Lâm Bình ·
3 năm trước
 7354

Capital Garden 102 Trường Chinh: Người dân vẫn 'miệt mài' treo băng rôn phản đối, tố cáo CĐT bất tín với khách hàng?

Và biết bao giờ người dân chung cư Capital Garden mới có thể "an cư lạc nghiệp" trong khi hiện trạng chung cư có quá nhiều bất ổn như hiện nay? Và hành trình "an cư" của người dân bao giờ mới đi đến hồi kết? 

Dự án chung cư Capital Garden số 102 Trường Chinh là một trong những dự án của Công ty TNHH Khách sạn Kinh Đô (Thuộc Kinh Đô TCI Group).

Được biết, từ năm 2011 đến nay, Kinh Đô TCI Group nổi lên với nhiều dự án bất động sản có vị trí đắc địa tại trung tâm Hà Nội, tuy nhiên, đi liền với đó là những tai tiếng về vi phạm xây dựng và dự án chung cư Capital Garden số 102 Trường Chinh là một điển hình. 

Capital Garden: Vì sao người dân lại "miệt mài" treo băng rôn phản đối?

Sau hơn nửa năm sinh sống, cư dân Capital Garden liên tiếp tố cáo hàng loạt vi phạm của chủ đầu tư. Theo người dân phản ánh, thì mặc dù thi công đã xong nhiều năm qua, nhưng tại dự án chưa một ngày được bình yên vì người dân luôn phải đấu tranh đồi hỏi quyền lợi trong suốt một thời gian dài. 

Theo Thương Trường, Capital Garden được xây dựng trên lô đất 5.065 m2 với mật độ xây dựng 45% thời gian hoàn thành là quý IV/2016. Dự án bao gồm 2 tòa nhà cao 25 tầng được gắn kết với nhau bởi 2 tầng khối đế là trung tâm thương mại, 3 tầng hầm. Theo thiết kế, dự án được xây dựng 288 căn hộ bắt đầu từ tầng 3 đến tầng 25. Có hệ thống máy phát điện dự phòng 24/24 và được thiết kế 8 thang máy cùng 2 thang bộ.

Capital Garden

Dự án mới nhất của Kinh Đô là Capital Garden, 102 Trường Chinh, Thanh Xuân bị cư dân tố hàng loạt vi phạm

Vậy nhưng CĐT đã tự ý thay đổi công năng thiết kế đã được phê duyệt cụ thể: Tăng từ 288 căn theo thiết kế đã được phê duyệt lên 386 căn (tức tăng 98 căn hộ). Việc làm trên dẫn đến tất cả hệ thống của tòa nhà, hệ thống giao thông đều trở nên quá tải, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến mật độ cư dân và hạ tầng của chung cư.

Tầng kỹ thuật và trạm biến áp cũng không đúng với thiết kế được phê duyệt (mà theo đúng thiết kế quy hoạch được phê duyệt thì tầng kỹ thuật sẽ nằm ở tầng 4 và tầng 24 (theo số thang máy).

Người dân cũng phản ánh CĐT chiếm dụng trái phép 5% giá trị hợp đồng đợt cuối của 386 căn hộ. Đồng thời, thoái thác nghĩa vụ bồi thường việc bàn giao chậm tiến độ. Cố tình chây ỳ bàn giao quỹ bảo trì cụ thể: Kể từ khi cư dân đóng 2% kinh phí bảo trì đến nay, đã quá 2 năm nhưng CĐT vẫn chây ỳ không tổ chức hội nghị nhà chung cư, bầu ra ban quản trị để chuyển kinh phí bảo trì sang cho ban quản trị quản lý. 

Về hệ thống PCCC cũng là một điểm đáng lưu ý, khi CĐT đầu tư hệ thống PCCC thấp cấp, không đồng bộ, khi vận hành thử thì liên tục gặp sự cố, cảnh sát PCCC không thể nghiệm thu nên đã đề nghị đình chỉ công trình, không cho phép tòa nhà đi vào sử dụng.

