Nguyễn Linh ·
2 năm trước
 2946

Cắt giảm metan: Bài toán cấp bách từ mọi quốc gia

Ghi nhận của các nhà khoa học gần đây cho thấy, lượng khí thải metan (methane – CH4) trên toàn cầu đã đạt mức cao nhất trong lịch sử. Và cắt giảm 30% khí metan trước 2030 là cam kết của 100 quốc gia trong COP26.

Đòn bẩy giảm thiểu khí metan

Theo báo cáo được Liên minh Khí hậu và Không khí sạch Liên Hợp Quốc công bố, các biện pháp giảm thiểu khí metan hiện tại có thể hạn chế tình trạng nóng lên toàn cầu thêm 0,3 độ C vào năm 2045.

Báo cáo chỉ ra rằng việc thực hiện rộng rãi các biện pháp giảm thiểu khí metan trong lĩnh vực dầu khí, nông nghiệp và chất thải là đòn bẩy mạnh nhất hiện có để làm chậm BĐKH. Giảm thiểu khí metan cũng là một trong những chiến lược hiệu quả nhất về chi phí hiện có để chống lại hiện tượng nóng lên toàn cầu.

Cắt giảm metan: Bài toán cấp bách từ mọi quốc gia - Ảnh 1
Các biện pháp giảm thiểu khí metan trong mọi lĩnh vực. (Ảnh minh họa)

Metan là thành phần chính của khí tự nhiên, thường được ngành công nghiệp quảng bá như một nguồn nhiên liệu sạch. Tuy nhiên, khí thải metan do con người tạo ra có khả năng làm khí hậu nóng lên mạnh hơn tới 80 lần so với CO2.

Báo cáo cho thấy hạn chế metan đem lại những lợi ích đáng kể đối với sức khỏe và ngành nông nghiệp - metan là tiền thân của ozone đối lưu và việc giảm thiểu khí metan sẽ làm giảm ô nhiễm không khí ozone.

Việc cắt giảm tới 45% lượng khí thải metan vào năm 2040 có thể ngăn ngừa 180.000 ca tử vong sớm và hơn nửa triệu lượt nhập viện cấp cứu liên quan đến hen suyễn. Sản lượng cây trồng toàn cầu cũng có thể tăng thêm 26 triệu tấn mỗi năm. Báo cáo nêu chi tiết các giải pháp sẵn có có thể sử dụng để cắt giảm 30% lượng khí thải metan vào năm 2030, chủ yếu bằng cách khắc phục sự cố rò rỉ và thoát khí metan trong lĩnh vực dầu khí.

Báo cáo được đưa ra trong bối cảnh nhiều quy định mới về tiêu chuẩn về khí metan trong nhập khẩu khí đốt đang được thảo luận. Cho đến nay, không có khuôn khổ hoặc giới hạn chung nào về phát thải khí metan và không có dấu hiệu nào cho thấy lượng khí thải đang giảm.

Lượng khí metan tăng vọt trong khí quyển diễn ra cùng lúc với tình trạng gia tăng sản lượng khí đốt khổng lồ của Mỹ. Khí đốt của Mỹ là một trong những loại khí bẩn nhất trên thế giới, xuất khẩu chủ yếu sang châu Âu và các thị trường mới nổi ở châu Á.

Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng lượng khí thải metan từ ngành công nghiệp khí đốt đã không được đánh giá đúng mức, thấp hơn tới 60% khối lượng thực tế ở Mỹ, tới 25-40% trên toàn cầu theo một số nghiên cứu khác.

Các cơ quan quản lý và nhà đầu tư ngày càng gia tăng áp lực lên ngành công nghiệp này để hành động về phát thải khí metan. Vào ngày 29/4, Thượng viện Mỹ đã bỏ phiếu thông qua việc khôi phục các quy định từ thời Tổng thống Barak Obama về kiểm soát rò rỉ từ các giếng dầu và khí đốt. Quy định này yêu cầu các công ty giám sát, cắm và thu khí metan từ các vị trí khoan mới.

Trong khi đó ở châu Âu, Ủy ban châu Âu đã thông qua Chiến lược metan của EU vào tháng 10 năm 2020, cho thấy ý định cắt giảm phát thải metan, với các đề xuất chính sách cụ thể dự kiến được đưa ra vào cuối năm nay.

Việt Nam tham gia dự án cắt giảm khí metan tại COP26

CO2 có thể là nguyên nhân chính gây ra hiện tượng ấm lên toàn cầu, nhưng metan là một loại khí gây hiệu ứng nhà kính mạnh mẽ. Nồng độ khí metan trong bầu khí quyển đã tăng lên trong thập kỉ qua. Cam kết giảm phát thải khí metan ít nhất 30% so với mức hiện tại vào năm 2030 của một liên minh gồm hơn 90 quốc gia, đại diện cho 2/3 nền kinh tế trên toàn cầu, được coi là một bước tiến quan trọng tại COP26.

Trước thềm thượng đỉnh, hàng chục quốc gia đã tuyên bố tham gia dự án này, trong đó có Canada, Brazil, Hàn Quốc, Nhật Bản, Colombia và Argentina. Hiện tại Trung Quốc, Nga, Ấn Độ và Australia không tham gia.

Cắt giảm metan: Bài toán cấp bách từ mọi quốc gia - Ảnh 2
Nồng độ khí metan trong bầu khí quyển đã tăng lên trong thập kỉ qua. (Ảnh minh họa)

Có mặt tại Glasgow, Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính đã tham dự lễ ký kết thỏa thuận cắt giảm khí metan, do Mỹ và Ủy ban châu Âu khởi xướng.

Theo Liên Hợp Quốc, việc cắt giảm đáng kể lượng khí thải metan trong thập kỉ này có thể tránh được tình trạng Trái đất nóng lên gần 0,3 độ C vào những năm 2040. Còn nếu không cắt giảm, khí metan sẽ cản trở mục tiêu của Thỏa thuận Paris là hạn chế mức tăng nhiệt độ toàn cầu ở 1,5 độ C so với mức tiền công nghiệp.

Phát biểu tại lễ công bố, Thủ tướng Phạm Minh Chính cảm ơn Tổng thống Mỹ và Chủ tịch Ủy ban châu Âu đã mời tham dự sáng kiến cam kết giảm thải khí metan. Tại sự kiện ý nghĩa này, Thủ tướng gửi đi hai thông điệp.

Thứ nhất, metan sinh ra từ sản xuất, khai thác xử lý rác thải chưa khoa học, thiếu bền vững, thiếu an toàn nên làm nhiệt độ Trái Đất tăng lên. Vì vậy, thế giới phải đoàn kết, thống nhất, cùng hành động để ngăn chặn, đẩy lùi, làm giảm phát thải metan đang đe dọa cuộc sống. Thông điệp thứ hai, Thủ tướng nhấn mạnh đến vai trò, sự chia sẻ, hỗ trợ của các nước phát triển.

Nhiều quốc gia trong đó có Việt Nam cũng đang hướng tới mục tiêu chung là trung hòa về carbon vào năm 2050. Đây được coi là mục tiêu để giải quyết cuộc khủng hoảng khí hậu hiện nay. Thông điệp cũng như quyết tâm của Việt Nam thể hiện tại Hội nghị thượng đỉnh về BĐKH của Liên Hợp Quốc (COP26) những ngày qua đã được cộng đồng quốc tế đánh giá cao.

Theo bà Carolyn Turk, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam: ''Thông điệp của Việt Nam gửi tới thế giới là sẽ cam kết đi theo lộ trình tăng trưởng xanh. Về phía Ngân hàng Thế giới, chúng tôi đánh giá đây là một mục tiêu đầy tham vọng, đi kèm với đó là nhiều thách thức về mặt kỹ thuật, ngân sách để thực hiện. Ngân hàng Thế giới luôn sẵn sàng hợp tác và hỗ trợ Chính phủ Việt Nam để đạt mục tiêu đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050''.

