TM ·
2 năm trước
 4033

Chim chóc đang ngày ngày chiến đấu với ô nhiễm tiếng ồn

Các nhà nghiên cứu tại trường Đại học Queen’s Belfast chỉ ra rằng tiếng ồn do con người tạo ra đã làm gián đoạn hoặc che lấp mất những thông tin quan trọng mà các loài chim muốn truyền đạt đến đồng loại của chúng.

 

Tiếng hót của các loài chim cũng giống như giọng nói của con người. Tùy vào cường độ, cao độ,… khác nhau mà tiếng hót thể hiện những mục đích khác nhau như báo hiệu nguy hiểm, đánh dấu lãnh thổ hay thu hút bạn tình.

Tuy nhiên những tiếng ồn gây ra bởi con người như còi xe, tiếng ồn từ nhà máy, hoạt động sản xuất, … có thể lấn át tiếng hót của các loài chim khiến chúng khó khăn trong việc tìm bạn tình, gây suy giảm đa dạng sinh học, hoặc khiến đối phương hiểu sai tín hiệu và không thể né tránh nguy hiểm.

Một nghiên cứu được công bố trên Kỷ yếu của Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia Mỹ vào năm 2018 đã thực hiện nghiên cứu tác động của tiếng ồn từ hoạt động khai thác dầu khí ở New Mexico đến ba loài chim sống quanh khu vực là Chim xanh phương Tây, Chim núi xanh và Đớp ruồi xám tro, cho thấy:

Những cá thể sống gần khu vực ô nhiễm tiếng ồn có lượng hormone căng thẳng corticosterone thấp dưới mức cơ bản. Điều này không có nghĩa là chúng không gặp căng thẳng. Bất kể là con người hay các loài động vật khác, nồng độ hormone dù là cao hay thấp hơn mức cơ bản đều gây ra những ảnh hưởng xấu.

Nghiên cứu cũng phát hiện ra những con non ở gần nguồn ô nhiễm tiếng ồn nghiêm trọng có kích thước cơ thể nhỏ hơn và ít lông hơn, trong khi những con non ở các khu vực có ít hoặc không có tiếng ồn do con người gây ra phát triển mạnh hơn cả về số lượng và tình trạng sức khỏe.

Các nhà khoa học cho rằng nguyên nhân là do những cá thể sống ở khu vực yên tĩnh hơn dễ dàng nhận ra sự hiện diện của các loài động vật ăn thịt khác ở xung quanh, vì vậy chúng thường có thời gian kiếm ăn ngắn hơn và rất cẩn trọng khi rời khỏi tổ. Trái lại, ô nhiễm tiếng ồn khiến các loài chim, kể cả chim mẹ lẫn chim non luôn phải đối mặt với tình trạng căng thẳng kéo dài.

Một nghiên cứu khác về cường độ và tần số tiếng hót của các loài chim ở những khu vực này cũng cho thấy, ở gần nguồn phát ra tiếng ồn, chim có xu hướng kéo dài tiếng hót, âm trầm hơn và to hơn với mục đích át đi tiếng ồn đó. Điều này khiến thông điệp mà chúng truyền tải có thể bị sai lệch, làm xáo trộn những tập tính tự nhiên của chúng.

THEO: TREEHUGGER