Việc đường giao thông và hành lang tầng bị thu hẹp (để tăng diện tích xây dựng căn hộ) đã khiến xe cứu hỏa không thể tiếp cận khi sảy ra sự cố. Đặc biệt, vụ hỏa hoạn xảy ra tại tầng 15 tòa nhà chung cư Capital Garden tối ngày 31/5/2017 càng khiến cư dân bức xúc và lo lắng.

Một số cư dân sinh sống tại chung cư cho biết, cư dân đã về sinh sống tại đây được hơn 6 tháng, nhưng chưa hề được diễn tập PCCC, dẫn đến việc khi xảy ra sự cố hỏa hoạn, mọi người hò hét hoảng loạn, mỗi người chạy một hướng, khiến khung cảnh trở nên hết sức hỗn độn và nguy hiểm.

Ngoài ra, cư dân còn phản ánh, hệ thống thang máy chưa được kiểm định và chưa được dán tem kiểm định theo đúng quy định, nhưng đã đưa vào sử dụng. Trong quá trình sử dụng, thang máy rơi tự do và nhốt người dân hàng chục phút, gây lo lắng cho cư dân. Khi xảy ra hỏa hoạn, thang máy cũng không được kích hoạt chế độ trở về tầng 1 và dừng hoạt động.

Mặc dù CĐT đã cam kết hết lần này đến lần khác, nhưng kể từ thời điểm bàn giao nhà, Capital Garden vẫn chưa được nghiệm thu PCCC vì còn phải thay thế và bổ sung khá nhiều hạng mục theo quy định, một số hạng mục còn rơi vào tình trạng không thể khắc phục.

Vậy nên cư dân tại chung cư này đã đấu tranh hết lần này đến lần khác để đòi hỏi quyền lời. Đỉnh điểm là ngày 7/7/2021 vừa qua, cư dân tiếp tục căng băng rôn khẩu hiệu đấu tranh trước những sai phạm tại dự án, nhưng CĐT đã lột bỏ hết băng rôn khẩu hiệu mà cư dân đã treo trước đó.

Điều đó lý giải cho thực tế quan sát tại dự án là hàng loạt băng rôn với khẩu hiệu như: “Phản đối CĐT Kinh Đô bóc băng rôn nhằm che giấu những sai phạm tại dự án”, “Cư dân Capital Garden đã kêu cứu các cơ quan chính quyền suốt 3 năm qua”, “Cư dân Capital Garden tố cáo ông Trần Đức Minh Công ty Kinh Đô 93 Lò Đúc tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản”,…

Cư dân chung cư Capital Garden ngõ 102 Trường Chinh, Hà Nội tố cáo chủ đầu tư lấn chiếm không gian cây xanh, lừa dối khách hàng

Capital Garden

Cư dân chung cư Capital Garden ngõ 102 Trường Chinh, Hà Nội tố cáo chủ đầu tư sai phạm gây bức xúc cho dân cư

Có thể thấy, việc công trình không được nghiệm thu, nhất là các căn hộ “cơi nới” này khiến cư dân đối mặt với nguy cơ tranh chấp pháp lý, không được cấp sổ đỏ căn hộ… Chưa kể người dân cảm thấy lo sợ khi hỏa hoạn xảy ra hệ thống PCCC yếu kém như vậy sẽ không thể đảm bảo cho sự an toàn của cư dân. Đường đi lối lại bị thu hẹp, CĐT tự ý "vẽ" thêm gần 100 căn hộ khiến hạ tầng quá tải, gây bất tiện cho cư dân trong sinh hoạt tại chung cư. 

Việc người dân đồi hỏi những quyền lợi đáng ra được hưởng là chính đáng. Tuy nhiên, đã nhiều năm trôi qua, sự đấu tranh của người dân vẫn chưa đến hồi kết. 

Câu hỏi đặt ra là, với giá bán khoảng hơn 20-23 triệu đồng/m2 thì ước tính số tiền bán hơn 100 căn hộ “cơi nới” không được cấp phép này lên tới hàng trăm tỉ đồng… Phải chăng vì lợi ích kinh tế quá lớn và dễ dàng chiếm hưởng nên chủ đầu tư đã ngang nhiên “hô biến” các tầng kĩ thuật, cây xanh thành tầng căn hộ để bán, bất chấp vi phạm các quy pháp luật, cũng như đẩy rủi ro không được cấp sổ đỏ sang khách hàng?