''Ngài Thủ tướng đã nhấn mạnh tầm quan trọng của công bằng và công lý trong việc giải quyết khủng hoảng khí hậu. Chúng ta phải đảm bảo rằng, những người bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi cuộc khủng hoảng khí hậu được hỗ trợ nhiều nhất. Trên tất cả là thông điệp mạnh mẽ về cách chúng ta có thể làm việc cùng nhau để giải quyết cuộc khủng hoảng khí hậu. UNDP sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam thực hiện các cam kết đó một cách nhanh chóng và mạnh mẽ nhất có thể'', ông Terence D. Jones, Quyền Trưởng đại diện thường trú Chương trình Phát triển LHQ tại Việt Nam cho biết.

Còn theo Đại sứ Vương quốc Đan Mạch tại Việt Nam Kim Hojlund Christensen: ''Tại COP26, điều cần thiết là tất cả phải thực hiện lời hứa của Thỏa thuận Paris. Để đạt được điều này, các quốc gia cần đặt ra những mục tiêu tham vọng hơn nữa về giảm phát thải. Đó là lý do tại sao Đan Mạch cam kết giảm 70% lượng khí thải vào năm 2030. Chúng tôi tin rằng điều này không chỉ cần thiết mà hoàn toàn có thể thực hiện được. Chúng tôi xin thông báo là Đan Mạch có thể đóng góp ít nhất nửa tỉ USD hàng năm cho đến năm 2030".

Trước đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã dự sự kiện Hành động về rừng và sử dụng đất do Thủ tướng Anh Boris Johnson chủ trì với sự tham gia của nguyên thủ các nước và lãnh đạo các tổ chức, các bên liên quan.

Với việc thông qua Tuyên bố, hơn 100 nhà lãnh đạo cam kết ngăn chặn và đảo ngược tình trạng mất rừng và suy thoái đất vào năm 2030, góp phần đạt mục tiêu giữ cho nhiệt độ toàn cầu tăng ở mức 1,5 độ C, đồng thời hỗ trợ phát triển bền vững, chuyển đổi công bằng ở khu vực nông thôn thông qua các hành động cụ thể, phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh quốc gia.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã khẳng định mạnh mẽ:

''Việt Nam là một nước đã phải trải qua nhiều năm chiến tranh, là nước đang phát triển nhưng Việt Nam cam kết mạnh mẽ về việc cắt giảm 30% lượng phát thải khí metan vào năm 2030. Vì vậy, tôi kêu gọi các nước phát triển chia sẻ, hỗ trợ, giúp đỡ các nước đang phát triển, nước nghèo về hoàn thiện thể chế, đào tạo nguồn nhân lực gắn với đổi mới sáng tạo, bố trí tài chính xanh phù hợp, hiệu quả, chia sẻ công nghệ xanh và quản trị quốc gia. Qua đó, giúp các nước tham gia vào tiến trình làm giảm phát thải metan hiệu quả, góp phần bảo vệ hành tinh chung của nhân loại luôn xanh, bền vững và an toàn''.

Cắt giảm phát thải khí metan là một trong những cách hiệu quả nhất để giảm sự nóng lên toàn cầu trong thời gian ngắn và giữ nhiệt độ trung bình toàn cầu ở mức 1,5 độ C. Khí metan thải ra từ giếng dầu, đường ống dẫn, gia súc và các bãi rác trong thành phố. Phần lớn nỗ lực cắt giảm phát thải khí metan sẽ do Mỹ dẫn đầu. Trong khi đó, Trung Quốc, Ấn Độ và Nga đã không cam kết cắt giảm phát thải khí metan.

Nguồn: