Rác thải từ khẩu trang y tế và xử lý rác thải khẩu trang y tế đã trở thành một vấn đề nóng hơn bao giờ hết. Nếu không được xử lý để tái chế, giống như các chất thải nhựa khác, khẩu trang dùng một lần có thể tồn tại trong môi trường, hệ thống nước ngọt và đại dương.
Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 còn đang tiếp diễn tại nhiều quốc gia, các tổ chức bảo vệ môi trường đã lên tiếng cảnh báo về "làn sóng" rác thải khẩu trang, găng tay cao su và đồ bảo hộ khác đang "mon men tìm đường" vào những bãi biển và con sông vốn đã ô nhiễm, đe dọa đến toàn bộ hệ sinh thái trên hành tinh.
Nhà thiết kế người Anh Joe Slatter thu gom những chiếc khẩu trang y tế trên khắp đường phố London về khử trùng tạo thành một chiếc ghế đẩu. Ông đặt tên cho sản phẩm này là Veil Stool, với màu xanh và trắng đặc trưng của khẩu trang. Được biết, cái tên Veil bắt nguồn từ khái niệm “mạng che mặt” - ý nghĩa tích cực để che đi một phần khuôn mặt, giống như khẩu trang vậy.
Nhà thiết kế này chia sẻ về cái tên ý nghĩa của chiếc ghế đặc biệt: "Mạng che mặt thường được coi là đẹp, nên với tôi, cái tên này ngụ ý rằng chúng ta có thể nhìn thấy vẻ đẹp bên trong một vật đơn giản, chính là chiếc khẩu trang".
Chiếc ghế độc đáo làm từ khẩu trang đã qua sử dụng. (Ảnh minh họa)
Sau khi thu thập gần 4.000 chiếc khẩu trang, ông Slatter tiến hành khử trùng bằng bình xịt ozone và phơi dưới ánh nắng mặt trời trong 4 tuần. Qua một thời gian thử nghiệm, nhà thiết kế Slatter phát hiện mặt nạ 3 lớp có thể được kéo thành sợi mềm hoặc nấu chảy thành chất liệu cứng. Do đó, với phần chân ghế, ông cho nấu chảy khẩu trang và dập khuôn thành giá đỡ ba chân, đủ để đỡ được trọng lượng cơ thể con người. Với phần ghế ngồi, ông kéo thành từng sợi và gắn lại bằng tay. Thật không ngờ, những sợi khẩu trang kéo ra lại trở nên mềm, bông.
Không chỉ đáp ứng được nhu cầu sử dụng, Veil Stool còn đáp ứng cả nhu cầu về thẩm mỹ và giải quyết được vấn nạn ô nhiễm môi trường trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp.