Thành Phong ·
1 năm trước
 8151

Châu Á: Thách thức về chuyển đổi năng lượng trong bối cảnh nắng nóng khắc nghiệt

Tình trạng nắng nóng kỷ lục hoành hành nhiều nước châu Á đang đặt ra thử thách cho khả năng cung cấp và chuyển đổi sang các nguồn năng lượng tái tạo.

Chật vật với nắng nóng

Nhiều nước châu Á đang vật lộn với thời tiết nắng nóng khi nhiệt độ tăng cao kỷ lục. Khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu đang là vấn đề được các nước quan tâm.

Bởi nền nhiệt độ tăng cao bất thường gây ảnh hưởng lớn tới đời sống sinh hoạt của người dân, làm đình trệ hoạt động sản xuất và tác động không nhỏ tới kinh tế - xã hội.

Thêm vào đó, tình trạng nắng nóng gay gắt như thiêu đốt ở châu Á thời gian qua đã trở nên nguy hiểm hơn do độ ẩm cao, khiến cơ thể khó hạ nhiệt, gây ra các triệu chứng như say nắng, kiệt sức, có thể đe dọa tính mạng.

Đặc biệt, nắng nóng tác động trực tiếp tới những người lao động làm việc ngoài trời, lao động phi chính thức, đe dọa môi trường và sinh kế vốn bấp bênh của những người dễ bị tổn thương. Các chuyên gia cho rằng, các nước trong khu vực Đông Nam Á, một trong những nơi dễ bị tổn thương nhất trước tình trạng biến đổi khí hậu.

Nhiều nước châu Á đang vật lộn với thời tiết nắng nóng khi nhiệt độ tăng cao kỷ lục. (Ảnh minh họa).

Cụ thể, đợt cuối tháng 5 vừa qua, nhiều quốc gia châu Á đã liên tục phải hứng chịu những đợt nắng nóng. Từ Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Bangladesh đều đang đối mặt đợt nắng nóng khắc nghiệt.

Tại Hàn Quốc trong ngày 19/6, nhiệt độ ban ngày vượt quá 30 độ C khiến người dân phải hạn chế ra ngoài. Vào lúc 16 giờ, cơ quan Khí tượng Hàn Quốc (KMA), thủ đô Seoul còn ghi nhận mức nhiệt tới 33,4 độ C.

Một số thành phố khác cũng ghi nhận nền nhiệt ban ngày tăng như thành phố Cheongju, Daejeon và Gwangju lần lượt ở mức 33,8oC, 32,9 độ C và 33,2 độ C. KMA dự báo nền nhiệt cao nhất ghi nhận hằng ngày có thể tăng lên mức 35 độ C. Đây là ngày thứ hai liên tiếp cảnh báo về nắng nóng bất thường được đưa ra đối với Seoul, trong khi với 13 thành phố khác thì đây là ngày thứ ba liên tiếp.

Tại Nhật Bản, quốc gia này cũng phải căng mình chống nóng và thực hiện các biện pháp phòng ngừa sốc nhiệt, khi dự báo nhiệt độ trong mùa hè sắp tới có thể cao hơn mức trung bình hằng năm.

Giới chức Ấn Độ cập nhật thông tin mới nhất về thiệt hại về người do nắng nóng gây ra, theo đó trong vài ngày qua đã ghi nhận ít nhất 96 người tử vong tại hai bang đông dân nhất nước là Uttar Pradesh (54 người) và Bihar (42 người).

Một số nước khác như Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Bangladesh cũng đang đối mặt đợt nắng nóng khắc nghiệt. Trong đó, Bangladesh đã trải qua đợt nóng nhất trong 50 năm qua, trong khi Thái Lan ghi nhận nhiệt độ kỷ lục 45 độ C. Kỷ lục về nhiệt độ tiếp tục được ghi nhận trong tháng 5 khi đây là tháng nóng nhất của Singapore trong 40 năm qua.

Các nhà khoa học cảnh báo có tới 2 tỷ người sẽ phải hứng chịu nắng nóng cực đoan nếu đà tăng nhiệt độ Trái Đất duy trì như hiện tại và dự kiến sẽ tăng trung bình 2,7 độ C trong thế kỷ này, trong đó Ấn Độ sẽ là nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất.

Thử thách về cung ứng điện

Tình trạng nắng nóng kỷ lục hoành hành nhiều nước khu vực châu Á đang đặt ra thử thách cho khả năng cung cấp và chuyển đổi sang các nguồn năng lượng tái tạo.

Bài toán đặt ra là làm thế nào để đảm bảo nguồn cung dự phòng, nâng cấp hệ thống truyền tải, cải cách thuế để đảm bảo độ tin cậy của mạng lưới điện và thúc đẩy sự chuyển dịch năng lượng xanh. Nắng nóng khiến tình trạng thiếu điện và mất điện diễn ra, gây nhiều thiệt hại với một số nước trong khu vực.

Nắng nóng khiến tình trạng thiếu điện và mất điện diễn ra, gây nhiều thiệt hại với một số nước trong khu vực. Việc cải thiện mức độ tin cậy của mạng lưới điện ở các nước châu Á sẽ cần phải trải qua công tác nâng cấp đầy tốn kém. Chỉ riêng việc nâng cấp mạng lưới truyền tải và phân phối điện ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương có thể tiêu tốn ít nhất 2.000 tỷ USD trong vòng một thập kỷ tới.

Trong khi đó, thực tế là khó có thể dự đoán và kiểm soát được nguồn điện năng thu nhận được từ năng lượng gió và mặt trời vì còn phụ thuộc vào điều kiện thời tiết ở từng địa phương, nơi các nhà máy loại này được lắp đặt. Ngoài ra, cũng khó có thể tăng cường huy động công suất của các cơ sở sản xuất điện từ năng lượng tái tạo mới như vậy khi phải đối phó với nhu cầu điện tăng đột biến.

Cơ quan Năng lượng Tái Tạo Quốc tế (IREA) cho biết công suất năng lượng xanh ở khu vực châu Á tăng 12% trong năm 2022, mức tăng nhanh nhất trong số những khu vực chính trên thế giới.

Việt Nam cũng không ngoại lệ. Trước đó, từ đầu tháng 6 khi nắng nóng đỉnh điểm ở miền Bắc, tình trạng mất điện diện rộng đã diễn ra. Nhiều hộ kinh doanh, gia đình tại các quận, huyện “trở tay không kịp” khi bị cắt điện đột ngột, kéo dài hơn 10 tiếng/ngày, hoặc giữa đêm khuya, mọi sinh hoạt của người dân bị đảo lộn, sức khỏe giảm sút.

Trên thực tế, cắt điện không chỉ diễn ra tại Hà Nội, mà diễn ra trên toàn miền Bắc, trong đó Bắc Giang, Bắc Ninh, Hải Phòng, Quảng Ninh… bị cắt khá dày, trong ngày chỉ có điện vài tiếng và xảy ra trong nhiều ngày.

Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) của Liên hợp quốc cảnh báo rằng có 66% khả năng nhiệt độ toàn cầu sẽ tăng 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp trong ít nhất một năm. Trong khi đó, thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu đã đặt mục tiêu hạn chế mức tăng nhiệt độ toàn cầu ở mức 1,5-2 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp.

Các chuyên gia khí hậu cho biết hiện tượng El Nino sẽ mạnh lên trong những tháng tới và nếu kết hợp với biến đổi khí hậu do con người gây ra thì có thể đẩy nhiệt độ toàn cầu lên mức cao chưa từng có.