Câu chuyện hàng loạt công nhân vệ sinh môi trường của Công ty CP Tập đoàn Nam Hà Nội đồng loạt gửi thư kêu cứu tới các cơ quan chức năng và cơ quan báo chí vì bị nợ lương nhiều tháng đã khiến cộng đồng bức xúc trong thời gian gần đây.
Cộng đồng đặt câu hỏi, rằng Công ty CP Tập đoàn Nam Hà Nội là doanh nghiệp nào? Chân dung doanh nghiệp này như thế nào mà lại để xảy ra tình trạng nợ lương kéo dài này? Nguyễn nhân nợ lương do đâu? Và bao giờ những người công nhân khốn khó này có thể đòi lại đồng lương mồ hôi nước mắt của mình?
Chân dung Công ty CP Tập đoàn Nam Hà Nội: Doanh nghiệp liên tiếp trúng thầu
Được biết, Công ty CP Tập đoàn Nam Hà Nội được thành lập vào trung tuần tháng 05/2007, có địa chỉ trụ sở chính ở số 28A, TT10, khu đô thị Văn Quán - Yên Phúc, phường Văn Quán, quận Hà Đông, Hà Nội. Trước đây, công ty này có tên là Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Công nghệ cao Minh Quân nay đã được đổi thành Công ty Cổ phần Tập đoàn Nam Hà Nội.
Tập đoàn Nam Hà Nội chính thức "lấn sân" sang lĩnh vực dịch vụ công ích vệ sinh môi trường từ tháng 03/2017. Hiện nay, ông Trần Quang Tuấn - Tổng giám đốc của Tập đoàn Nam Hà Nội cũng đồng thời là người đại diện pháp luật Công ty TNHH Tuấn Tú Phú Thọ.
Bắt đầu từ năm 2017, Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển công nghệ cao Minh Quân (nay đổi tên thành Công ty Cổ phần Tập đoàn Nam Hà Nội) nổi lên như một trong những "ông lớn" thu gom rác của Hà Nội nhờ trúng hàng loạt các gói thầu cung cấp dịch vụ công ích vệ sinh môi trường trên địa bàn thành phố với giá trị lớn.
Tập đoàn Nam Hà Nội (Công ty Minh Quân trước đây) trúng hàng loạt gói thầu "khủng" thu gom rác trên địa bàn Hà Nội.
Riêng trong năm 2016, Tập đoàn Nam Hà Nội là nhà thầu "quen mặt" với Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Sóc Sơn khi liên tiếp trúng 5 gói thầu với tổng giá trị 34,15 tỉ đồng.
Chỉ trong 5 tháng (từ tháng 3 đến tháng 7/2017), công ty đã trúng 6 trong tổng số 25 gói thầu dịch vụ công ích vệ sinh môi trường trên địa bàn Hà Nội, tổng giá trị lên tới hơn 1.150 tỉ đồng. Bên mời thầu là Trung tâm Mua sắm tài sản công và thông tin, tư vấn tài chính thuộc Sở Tài chính Hà Nội. Tất cả các gói thầu đều có thời hạn 3 năm 6 tháng.
Thị phần của Công ty Nam Hà Nội phân bổ qua 6 quận, huyện bao gồm quận Hà Đông, quận Nam Từ Liêm, huyện Thạch Thất, huyện Mỹ Đức, huyện Mê Linh và huyện Thanh Trì.
Trong 6 gói thầu kể trên, chỉ có 2 gói thầu Tập đoàn Nam Hà Nội tham gia với vai trò liên danh phụ bao gồm gói thầu thu gom rác trên địa bàn quận Hà Đông lên tới 485,7 tỉ đồng và huyện Thanh Trì là 168,9 tỉ đồng. Hàng loạt gói thầu còn lại Tập đoàn Nam Hà Nội trúng với tư cách nhà thầu độc lập. Đặc biệt, gói thầu vệ sinh môi trường trên địa bàn quận Nam Từ Liêm lên tới hơn 218 tỉ đồng; huyện Mê Linh lên tới gần 103 tỉ đồng. Các gói thầu còn lại tại huyện Thạch Thất và huyện Mỹ Đức đều xấp xỉ 90 tỉ đồng.