Và biết bao giờ người dân chung cư Capital Garden mới có thể "an cư lạc nghiệp" trong khi hiện trạng chung cư có quá nhiều bất ổn như hiện nay. Giấc mơ "an cư" của người dân có lẽ vẫn còn là một điều gì đó quá xa vời?

Kinh Đô TCI và những “kỷ lục” về tai tiếng không ai muốn sở hữu

Thật ra, chung cư Capital Garden số 102 Trường Chinh không phải dự án duy nhất dính lùm xùm về vi phạm xây dựng. Tòa nhà Kinh Đô Tower, số 93 Lò Đúc; Discovery Complex 2, số 8B Lê Trực, quận Ba Đình, Hà Nội; dự án tại số 302 đường Cầu Giấy cũng là những dự án nhiều tai tiếng của ông chủ Kinh Đô TCI. 

Về tòa nhà Kinh Đô Tower, theo ĐTCK, số 93 Lò Đúc cũng do Kinh Đô TCI làm chủ đầu tư, dự án được khởi công năm 2003, chính thức hoạt động năm 2008, là chung cư cao cấp đầu tiên tại khu vực quận Hai Bà Trưng, Hà Nội với quy mô 27 tầng.

Tuy nhiên, CĐT đã tự biến tầng trên cùng thành quán bar và nhà ở để bán. Trong khi theo thiết kế, đây là khu vực cây xanh, thư giãn của dân cư. Chưa dừng lại ở đó, Kinh Đô TCI còn biến hầm B1, B2 thành nơi trông xe cho các văn phòng ở tầng đế và không cho cư dân gửi xe. Thậm chí, có thời điểm cư dân của Kinh Đô Tower đã từng xô xát với bảo vệ khi chủ đầu tư tự ý xây dựng phòng kỹ thuật trong không gian chung giữa các tầng.

93 Lò Đúc

Có thời điểm cư dân của Kinh Đô Tower đã từng xô xát với bảo vệ khi chủ đầu tư tự ý xây dựng phòng kỹ thuật trong không gian chung giữa các tầng

Tại dự án Discovery Complex 2, số 8B Lê Trực, quận Ba Đình, thậm chí dự án này cưỡng chế cắt ngọn do vi phạm xây dựng vượt tầng cho phép từ hồi tháng 9/2015. Việc vi phạm xây dựng của dự án sau đó đã được các cơ quan chức năng xem xét là nghiêm trọng và bắt buộc phải tiến hành tháo dỡ.

8B Lê Trực

Tòa nhà số 8B Lê Trực, quận Ba Đình bị cưỡng chế cắt ngọn do vi phạm xây dựng vượt tầng cho phép từ hồi tháng 9/2015

Cũng trùng tên với Discovery Complex, dự án tại số 302 đường Cầu Giấy, quận Cầu Giấy (Hà Nội) cũng đang bị tố nhiều vi phạm về xây dựng vượt tầng. Dự án sau đó cũng bị cơ quan chức năng đình chỉ thi công một thời gian và mới được tái khởi động trở lại thời gian gần đây.

Discovery Complex, dự án tại số 302 đường Cầu Giấy

Dự án tại số 302 đường Cầu Giấy, quận Cầu Giấy (Hà Nội) cũng đang bị tố nhiều vi phạm về xây dựng vượt tầng

Có thể thấy, Kinh Đô TCI là một cái tên khá nhiều "lùm xùm" về các dự án bất động sản.

Với hàng loạt dấu hiệu sai phạm nghiêm trọng cùng những hành vi bất tín như trên, thì câu hỏi đặt ra là với CĐT Kinh Đô TCI Group, thì quyền lợi của khách hàng đang đặt ở đâu? Đến bao giờ người dân tại Capital Garden cũng như những chung cư khác vi phạm về xây dựng mới được trả lại quyền lợi như vốn được hưởng? Và hành trình "an cư" của người dân bao giờ mới đi đến hồi kết?