khu vực Trung Bộ có mức tia cực tím đạt 9-10. Trong ngày 15/7, khu vực Nam Bộ có chỉ số UV giảm nhẹ xuống mức 7, mức có nguy cơ gây hại cao. Ở chỉ số này, tia UV có khả năng gây bỏng cho da nếu cơ thể người tiếp xúc trực tiếp dưới ánh mặt trời liên tục trong 25 phút.

Vì vậy, theo khuyến cáo của các chuyên gia y tế, người dân khi ra đường vào thời điểm chỉ số UV đạt đỉnh trong ngày (từ 10 giờ - 14 giờ) cần đội nón rộng vành, sử dụng dù, đeo mắt kính màu sậm, bịt kín khẩu trang và tránh nắng trong bóng râm, cây có bóng mát để hạn chế tác động từ tia UV. Cùng với đó, mọi người nên bổ sung hoa quả tươi giàu vitamin C, giúp hạn chế tác động có hại từ tia cực tím; uống bù đủ nước khoảng 2 - 2,5 lít nước mỗi ngày; sử dụng kem chống nắng đều đặn mỗi khi ra ngoài, ngay cả khi trời nhiều mây.

Cũng theo Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia, chỉ số nóng bức cực đại (HI- Heat Index) tại TP.Hà Nội, TP.Hạ Long (tỉnh Quảng Ninh), TP.Hà Tĩnh (tỉnh Hà Tĩnh) đạt mức 41-54 (mức nguy hiểm). Với mức nhiệt này, người dân có khả năng bị say nắng, kiệt sức thậm chí có thể bị sốc nhiệt nếu tiếp xúc với nắng nóng hoặc hoạt động thể chất kéo dài.

Để phòng chống các tác hại của nắng nóng, người dân không nên làm việc quá lâu, đi lại hoặc chơi thể thao trong môi trường nóng bức cũng như tránh các hoạt động thể lực quá sức.

Sau mỗi một giờ làm việc ngoài trời nắng nóng hoặc trong hầm lò, nhà máy, người lao động nên nghỉ giải lao khoảng 15 phút; luôn trang bị đầy đủ thiết bị chống nắng khi lao động, đi lại, làm việc ngoài trời nắng như quần áo bảo hộ lao động, mũ, nón, kính… (nên dùng áo cotton dài tay giúp hấp thụ mồ hôi của cơ thể trong khi vẫn giữ cơ thể được mát mẻ và nên mặc quần áo sáng màu để cơ thể hấp thụ nhiệt ít nhất).

"Tiếp xúc thời gian dài ngoài nắng mà không có cách chống nắng dễ gây đỏ da, bỏng nắng, tăng sắc tố da. Nếu tiếp xúc lâu dài, tia UVA có thể tác động vào nhân tế bào và gây ung thư tế bào đáy, tế bào vẩy… của da. Những người làm công việc ngoài trời, có thời gian dài tiếp xúc với ánh nắng có nguy cơ ung thư da cao gấp 1,3 lần so với bình thường. Số người mắc ung thư da cũng có dấu hiệu tăng trong thời gian gần đây", Bác sỹ Đinh Hữu Nghị, Trưởng phòng chỉ đạo tuyến Bệnh viện Da liễu Trung ương nhận định.

Theo số liệu của Bộ Y tế, ung thư da đứng hàng thứ 8/10 loại ung thư thường gặp nhất với tỉ lệ trung bình 2,9-4,5 ca/100.000 dân. Trung bình, tỉ lệ mới mắc ung thư da ở Việt Nam đối với nam là 3,2/100.000 dân và đối với nữ là 3,1/100.000 dân.

Nguồn