Để thâu tóm những "địa bàn" này, Công ty CP Nam Hà Nội đã phải vượt qua hàng loạt các đối thủ lớn, có bề dày kinh nghiệm như Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội, Công ty Cổ phần Dịch vụ môi trường Thăng Long...
Đáng chú ý, cũng trong giai đoạn này, Công ty Nam Hà Nội còn trúng thêm nhiều gói thầu khác, như gói thầu chiếu sáng công cộng, xây lắp trường học, giao thông, công trình văn hóa, chỉnh trang đô thị... tại Hà Nội với tổng số lượng gần 30 gói.
Liên tiếp trúng những gói thầu giá trị lớn, trong giai đoạn từ 2016 đến 2020,Công ty CP Tập đoàn Nam Hà Nội đã tham gia 29 gói thầu, trong đó 28 gói trúng và 1 gói chưa có kết quả. Tức là tính đến thời điểm hiện tại, tỉ lệ trúng thầu của công ty này tại các dự án ở Hà Nội đạt mức rất cao: 96,55%.
Doanh nghiệp thay người đại diện pháp luật liên tục
Công ty CP Tập đoàn Nam Hà Nội không chỉ được nhắc đến là một doanh nghiệp liên tục trúng thầu, mà còn biết đến là một doanh nghiệp liên tục...thay lãnh đạo.
Mới gần đây, liên quan đến chuyện nợ lương công nhân nhiều tháng trời, hàng loạt công nhân lao đao khổ sở vì không có chi phí trang trải cuộc sống đã làm đơn thư cầu cứu cơ quan báo chí. Cơ quan báo chí vào cuộc, trao đổi với lãnh đạo Công ty CP Tập đoàn Nam Hà Nội thì được ông Trần Quang Tuấn – Giám đốc, người đại diện pháp luật hiện tại của Công ty CP Tập đoàn Nam Hà Nội cho hay: "Ngày xưa công ty này là Minh Quân (Công ty CP Đầu tư và Phát triển công nghệ cao Minh Quân), tôi tiếp quản rồi chuyển tên thành Công ty CP Tập đoàn Nam Hà Nội. Một năm ông Quân thay bao nhiêu đời giám đốc. Về pháp lý bây giờ là ông ấy chẳng dính líu gì cả".
Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Công nghệ cao Minh Quân đổi tên thành Công ty Cổ phần Tập đoàn Nam Hà Nội, đây là công ty đang nợ lương công nhân vệ sinh môi trường trong nhiều tháng ròng.
Quả thật, Công ty CP Tập đoàn Nam Hà Nội liên tục thay lãnh đạo trong khoảng thời gian ngắn. Và trong 13 năm (2007-2020), Công ty này đã thay đổi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh khoảng 20 lần.
Cụ thể, tháng 1/2018, bà Đinh Thị Dung làm Giám đốc thay cho ông Phùng Minh Đạt, đến tháng 8/2018, vị trí của bà Dung lại được thay thế bởi ông Phạm Toàn Phước. Trong vòng 2 năm từ tháng 8/2018 đến năm 2020 vị trí này tiếp tục được thay đổi 7 lần.
Tháng 11/2020, sau khi đổi tên từ Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Công nghệ cao Minh Quân thành Công ty Cổ phần Tập đoàn Nam Hà Nội, đại diện pháp luật kiêm tổng giám đốc công ty là ông Nguyễn Khắc Công. Tuy nhiên, theo cập nhật mới nhất, đại diện pháp luật của Tập đoàn Nam Hà Nội hiện nay là ông Trần Quang Tuấn. Công ty đăng ký nhiều ngành nghề kinh doanh, trong đó ngành nghề kinh doanh chính là tổ chức giới thiệu và xúc tiến thương mại.
Hiện tại, rất nhiều công nhân vệ sinh môi trường đang sốt sắng muốn đòi lại khoản tiền lương mà công ty đã nợ của người lao động. Tuy nhiên, ông Tuấn cho hay đây là khoản nợ từ năm ngoái, và ông chỉ tiếp quản và có trách nhiệm với những công việc bắt đầu từ 01/01/2021 mà thôi.