Theo nghiên cứu về các hậu quả có thể xảy ra khi El Niño quay trở lại vào năm 2023 đăng trên The Conversation, cứ 2 đến 7 năm một lần, vùng xích đạo Thái Bình Dương lại ấm hơn tới 3°C (hiện tượng El Niño) hoặc lạnh hơn (La Niña) so với bình thường, gây ra một loạt hiệu ứng trên khắp thế giới. Chu kỳ này được gọi là dao động Nam El Niño (ENSO). Mỗi El Niño đều tự nhiên kéo theo một La Niña và ngược lại.
Một đám cháy rừng ở New South Wales, Australia tháng 12/2020, do tác động của El Niño. (Nguồn: AP)
Sự thay đổi nhiệt độ bề mặt nước biển liên quan đến các hiện tượng ENSO có vẻ không đáng kể, nhưng lại quá đủ để phá vỡ các kiểu thời tiết trên toàn cầu và thậm chí là sự lưu thông không khí quy mô lớn trong tầng bình lưu ở cực cách Trái đất 8km.
Việc La Niña ba năm liên tiếp mà thế giới vừa trải qua kể từ năm 2020 rất hiếm gặp. Báo cáo của Cơ quan Quản lý khí quyển và đại dương quốc gia Mỹ (NOAA) cho rằng, thời tiết khu vực xích đạo Thái Bình Dương sẽ trở lại trạng thái trung lập trong khoảng thời gian từ tháng 3-5/2023, sau đó khả năng cao các điều kiện El Niño sẽ phát triển trong mùa Thu và mùa Đông ở bán cầu Bắc.
Indonesia sẵn sàng các biện pháp phòng chống
Tại khu vực Đông Nam Á, tuy chưa phải vào mùa nhưng chính phủ Indonesia cảnh báo nông dân và các công ty trồng trọt đề phòng hỏa hoạn ở Sumatra và Kalimantan do tình trạng khô hạn kéo dài có thể xảy ra rộng khắp bởi khả năng xảy ra El Niño ở những nơi này lên tới 50%.
Người đứng đầu Cơ quan khí tượng, khí hậu và địa vật lý Indonesia, Tiến sĩ Dwikorita Karnawati cho biết, sau 3 năm từ 2020-2022 thời tiết ẩm ướt do La Niña, nông dân và các công ty nông nghiệp có thể mất cảnh giác vào năm 2023.
Theo bà, nhiều nông dân và một số doanh nghiệp sử dụng phương pháp đốt nương để giải phóng mặt bằng canh tác, nhưng hành động như vậy sẽ gây hậu quả nghiêm trọng khi thời tiết khô hơn vào năm 2023.
Indonesia đã từng hứng chịu các đợt khói mù trong một số năm, từ 1997-2015 khi nông dân và các công ty sử dụng biện pháp đốt nương làm rẫy. Các đám cháy năm 1997 và 2015 trở nên tồi tệ hơn do hạn hán nghiêm trọng. Khói mù do đám cháy năm 2015 còn bao phủ cả Singapore và Malaysia.
Những năm tiếp theo, việc tăng cường thực thi pháp luật, bao gồm cả lệnh cho phép lực lượng chức trách nổ súng cảnh cáo những kẻ đốt lửa, và buộc các công ty trồng trọt phải trang bị thiết bị chữa cháy tốt, đã khiến số vụ cháy giảm đi đáng kể.
Ông Subakir, hiệu trưởng một trường tiểu học ở Palangkaraya, tâm điểm của cuộc khủng hoảng khói mù năm 2015, nói với báo The Straits Times rằng, các biểu ngữ bên đường về hình phạt nghiêm khắc đối với tội đốt nương làm rẫy đã làm giảm số lượng người phạm tội.
Ông cho biết: “Bây giờ, khi phát hiện có đốt lửa, chính quyền sẽ nhanh chóng đến kiểm tra, và nếu thấy đốt rẫy mà không có ai trông coi, chủ đất sẽ bị xử lý”.
Nhà chức trách Indonesia tiếp tục cho phép nông dân thực hiện phương pháp đốt nương làm rẫy truyền thống nhưng có áp đặt các điều kiện để ngăn đám cháy lan rộng như: diện tích đốt không quá 1ha, xung quanh phải đào mương nước ngăn lửa lan, có người giám sát quá trình đốt.
Để giảm khả năng đám cháy ngày càng lan rộng, chính phủ phân phối máy kéo đến các huyện dễ xảy ra hỏa hoạn, giúp người dân dọn sạch thảm thực vật.
