Ngọc Lan ·
27 tuần trước
 8973

Chính phủ dự báo tăng trưởng GDP năm 2023 đạt khoảng trên 5%

Chính phủ dự báo cả năm 2023, tăng trưởng GDP đạt khoảng trên 5%, dù thấp hơn chỉ tiêu đề ra (khoảng 6,5%) nhưng vẫn là mức khá cao so với nhiều nước trên thế giới và khu vực.

Trong gần 1 năm vừa qua kinh tế thế giới tiếp tục hồi phục bấp bênh do gặp những “cơn gió ngược” như hệ quả của đại dịch Covid-19, căng thẳng địa chính trị, tình trạng lạm phát kéo dài… Đã tác động đáng kể đế kinh tế Việt Nam, kéo theo những rủi ro như thị trường bị thu hẹp, sụt giảm đơn hàng, đứt gãy chuỗi cung ứng và biến động giá cả của các mặt hàng chiến lược cùng với sức ép lớn về tỷ giá, ổn định vĩ mô.

Chính phủ dự báo tăng trưởng GDP năm 2023 đạt khoảng trên 5%.

Trên cơ sở kết quả của 9 tháng, Chính phủ ước tính cả năm 2023 có 5/15 chỉ tiêu không đạt được mục tiêu đề ra; tăng trưởng kinh tế giảm tốc; công nghiệp chế biến chế tạo gặp nhiều khó khăn; một số điểm nghẽn chưa được tháo gỡ hiệu quả; nền kinh tế khát vốn nhưng khó hấp thụ vốn; doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn vướng mắc ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh…

Do đó, Chính phủ dự báo cả năm 2023, tăng trưởng GDP đạt khoảng trên 5%, dù thấp hơn chỉ tiêu đề ra (khoảng 6,5%) nhưng vẫn là mức khá cao so với nhiều nước trên thế giới và khu vực.

Theo dự kiến kế hoạch phát triển năm 2024 của Chính phủ có 15 chỉ tiêu chủ yếu, về các lĩnh vực kinh tế, xã hội, môi trường. Trong đó: Tăng trưởng GDP từ 6-6,5%; GDP bình quân đầu người đạt khoảng 4.700 - 4.730 USD; tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP đạt khoảng 24,1%-24,2%; tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 4-4,5% ; tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân 4,8%-5,3%...

Với năm 2024, Chính phủ đặt mục tiêu tiếp tục ưu tiên, thúc đẩy mạnh mẽ tăng trưởng gắn với củng cố, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; tập trung tháo gỡ các điểm nghẽn về thể chế, pháp luật, cơ chế, chính sách; khơi thông các nguồn lực; đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án kết cấu hạ tầng chiến lược trọng điểm, quan trọng quốc gia.

“Nhìn chung, năm 2024 là năm thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen, nhưng dự báo nền kinh tế tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, thậm chí còn nhiều hơn cả năm 2023”, Chính phủ dự báo.

Để đạt được mục tiêu đặt ra, Chính phủ sẽ tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả, phối hợp hài hòa, chặt chẽ với chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm và các chính sách khác nhằm ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Có giải pháp mạnh mẽ, quyết liệt, sớm khắc phục các tồn tại, hạn chế để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, đặc biệt là các dự án quan trọng quốc gia, các công trình trọng điểm.

Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để phục hồi và phát triển bền vững, ổn định, lành mạnh các loại thị trường, nhất là các thị trường trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản để góp phần nâng cao hiệu quả huy động, sử dụng các nguồn lực cho sản xuất kinh doanh.

Thực hiện đồng bộ các cơ chế, chính sách, giải pháp phát triển nguồn nhân lực, nhất là trong lĩnh vực công nghệ cao; tập trung đào tạo 50-100 nghìn nhân lực chất lượng cao cho ngành sản xuất chip điện tử đến năm 2025 và 2030. Phát triển các ngành công nghệ cao, công nghệ nguồn (như chíp, bán dẫn, hydrogen), hệ sinh thái đổi mới sáng tạo quốc gia, thúc đẩy phong trào khởi nghiệp.