Bích Ngọc ·
20 tuần trước
 9958

Cập nhật lãi suất tiết kiệm mới nhất tháng 7

Sang tháng 7, một số nhà băng đã bắt đầu trả lãi suất tiết kiệm trên 7%/năm.

Theo khảo sát trên thị trường đầu tháng 7, nhiều ngân hàng đã niêm yết mức lãi suất cao trên 7%/năm. Tuy vậy, để hưởng mức lãi suất này, khách hàng phải đáp ứng đủ điều kiện nhất định về số tiền gửi và kỳ hạn dài.

Tại ngân hàng Wooribank, nhà băng này tiếp tục giữ gói tiết kiệm tích lũy với lãi suất cao nhất là 7,5%/năm, áp dụng kỳ hạn tiền gửi 3 năm. Lãi suất tại kỳ hạn 24 tháng đến dưới 36 tháng cao nhất tại Wooribank là 7%/năm. Lãi suất kỳ hạn 12 tháng đến dưới 24 tháng, mức lãi suất tiết kiệm niêm yết ở mức 6,5%/năm. Điều kiện chung áp dụng là số tiền gửi không quá 100 triệu đồng/tháng.

Ảnh minh họa. Nguồn ảnh: Internet.

Trong khi đó, tại nhiều nhà băng khác, khách hàng muốn hưởng lãi suất tiết kiệm cao phải đáp ứng điều kiện về số tiền gửi tiết kiệm lên tới hàng trăm hoặc nghìn tỷ đồng.

Theo đó, Dong A Bank áp dụng mức lãi suất 7,5%/năm cho khoản tiền gửi từ 200 tỷ đồng với kỳ hạn 13 tháng.

Hiện MSB đang niêm yết lãi suất 7%/năm với điều kiện khoản tiền gửi ở kỳ hạn 13 tháng và số tiền gửi từ 500 tỷ đồng.

HDBank cũng niêm yết mức lãi suất 7,7%/năm và 8,1%/năm cho kỳ hạn tiền gửi 12 và 13 tháng với số tiền gửi từ 500 tỷ đồng và lĩnh lãi cuối kỳ.

Trong khi đó, PVComBank trả lãi lên tới 9,5%/năm nhưng điều kiện đặt ra, đó là khách hàng gửi tiền kỳ hạn 12-13 tháng với số tiền gửi tối thiểu 2.000 tỷ đồng.

ABBank đang áp dụng mức lãi suất tiền gửi đặc biệt cao nhất là 9,65%/năm. Mức lãi áp dụng đối với các trường hợp gửi tiết kiệm từ 1.500 tỷ đồng trở lên và kỳ hạn 13 tháng, hình thức lĩnh lãi cuối kỳ.

Với khoản tiền gửi tiết kiệm thông thường, mức lãi suất cao nhất ghi nhận là đang là 6,1%/năm áp dụng cho kỳ hạn 18 tháng. 3 nhà băng cùng trả mức lãi này gồm: NCB, HDBank và OceanBank.

Ở kỳ hạn 12 tháng, ABBank dẫn đầu sau tăng lãi suất, niêm yết mức lãi 6,0%/năm cho kỳ hạn này.

Đối với kỳ hạn 9 tháng, ABBank đang trả mức lãi suất cao nhất trên thị trường là 5,8%/năm. Và ở kỳ hạn 6 tháng, ABBank niêm yết mức lãi suất 5,6%/năm.

Được biết, từ cuối tháng 3, xu hướng tăng lãi suất huy động đã xuất hiện và diễn ra trên diện rộng vào tháng 4, tháng 5 và tiếp tục nối dài trong tháng 6. Tuy vậy, xu hướng tăng vẫn chủ yếu đến từ nhóm ngân hàng cổ phần tư nhân.

Trong tháng trước, thị trường đã ghi nhận 23 ngân hàng thương mại tăng lãi suất huy động gồm: TPBank, VIB, GPBank, BaoViet Bank, LPBank, Nam A Bank, OceanBank, ABBank, Bac A Bank, MSB, MB, Eximbank, OCB, BVBank, NCB, VietBank, VietA Bank, VPBank, PGBank, Techcombank, ACB, SHB, VietinBank. Trong đó, nhiều nhà băng đã tăng lãi suất 2 – 3 lần trong tháng 6.

Giới phân tích cho rằng, những tháng đầu năm  tiền gửi của người dân và doanh nghiệp tăng trưởng thấp đi cùng tăng trưởng tín dụng hồi phục khiến nhiều nhà băng phải tăng lãi suất huy động nhằm đảm bảo cân đối nguồn vốn. Lãi suất huy động được dự báo sẽ chịu áp lực tăng trong nửa cuối năm nay, tuy nhiên mức tăng sẽ không lớn khi nhu cầu tín dụng trong giai đoạn này không quá đột biến.

Việc các ngân hàng rục rịch tăng lãi suất khiến nhiều nhà đầu tư bất động sản đang sử dụng đòn bẩy tài chính tỏ ra lo lắng. Thực tế, năm 2022, khi lãi suất huy động liên tục tăng cao kéo theo lãi suất cho vay cũng tăng. Điều này khiến tâm lý nhà đầu tư bất động sản khi đó có phần lo lắng xuống tiền, khiến thị trường rơi vào trầm lắng.

Tuy vậy, chuyên gia cho rằng bối cảnh thị trường bất động sản đã khác, giá không còn cao nên sẽ không bị tác động tiêu cực như thời điểm trước.

Theo TS Nguyễn Văn Đính - Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS), thực tế việc tăng lãi suất không có lợi cho thị trường bất động sản. Tuy vậy, trong bối cảnh hiện nay, thị trường đang ở đáy chu kỳ. Vì vậy, nhà đầu tư không cần lo lắng tới câu chuyện tăng lãi suất ở thời điểm này.

Theo Tạ Ngọc/ Diễn đàn sự thật

https://www.facebook.com/groups/4054824701243922/posts/8039872266072459