Các công ty như Asia Pulp and Paper (APP) hay doanh nghiệp trồng cọ dầu Asian Agri đã tăng cường cảnh giác trước các đám cháy có thể xảy ra. Giám đốc điều hành APP Bernard Tan, cho biết: “El Niño có thể sẽ mạnh hơn trong năm nay, do đó, việc chuẩn bị sẵn sàng là rất quan trọng”.
APP có hơn 2.000 nhân viên cứu hỏa. Họ được trang bị 1.800 máy bơm chữa cháy, 800 ô tô và xe máy, 100 tàu thủy và 13 trực thăng. Công ty này sử dụng dữ liệu vệ tinh để dự đoán điều kiện thời tiết và theo dõi các điểm nóng trong khu vực. Họ cũng dùng tháp canh, camera, máy bay trực thăng tuần tra và máy dò tìm trên mặt đất để xác định các điểm nóng.
Trong khi đó, công ty Asian Agri hứa trao phần thưởng trị giá 100 triệu Rupiah (khoảng hơn 155 triệu đồng) cho dân làng ở Sumatra nếu bảo vệ thành công khu vực của họ khỏi nạn cháy rừng trong năm nay.
Tuy nhiên, nguy cơ không chỉ đến từ việc đốt nương làm rẫy mà còn do người dân đốt rác sinh hoạt và lá cây ở sân nhà. Công ty trên cho biết, họ cũng có biện pháp hướng dẫn người dân xử lý rác thải sinh hoạt một cách an toàn hơn.
Nguy cơ tổn thương cao ở Australia
Theo The Conversation, khi toàn cầu nóng lên, một số khu vực nóng lên nhanh hơn những khu vực khác. Australia chính là một ví dụ điển hình bởi hiện nay nhiệt độ ở xứ sở chuột túi nóng hơn 1,4°C so với đầu thế kỷ XX.
Theo nghiên cứu của tờ báo trên, hằng năm, diện tích lục địa bị cháy rừng tăng lên, do xu hướng khô hạn bởi biến đổi khí hậu gây ra. Ảnh hưởng cơ bản của biến đổi khí hậu khiến Australia cực kỳ dễ bị tổn thương trước tác động của El Niño.
Australia huy động trực thăng để dập các đám cháy rừng. (Nguồn: En24 News)
Một báo cáo hôm 22/2 cho biết, nhà chức trách quốc gia này cần khẩn trương chuẩn bị cho nguy cơ cháy rừng lớn, do lượng mưa quá nhiều trong ba năm qua đã kích hoạt sự phát triển ồ ạt của thảm thực vật, tạo tiền đề cho các đám cháy.
Báo cáo của Hội đồng khí hậu và các nhà lãnh đạo tình huống khẩn cấp về hành động khí hậu (ELCA) đã phân tích những gì diễn ra sau các giai đoạn La Niña kéo dài trước đó và cho biết mức độ ẩm ướt đã giảm, hiện nay nắng nóng đang làm khô hạn đồng cỏ và rừng.
Ông Greg Mullins, cựu Ủy viên Cơ quan Cứu hỏa và cứu hộ bang New South Wales, đồng thời là người sáng lập ELCA, tác giả của báo cáo, cho biết, Australia phải đối mặt với nguy cơ hỏa hoạn trên mức bình thường trong năm 2023-2024.
Cũng theo báo cáo này, Australia đã trải qua 3 đợt La Niña kéo dài từ năm 1954-1957, 1973-1976 và 1998-2001. Sau mỗi giai đoạn này là xảy ra các vụ cháy cỏ trên diện rộng khắp đất nước, sau đó ghi nhận các vụ cháy rừng lớn gây thiệt hại về người và tài sản ở bờ biển phía Đông, đặc biệt là New South Wales.
Cảnh báo của ELCA được đưa ra khi các quan chức lo ngại rằng El Niño mạnh trong những tháng tới có thể dẫn đến sự lặp lại của các vụ cháy rừng thảm khốc như hồi năm 2019-2020. Khi đó, chỉ trong vài tháng, hàng trăm đám cháy đã thiêu rụi diện tích kỷ lục 24 triệu ha, khiến 33 người thiệt mạng, phá hủy hơn 3.000 ngôi nhà và gây thiệt hại hàng tỷ USD.
Ông Mullins cho rằng, chính quyền các cấp cần khẩn trương đầu tư các biện pháp giúp cộng đồng chống đỡ và đối phó với các tác động xấu hơn của khí hậu, cũng như cần nhiều nhân viên và tình nguyện viên hơn. Cần phải có hành động mạnh hơn nữa để giảm khí thải nhà kính đang gây ra thời tiết khắc nghiệt.